Bị trầm cảm sau sinh, em gái tôi cứ đập phá đồ đạc và không muốn nhìn mặt con mình

15/09/2022 - 09:00

PNO - Ba mẹ em phải làm một cái cũi lớn, nhốt Lan ở sau nhà, chỉ mở cửa mỗi lần mẹ đưa cơm nước. Trong nhà, mọi người tập trung chăm đứa cháu còn ẵm ngửa.

Chị Hạnh Dung ơi,

Em gái em tên Lan, 35 tuổi, lấy chồng được một năm thì có thai. Cùng lúc đó, chồng Lan đi xuất khẩu lao động.
Suốt thai kỳ, Lan ốm nghén rất nặng, nhưng vẫn vừa kiếm tiền (Lan là thợ thêu thủ công), vừa chăm lo nhà cửa bên chồng. Gia đình em biết em ấy rất vất vả, dù Lan không than thở gì.

Đến khi Lan sinh xong, chồng Lan lại gọi điện cho mẹ em, đề nghị để Lan được ở cữ bên nhà chồng. Mẹ em ban đầu không đồng ý, nhưng vì con gái cũng muốn về nhà chồng nên mẹ đành chấp thuận. 

Những lúc qua nhà sui gia thăm con, mẹ em phát hiện Lan bị trầm cảm sau sinh. Về nhà, mẹ gọi sang cho em, đề nghị em phải… giải cứu em gái. 

Em sang thăm thì thấy Lan trầm ngâm, lúc quá vui, lúc quá buồn. Em hỏi chuyện bà thông gia, thì bà nói em gái em sinh xong đổi tính, không ai dám đụng vào. Đêm đó em về thức trắng để nghĩ cách cứu em, sáng hôm sau đã nghe nhà chồng của Lan gọi: “Nó bị thần kinh rồi, sáng giờ cứ đập phá đồ và đòi quăng con ra đường".

Cả nhà em sang thì thấy cảnh tượng kinh hoàng. Lan bị nhốt trong nhà vệ sinh, liên tục la hét, đập cửa; còn đứa cháu khát sữa khóc ngằn ngặt. Mới một buổi sáng mà cả nhà thông gia đã kiệt sức. Lần đầu tiên sau hơn một năm cưới dâu, bà sui mới đồng ý cho Lan về nhà mẹ ruột.

Suốt một tháng sau đó là những giờ phút kinh hoàng. Ba mẹ em phải làm một cái cũi lớn, nhốt Lan ở sau nhà, chỉ mở cửa mỗi lần mẹ đưa cơm nước. Trong nhà, mọi người tập trung chăm đứa cháu còn ẵm ngửa.

Em phải xin nghỉ việc về nhà mẹ chăm Lan. Kỳ lạ, khi em quyết định mở cũi đưa em gái vào nhà, thì Lan tỉnh táo hẳn, đi đứng nói năng bình thường.

Em ở nhà kèm cặp sát bên, chăm lo cơm nước thì thấy Lan rất ổn, vẫn đảm đang, tình cảm và biết tính toán, vun vén. Nhưng khi nhắc đến chồng, em nói đã viết sẵn đơn ly hôn, đợi chồng về là ra tòa.

Từ khi em gái em bệnh, chồng và nhà chồng Lan không hề có một cuộc gọi hỏi thăm. Em không biết nội tình giữa vợ chồng Lan, chỉ biết em trước nay luôn phải lo cho nhà chồng dù có bầu bì, ốm nghén hay ở cữ.

“Tỉnh dậy" sau cơn trầm cảm nặng, Lan chỉ nói sẽ ly hôn. Em hỏi gì Lan cũng né tránh, em cũng không nỡ gặng hỏi.

Bây giờ, khi Lan khỏe mạnh trở lại và đăng hình con lên Facebook, thì em rể gọi điện cho em, xin số tài khoản để chuyển tiền cho vợ. Hiện tại, mọi chi phí của mẹ con Lan đều do em lo liệu. Em không muốn nhận tiền của em rể, nhưng nghĩ chồng Lan cũng có quyền và trách nhiệm.

Xin chị cho lời khuyên, em có nên nhận tiền của chồng Lan hay không?

Thảo Quyên (Đồng Nai)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thảo Quyên mến,

Hạnh Dung rất mừng là gia đình em đã xuất hiện kịp thời, và giúp Lan vượt qua giai đoạn rủi ro nhất của một bà mẹ trầm cảm sau sinh. 

Theo Hạnh Dung, việc có nhận tiền hay không là do Lan quyết định. Đọc thư em, chị hiểu em tôn trọng em gái đến mức không muốn chủ động hỏi han về những vấn đề của vợ chồng em ấy. Nhưng riêng việc này, em là người biết về ý định của em rể. Hãy nói chuyện này với Lan, cô ấy sẽ nói cho em biết có nên gửi số tài khoản cho em rể hay không.

Nhân cuộc trò chuyện này, em hãy mở lòng để sẵn sàng lắng nghe mọi tâm sự của em gái. Nếu thuận lợi, hãy đặt câu hỏi về những khó khăn của Lan trong mối quan hệ với chồng, vì sao Lan quyết định ly hôn… 

Chắc em cũng hiểu, một người nhiều tâm tư, lại có tiền sử trầm cảm rất cần được chia sẻ. Và sự chia sẻ ấy, chắc chắn phải đến từ một sự quan tâm đầy yêu thương, với những gợi mở tinh tế. Có lẽ khó khăn với Lan hãy còn dài. Hãy luôn sẵn lòng để kết nối với em ấy khi có cơ hội, em nhé!

Chúc em và gia đình sớm an vui!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI