Băn khoăn về quy định phân hạng giáo viên

28/05/2022 - 06:51

PNO - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố dự thảo sửa đổi các Thông tư 01, 02, 03, 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Ở lần dự thảo thứ hai này, bộ bỏ yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp đối với từng hạng vốn là vấn đề gây nhiều bức xúc thời gian qua. Đồng thời bỏ đánh giá tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên theo từng hạng chức danh mà chỉ còn một tiêu chuẩn duy nhất. 

Nên có các quy định thực chất và phân biệt giữa công việc chuyên môn của giáo viên với công việc của cấp quản lý
Nên có các quy định thực chất và phân biệt giữa công việc chuyên môn của giáo viên với công việc của cấp quản lý

Ngoài ra, một số sửa đổi có lợi hơn cho giáo viên như không yêu cầu giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ. Giáo viên không đủ thời gian giữ hạng theo quy định cũng không bị “xuống hạng” mà được giữ nguyên hạng cũ, hệ số lương, mã số hiện hành, khi đủ thời gian giữ hạng thì được chuyển sang hạng mới tương ứng.

Đối với giáo viên mầm non hạng III sẽ lên hạng II nhanh hơn vì dự thảo giảm thời gian giữ hạng III tối thiểu từ chín năm xuống còn ba năm…

Tuy nhiên, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT - góp ý, rất cần làm rõ tiêu chuẩn đạo đức đặc thù nghề giáo để tránh hiểu nhầm sang đạo đức theo khái niệm chung. Chẳng hạn, một số tiêu chuẩn quy định tại dự thảo còn mang tính hình thức, như việc “chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật…” là tiêu chuẩn chung cho mọi công dân, viên chức chứ không phải đặc thù nghề giáo.

Ở châu Âu, để đánh giá giáo viên, họ không gọi là tiêu chuẩn đạo đức mà dùng cụm từ “các giá trị và thuộc tính nghề nghiệp”. Các giá trị của giáo viên cần hướng đến việc đánh giá được các tiêu chuẩn đặc thù như lòng yêu nghề, sự tận tụy, yêu thương học sinh, đoàn kết với đồng nghiệp… 

Ngoài ra, một giáo viên tiểu học có thâm niên hơn 20 năm cho biết, nếu nhìn vào quy định xếp lương mới này, nhiều nhà giáo sẽ rất mừng vì hệ số lương cao nhất cho giáo viên hạng I lên đến 6.78 mà trước đó chỉ có 4.98. Tuy nhiên, để đạt được hệ số lương này không đơn giản. Chẳng hạn, giáo viên tiểu học hạng I ngoài những nhiệm vụ của giáo viên hạng II, còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác như: làm giám khảo hội thi giáo viên giỏi hoặc tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra cấp huyện… Trong khi thực tế hầu như chỉ có cấp lãnh đạo mới đảm nhận các nhiệm vụ này. 

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho rằng, việc quy định “cứng” giáo viên tiểu học, trung học muốn lên hạng II phải có thời gian giữ hạng III ít nhất chín năm cũng khó khăn cho giáo viên.

Bên cạnh đó, quy định một số nhiệm vụ của giáo viên hạng cao (hạng II, hạng I) chủ yếu là các công việc của cấp quản lý (ban giám hiệu, tổ trưởng, tổ phó). Nhiều giáo viên có đủ, thậm chí thừa trình độ làm các công việc này nhưng họ không được phân công đảm nhận thì cũng không có cơ hội được nâng hạng.

Nên có các quy định thực chất và phân biệt giữa công việc chuyên môn của giáo viên với công việc của cấp quản lý. Nếu lồng ghép như hiện nay có thể khiến nhiều giáo viên không giữ chức vụ mất đi cơ hội được thăng hạng. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtuyensinhvi /strCate=tuyensinh

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsukienvandevi /strCate=sukienvande
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaoducvi /strCate=giaoduc