Bộ GD-ĐT nói gì xung quanh lùm xùm về cuộc thi khoa học kỹ thuật?

30/03/2021 - 14:31

PNO - Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho rằng cuộc thi khoa học kỹ thuật diễn ra nghiêm túc, không có chuyện trùng lặp đề tài như nhiều người nghi ngờ.

Những đề tài trong cuộc thi khoa học kỹ thuật được công bố năm nay khiến dư luận tỏ ra sửng sốt như phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ, điều trị ung thư… Nhiều người cho rằng những đề tài vĩ mô này có thể là tiêu đề cho các luận án tiến sĩ.

Dư luận cũng cho rằng nhiều đề tài trong cuộc thi khoa học kỹ thuật nhưng không thực chất, không có tính ứng dụng, có dấu hiệu sao chép của hàng loạt đề tài đạt giải...

Bộ GD-ĐT trao giải nhất cho tác giả của 12 dự án đoạt giải nhất.
Bộ GD-ĐT trao giải nhất cho tác giả của 12 dự án đoạt giải nhất

Trước ý kiến cho rằng nên bỏ cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh vì có xuất hiện của “người lớn”, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT đã thông tin liên quan đến vấn đề này.

Theo ông Thành, sản phẩm của việc nghiên cứu khoa học là bản thân dự án, nhưng quan trọng hơn là sản phẩm con người, góp phần phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Tham gia nghiên cứu khoa học, các học sinh không chỉ được thực hành, trải nghiệm, ứng dụng kiến thức vào giải quyết một vấn đề cụ thể mà qua đó phát triển tư duy khoa học, năng lực khai thác tài liệu, kỹ năng thuyết trình, phản biện và làm việc nhóm.

Sự hiểu biết các em có được từ việc này không chỉ hạn hẹp ở lĩnh vực đề tài các em thực hiện mà có thể mở rộng hơn.

“Trong quá trình thực hiện, các em cũng không làm một mình mà cần có một môi trường để triển khai. Trong môi trường đó có sự hỗ trợ của người lớn, như giáo viên, cha mẹ trong việc hướng dẫn quy trình nghiên cứu, thực hiện, lựa chọn đề tài, hay là những người thợ hỗ trợ các em trong việc gia công sản phẩm. 

Những ý tưởng mới, cách xử lý vấn đề để đạt những kết quả mới thì chắc chắn phải là của học sinh. Không chỉ thế, cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp trong gần một thập niên qua đã thu hút hàng ngàn học sinh tham gia, trong đó có cả các em ở các vùng khó khăn. Điều đó khích lệ, tạo động lực để cả giáo viên và học sinh cùng thay đổi trong đổi mới dạy học”, ông Thành nói.

Còn về việc những đề tài bị nghi ngờ sao chép ý tưởng, lặp lại, ông Thành cho rằng những vấn đề nóng tất nhiên luôn được quan tâm và không ngừng được nghiên cứu, có rồi thì nghiên cứu tốt hơn.

“Tôi khẳng định ban giám khảo gồm nhiều nhà khoa học đã làm việc nghiêm túc và bám sát các tiêu chí chấm nên cuộc thi là nghiêm túc. Sở dĩ nhiều người thấy các đề tài dự thi có vẻ giống nhau là do cách đặt tên đề tài đề cập đến cùng một vấn đề, đôi khi chỉ khác nhau vài chữ. Nhưng những người hiểu biết về lĩnh vực đều thấy, vài chữ khác nhau đó trong tên đề tài chính là điểm mới, điểm khác biệt mà các dự án hướng đến”, ông Thành nói.

Đại Minh

                                                                                                                      

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI