Bộ GD-ĐT chính thức công bố nội dung giảm tải chương trình khi học sinh nghỉ học

31/03/2020 - 18:09

PNO - Bộ GD-ĐT vừa có công văn hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020.

Nội dung giảm tải tập trung ở các lớp cuối của mỗi bậc học, đặc biệt là ở bậc trung học. Việc cắt giảm đảm bảo nguyên tắc giữ nguyên yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học, chỉ tinh giản nội dung nâng cao, nội dung trùng lặp giữa các môn học. Một số nội dung được tích hợp theo các chủ đề để tiết kiệm thời gian, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng.

Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT với bậc trung học, các môn thực hiện theo chương trình nâng cao, các nhà trường chủ động điều chỉnh nội dung dạy học tương ứng, phù hợp với đặc thù môn học. Đối với các môn mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, các nhà trường chủ động điều chỉnh nội dung, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Không kiểm tra, đánh giá trong nội dung được tinh giản (ảnh minh họa)
Không kiểm tra, đánh giá trong nội dung được tinh giản (ảnh minh họa)

Một số môn học có yêu cầu học sinh thực hiện việc đi điều tra, tìm hiểu ở môi trường địa phương xung quanh hoặc các hoạt động tìm hiểu mà đòi hỏi tiếp xúc gần với động vật… Bộ GD-ĐT hướng dẫn không yêu cầu học sinh thực hiện nữa, để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm dịch bệnh cho các em.

Với các thí nghiệm yêu cầu học sinh thực hiện theo nhóm có thể thay bằng: giáo viên tiến hành thí nghiệm chung trước lớp và yêu cầu học sinh tích cực tham gia xây dựng kiến thức (như đưa ra phương án thí nghiệm, dự đoán, hay rút ra kết luận từ kết quả thí nghiệm). Một số thí nghiệm đơn giản giáo viên hướng dẫn học sinh tự làm ở nhà.

Với môn lịch sử và địa lý, các bài học và nội dung tự chọn, Bộ GD-ĐT hướng dẫn cơ sở giáo dục căn cứ vào quỹ thời gian của học kỳ II, đặc điểm vùng miền, đặc điểm học sinh và nhà trường, để quyết định thực hiện một trong các phương án: không dạy học bài tự chọn; dạy học bài tự chọn nhưng rà soát, tinh giản để tập trung giải quyết các nội dung cốt lõi; tổ chức thành bài đọc thêm cho học sinh có hướng dẫn của giáo viên.

Các nhà trường rà soát, tinh giản, sắp xếp, kết hợp các bài học có nội dung liên quan thành một bài học/chủ đề cần đảm bảo các yêu cầu như: đảm bảo nội dung cốt lõi của yêu cầu cần đạt theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; tinh giản tối đa các nội dung kiến thức trùng lặp.

“Tổ chức đánh giá quá trình học tập và rèn luyện của học sinh bằng các phương pháp, kỹ thuật, công cụ khác nhau phù hợp với tình hình thực tế và đúng quy định. Không tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá vào các bài hoặc nội dung, yêu cầu đã được giảm bớt; các bài không dạy hoặc đã chuyển thành đọc thêm, tự chọn, tự học”, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT nêu.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI