Bé gái mua xăng đốt trường: Không bị truy cứu nhưng có thể đưa vào trường giáo dưỡng

12/10/2016 - 09:30

PNO - Học sinh đốt trường không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi đốt trường. Tuy nhiên, những người đã mua xăng, thúc giục, ép buộc T. đốt trường cần phải xem xét, làm rõ.

Cần xử lý nghiêm!

Thông tin vụ việc nữ sinh lớp 8 - Trần Thị Ngọc T.  bị ép đốt trường vì lời thách đố câu like trên facebook xảy ra tại trường THCS Phạm Ngũ Lão (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) gây bức xúc dư luận.

Ngày 11/10, trao đổi với Phụ nữ TP.HCM, luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhìn nhận: Thứ nhất, đối với bé gái này, do chưa đủ 14 tuổi nên em sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi đốt trường, nhưng sẽ có những biện pháp cưỡng chế như đưa vào trường giáo dưỡng.

Thứ hai, những người thành niên đã mua xăng, thúc giục, ép buộc T. đốt trường sẽ phải xem xét, điều tra: "Mục đích của những người tham gia ép bé gái đốt trường để làm gì: Mục đích hủy hoại tài sản, hay mục đích chính trị, hay cái gì khác, cái này cơ quan điều tra sẽ vào cuộc tìm hiểu.

Be gai mua xang dot truong: Khong bi truy cuu nhung co the dua vao truong giao duong
Học sinh đốt trường không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi đốt trường. Tuy nhiên, những người đã mua xăng, thúc giục, ép buộc T. đốt trường cần phải xem xét, làm rõ. (Ảnh cắt từ clip).

Người thành niên xúi giục người chưa thành niên phạm tội, đó là một tình tiết tăng nặng, đồng thời họ phải chịu trách nhiệm đối với hành vi mà họ xúi giục, tùy với mục đích làm như vậy để làm gì sẽ có tội danh tương xứng.

Đặt giả thiết ở đây là tội hủy hoại tài sản, tội hủy hoại tài sản thì lại trách nhiệm không cao nhưng vấn đề trách nhiệm là phải bồi thường với những thiệt hại đó", ông Út nói.

Những tác hại khôn lường từ... chiếc điện thoại

Luật sư Phạm Công Út nhìn nhận: "Công nghệ thông tin phát triển ồ ạt là một sự tiến bộ của xã hội, đồng thời phương tiện để truyền tải công nghệ thông tin hiện nay rất phổ biến. Mỗi người đều trang bị cho mình một máy điện thoại, 1 cái sim. Thậm chí mỗi phụ huynh đều trang bị cho con mình những chiếc điện thoại mà chức năng của nó không chỉ nghe, gọi mà còn có các chức năng giải trí, game, quay phim, chụp hình, ghi âm, vào mạng...  tương tác với đứa trẻ.

Vì vậy, nếu không có một sự giáo dục một cách kỹ lưỡng của cha mẹ để cho con mình tự do tiếp cận với "thế giới đó", chưa đủ nhận thức, chín chắn để tiếp nhận thông tin, phân biệt thông tin nào tốt, thông tin nào xấu. Công nghệ cũng khiến những khuôn mặt đẹp hơn bình thường, sáng hơn bình thường... tạo thành những hình ảnh ảo.

Bên cạnh đó, vấn đề kết bạn với nhau rất dễ dàng, khác với trước đây gặp gỡ nhau, vui vẻ hòa đồng, hợp tính nhau thì kết bạn. Thế giới mạng kéo người ta đến gần nhau hơn, không chỉ là em học sinh của trường này có thể kết bạn với em học sinh ở trường khác, thậm chí học sinh tiểu học kết bạn với những anh chị đại học, tức là vượt qua mình kiến thức, kinh nghiệm sống, thậm chí không chỉ kết bạn với những người trong nước mà còn với cả những người ngoại quốc... quan hệ mở rộng và ngoài tầm kiểm soát của gia đình, tạo ra cả những mối tình ảo, đặc biệt là các bé gái rất dễ bị dụ dỗ rất nhiều vụ án xảy ra", luật sư Út phân tích.

Theo ông Út, cha mẹ cần phải có sự kiểm soát tốt hơn, kỹ lưỡng hơn khi cho trẻ sớm tiếp xúc với những công nghệ ấy.

Tân An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI