Bao giấy tập bằng bàn ủi con gà – nghề vàng son còn sót lại ở Sài Gòn

13/05/2018 - 11:00

PNO - Hơn 40 năm, vẫn chiếc bàn ủi con gà, vẫn những hòn than đỏ lửa, vẫn ngồi lặng lẽ nơi góc đường, ông Tín giữ nghề bao giấy tập, như giữ một thói quen - ngồi để ngắm Sài Gòn…

12h trưa, cái nóng Sài Gòn làm cho đường phố trở nên gay gắt. Người xe dường như vội vã hơn để mau thoát khỏi sức nóng hầm hập như thiêu như đốt. Khi xe cộ trở nên thưa dần, cũng là lúc ông Nguyễn Công Tín (hơn 60 tuổi, quê ở Thừa Thiên Huế) gác lại mọi việc, thản nhiên nhìn ngắm phố xá Sài Gòn.

Người ta nói ông hâm, vì dưới cái oi bức thở không ra hơi, ông lại bình thản ngồi bên vệ đường, châm điếu thuốc, rồi xuyên qua làn khói mơ mộng về Sài Gòn xưa. Nơi mà ông được sống lại với những ký ức đẹp, với con đường bụi bặm nhưng rợp bóng mát, với những cô cậu học trò chia từng tốp nhỏ trò chuyện lúc tan trường.

Ông Tín tâm sự: “Với tôi, bàn cắt, kéo, thước và bàn là con gà dường như là người bạn tri kỷ, con đường này cũng là một ký ức đẹp. Chứng kiến nó từ thưở sần sùi, lắm bụi đến đẹp đẽ, khang trang, như một phần cuộc sống. Bỏ đi nơi khác? Tôi nghĩ đến trăm lần nhưng cuối cùng, sau 40 năm vẫn ngồi lại đây”.

Bao giay tap bang ban ui con ga – nghe vang son con sot lai o Sai Gon
Hơn 40 năm qua, chỉ trừ 2 ngày giỗ và 3 ngày Tết, người dân quanh đây vẫn luôn thấy một ông già gàn dở ngồi đợi khách, chốc chốc đưa ánh nhìn xa xăm ra phía đường rồi tủm tỉm cười. Nói ông gàn dở quả không sai, thời này ai bao giấy tập mà ông còn ngồi chờ đợi…
Bao giay tap bang ban ui con ga – nghe vang son con sot lai o Sai Gon
Mặc ai nói gì thì nói, ông vẫn nặng với cái nghề đã từng huy hoàng, từng giúp ông mua nhà, mua đất, giúp ông trụ lại với Sài Gòn. Bên cạnh đó, ông vẫn luôn cảm nhận được sự gần gũi ở những dòng xe, hay ngay cả căn nhà, nơi ông neo nghề đã qua 4 lần thay chủ vẫn còn luôn tồn đọng một cái tình.
Bao giay tap bang ban ui con ga – nghe vang son con sot lai o Sai Gon
Ông Tín vẫn còn nhớ một thời vàng son của nghề bao giấy tập. Đó là từ những năm 70 đến cuối năm 80, trước mỗi mùa tựu trường, nhiều thế hệ học sinh trường Quyết Thắng (đường Lê Đại Hành), trường Trưng Trắc (đường Nguyễn Thị Nhỏ), Lữ Gia (đường Lữ Gia),… đều nhờ ông bao tập để chuẩn bị cho năm học mới.
Bao giay tap bang ban ui con ga – nghe vang son con sot lai o Sai Gon
“Thời đó người ta trọng lễ nghĩa lắm, học sinh đến nhờ tôi bao tập luôn mặc đồng phục chỉnh tề. Cứ nhớ lại những cô học trò trong tà áo dài trắng, các cậu nam “ăn ta ni” láng cóng, tay ôm tập sách, thư thái và lễ độ, xếp một hàng dài duyên dáng dưới con đường ngập bóng cổ thụ, tự nhiên tôi thấy vui vui, rồi tự cười một mình, nhiều người không biết chắc tưởng tôi khùng”, ông Tín xúc động.
Bao giay tap bang ban ui con ga – nghe vang son con sot lai o Sai Gon
“Sài Gòn chưa đi đã nhớ” có lẽ vì vậy mà nhiều lần ông Tín quyết tâm chuyển nghề, nhưng cuối cùng vẫn ngồi đây với vô số hoài niệm. Trên dòng đường vội vã người xe, ít ai có nhiều thời gian để ghé thăm ông, có chăng là những người cần ép gấp giấy tờ vội vàng đến, rồi vội vàng đi. Khiến ông bị bỏ lại nơi góc đường, ngày đắt còn được dăm ba người, có ngày ông về tay không.
Bao giay tap bang ban ui con ga – nghe vang son con sot lai o Sai Gon
Với sức khỏe của mình, ông tự tin mình có thể chuyển qua nhiều nghề khác. Thế nhưng, góc đường Lê Đại Hành, và nghề bao tập đã gắn với ông quá nhiều kỷ niệm, khiến ông muốn đi nhưng không nỡ… Ông Tín khoe mình vẫn còn nhiều “mối ruột”, đó là con cháu những học sinh năm xưa vẫn nhớ ông và ra đây ủng hộ.
Bao giay tap bang ban ui con ga – nghe vang son con sot lai o Sai Gon
Anh Nguyễn Thành Vân (36 tuổi, nhà ở Bình Thới, Q.11) chia sẻ: “Hồi tôi còn đi học vẫn thường nhờ chú Tín bao tập, thời đó bọn học sinh chúng tôi phải đứng đợi thành hàng rất dài, nhiều hôm đến giờ chú về chúng tôi phải năn nỉ chú giúp để kịp cho năm học mới. Tôi vẫn thích cách bao vở của chú Tín, vì bìa tập chắc và thẳng hơn so với bìa bao bây giờ”.
Bao giay tap bang ban ui con ga – nghe vang son con sot lai o Sai Gon
Bây giờ, ít ai nhờ bao tập nên ông Tín nhận ép nhựa cả giấy tờ. Mỗi sản phẩm được ép nhựa với giá vài ngàn đồng, có khi cả ngày ông không ép được quyển tập nào nhưng nhớ nghề, ông vẫn ra góc nhỏ này.
Bao giay tap bang ban ui con ga – nghe vang son con sot lai o Sai Gon
Sài Gòn thời kỳ nào cũng đẹp, mỗi thời cuộc có một nét duyên riêng. Ngày nay những con đường này tuy đổi mới, xe đông, ồn ào và vội vã, nhưng con người Sài Gòn vẫn như xưa, tình cảm vẫn như ngày nào. Ông Tín cười hiền: “Nhiều cháu nhỏ thấy tôi bao tập thì thích thú, các bác lớn tuổi thì dừng chân trò chuyện khi tôi rảnh rỗi. Tuy là những câu chuyện không đâu, nhưng vẫn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ. Cứ yêu Sài Gòn đi, Sài Gòn vẫn tình cảm lắm...”.

Phạm An
Ảnh: Hương Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI