"Bên sông Ô Lâu": Đi tìm thời gian đã mất trong lòng xứ Huế

27/07/2021 - 13:27

PNO - "Bên sông Ô Lâu" là tập tản văn của nhà báo Phi Tân vừa được phát hành. Cùng với sách là bộ tranh về xứ Huế của họa sĩ Phan Vũ Tuấn.

“Tuổi thơ tôi ở nông thôn, những năm tám mươi của thế kỷ trước…” – những trang viết về xứ Huế của tác giả Phi Tân bắt đầu từ chia sẻ mang tính tự sự. Và đó cũng là lời bắt nhịp cho độc giả cùng hình dung, cùng trở về với một xứ Huế xưa trong ký ức của người viết.

Bên sông Ô Lâu (Chibooks và nhà xuất bản Lao Động ấn hành) gồm 57 tản văn, man mác nhớ thương, dạt dào cảm xúc. Đó là “ao xưa vườn cũ”, “trèo cây lội ruộng”, “tát đìa bắt cá”; là giếng đình, bờ tre, hồ nước, là những ngày đi cắt lúa bên sông Cồn… Ký ức luôn là mạch cảm xúc không vơi cạn đối với người cầm bút. Ký ức dẫn lối về những năm tháng cũ, phác họa lại một không gian văn hóa chỉ còn trong tâm tưởng. Những gì còn lại điều đẹp đẽ, đầy dư vị.

Tranh của họa sĩ Phan Vũ Tuấn in trong tác phẩm
Tranh của họa sĩ Phan Vũ Tuấn in trong tác phẩm

Niềm hạnh phúc của tuổi thơ tôi là những lần đi chợ Tết. Tôi nhớ những con bột xanh đỏ tím vàng bắt hình nải chuối, con vịt, con gà hay chiếc thuyền. (...). Và đến khi trong triêng gióng của mạ có đầy đủ màu cam của mấy củ cà rốt, màu xanh của trái su le và bắp cải, màu đỏ mọng của mấy trái cà chua và màu nâu của mấy tai nấm mèo...thì tôi thấy mạ đang gánh Tết từ chợ về nhà…” – trích Bên sông Ô Lâu.

TS Nguyễn Thị Tịnh Thy, Giảng viên Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Huế gọi Bên sông Ô Lâu là hành trình “đi tìm thời gian đã mất” của nhà báo Phi Tân. "Ngày xưa của anh chàng “nhà quê thứ thiệt” Phi Tân trải dài từ dòng sông Hương huyền thoại đến dòng sông Ô Lâu mát lành ven phá Tam Giang, trải dài từ tuổi thơ “đục bụi lủi bờ” cho đến tuổi trung niên đầy suy tư hoài niệm.

Ấn tượng về Huế trong Phi Tân không phải là điện ngọc đài dao lộng lẫy vàng son hay lối sống điệu đà kiểu cách, mà là những gì giản dị, thanh nhã như hương hoa trong vườn chùa; cô đơn, lẻ loi như con đò ngang cuối cùng nằm chơ vơ trên bến Đập Đá - Đông Ba. Đó là những giá trị “vang bóng một thời” cần được vang bóng mãi mãi, ít ra là ở trong văn chương; bởi vì nếu chúng mất đi, cuộc sống sẽ tẻ nhạt biết chừng nào" - TS Nguyễn Thị Tịnh Thy cảm nhận. 

Làng quê yên bình xứ Huế. Tranh: Phan Vũ Tuấn
Làng quê yên bình xứ Huế. Tranh: Phan Vũ Tuấn

Bên sông Ô Lâu “rặt” thanh âm và nỗi niềm xứ Huế, đầy hoài niệm như “lầu may ở chợ Đông Ba cứ như một nốt trầm lặng lẽ huyên náo của khu chợ lớn nhất Huế”; mênh mang bồi hồi như “một buổi chiều tháng Sáu, ba tôi đi làm đồng về, vừa bỏ cái cuốc xuống sân đã nghe giọng ông buồn bã: Nước mặn lên rồi”…

“Gió Lào đuổi nhau rin rít từng đợt trên cánh đồng, nước dưới chân lúa bắt đầu cạn dần. Sông Ô Lâu chẳng khi nào thiếu nước, nhưng đến mùa gió Lào, nước mặn từ biển qua phá Tam Giang dâng cao tràn qua cửa Lác thì sông không còn là dòng nước ngọt mà đã có vị mặn lơ lớ không thể tưới mát ruộng đồng được nữa…” – một miền khó và một miền thương trở thành ký ức không thể nào quên.

Bên sông Ô Lâu thuộc dự án Tủ sách văn hóa Việt của Chibooks, dự kiến sẽ được chuyển ngữ sang tiếng Hoa và tiếng Anh. Điều đặc biệt của tác phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa Huế này chính là phương ngữ. Những “răng rứa mô tê”, “o”, “ôn”, “chừ”, “cụp”… theo vào trang viết mà bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Chibooks nói rằng, đây có thể sẽ là thử thách không nhỏ đối với những người chuyển ngữ.

Bên sông Ô Lâu sẽ được chuyển ngữ sang tiếng Trung và tiếng Anh
Bên sông Ô Lâu sẽ được chuyển ngữ sang tiếng Trung và tiếng Anh

Tác phẩm cũng được đầu tư phần minh họa rất công phu qua bộ tranh của họa sĩ Phan Vũ Tuấn. Làng quê yên bình, dòng sông, những con đường thơ mộng của xứ Huế… đi vào tranh của họa sĩ 9X không chỉ đơn thuần là những phong cảnh, mà còn như gửi gắm tâm tư, nỗi nhớ về những hình ảnh làng quê xưa đang dần mất đi. 

Nhà văn – nhà báo Phi Tân sinh năm 1973, tại Điền Lộc, Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Hiện đang làm việc tại Đài phát thanh và truyền hình Huế. Ông cũng từng xuất bản tác phẩm Ngoại ô thương nhớ (2020), tác phẩm sắp xuất bản: Về Huế ăn cơm. 

Cầm Thi 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI