Làm giàu từ thuở sinh viên

Bài cuối: Khởi nghiệp không thể chỉ dựa vào đam mê

31/10/2020 - 10:03

PNO - Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học đều khuyến khích sinh viên khởi nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025", nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, sinh viên không nên khởi nghiệp vì sẽ thất bại. Còn theo ông Lê Đình Hiếu - đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Học viện G.A.P - sinh viên là giai đoạn rất phù hợp để khởi nghiệp.

 

Hiện có không ít người khởi nghiệp, làm giàu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều người trong số đó phải đi học xa quê và xuất thân không phải từ gia đình khá giả... Dù bận rộn kinh doanh, họ vẫn duy trì đường học và cố gắng học tốt. 

Bài 1: Cô sinh viên làm chủ hai cửa hàng hải sản

Bài 2: Làm chủ để không còn lo “ra trường thất nghiệp”

Bài 3: Tự trang bị kiến thức, kỹ năng cho con đường đã chọn

Bài 4: Muốn không thất nghiệp, phải tự trang bị kỹ năng mềm

ông Lê Đình Hiếu
Ông Lê Đình Hiếu

*Phóng viên: Một giảng viên đại học ở TPHCM khuyên sinh viên không nên khởi nghiệp mà hãy khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp, vì “sinh viên khởi nghiệp chắc chắn sẽ thất bại, mất cả thời gian, công sức lẫn tiền bạc”. Vậy theo ông, có nên khuyến khích sinh viên khởi nghiệp?

-Ông Lê Đình Hiếu: Nếu xem khởi nghiệp là khởi sự kinh doanh thông thường, như mở tiệm bán trà sữa, mở shop bán quần áo, ốp lưng điện thoại… thì thầy cô khuyên như vậy là có lý và đáng suy nghĩ. Nhưng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sử dụng công nghệ mới của thế giới thì rất đáng khuyến khích. Trường đại học là nơi sinh viên dễ dàng tiếp cận nguồn tri thức từ các nhà nghiên cứu, giảng viên. Đây là sự hỗ trợ rất quan trọng để định hướng và cố vấn cho người khởi nghiệp. Hơn nữa, lứa tuổi sinh viên năng động, nhạy bén với kiến thức và công nghệ mới, rất phù hợp cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo. Họ lại có nhiều sức khỏe, thời gian để có thể bắt đầu lại bất cứ lúc nào.

* Nhưng mặt trái của khởi nghiệp sớm là sinh viên có thể bỏ học để chạy theo dự án của mình, như những tấm gương triệu phú trên thế giới. Làm sao để hạn chế điều này? 

- Nó sẽ không là mặt trái nếu trường đại học có một cơ chế khác. Ở Mỹ, rất nhiều sinh viên có thể bỏ ngang việc học để khởi nghiệp là do họ có thể bảo lưu kết quả học; nhiều năm sau, họ có thể quay lại trường để tiếp tục con đường học tập còn dang dở. Còn ở Việt Nam, khi thất bại, bạn chỉ có thể làm một việc tay chân nào đó, làm tài xế xe ôm công nghệ hoặc phải ôn thi để học lại từ đầu.

Những trường hợp bỏ học và khởi nghiệp thành công ở Mỹ không nên là hình mẫu cho sinh viên Việt Nam. Tỷ phú Bill Gates bỏ học ở Đại học Harvard, nhưng ông ấy đã biết lập trình từ năm 11 tuổi, mở công ty về lập trình năm 14 tuổi và thất bại. Ông chủ Facebook - Mark Zuckerberg - cũng là một sinh viên bỏ học và khởi nghiệp thành công, nhưng anh ta đã bắt đầu viết phần mềm máy tính từ năm 11 tuổi, tự tạo ra một mạng kết nối trong gia đình ZuckNet năm 12 tuổi và tạo ra cái máy tính đầu tiên từ rất sớm.

Sinh viên Việt Nam còn rất “non” về kỹ năng và kinh nghiệm thực chiến, không thể bắt chước họ. Nhà trường nên có sự đồng hành để sinh viên có thể khởi nghiệp ngay trong trường, không cần bỏ học. 

* Trường đại học có nên đào tạo về khởi nghiệp để giảm thiểu thất bại cho sinh viên không? Việc đào tạo bài bản có giúp rút ngắn quãng đường mò mẫm tìm kiếm? 

- Đào tạo về khởi nghiệp, nếu có, sẽ rất tốt cho sinh viên, vì muốn khởi nghiệp, sinh viên cũng cần được cung cấp một số kỹ năng, tư duy và phẩm chất nhất định. Nhưng theo tôi, việc đào tạo về khởi nghiệp không phải để giảm thiểu thất bại mà để giúp sinh viên đối diện với thất bại, tự rút ra bài học cho mình và có thể tái khởi nghiệp.

Hầu hết những người thành công mà tôi từng biết đều phải trải qua vài lần thất bại. Thất bại ở thời sinh viên thì tốt hơn nhiều so với thất bại khi đã trưởng thành. Khi còn rất trẻ, hầu như không có áp lực từ nhiều phía, nên việc bắt đầu lại sẽ dễ dàng hơn. 

* Sinh viên là lớp chưa trưởng thành về nhận thức lẫn kỹ năng, liệu họ có thể đối mặt với thất bại không, hay sẽ sợ hãi rồi co mình lại?

- Đúng là khó tránh khỏi những trường hợp như vậy, nên các bạn trẻ rất cần được đào tạo về khởi nghiệp, hay nói đúng hơn là đào tạo về tư duy, kỹ năng cần thiết để đứng lên khi vấp ngã.

Sinh viên được cho là giai đoạn phù hợp để khởi nghiệp ảnh: đỗ minh
Sinh viên được cho là giai đoạn phù hợp để khởi nghiệp - Ảnh: Đỗ Minh

* Thông thường, các ý tưởng khởi nghiệp mới mẻ và thú vị đều thể hiện đam mê hay ước mơ của sinh viên. Liệu có nên căn cứ trên những ý tưởng này để định hướng cho tương lai của sinh viên không?

- Tôi là người thực tế và cũng đã từng trải qua những thất bại khi khởi nghiệp, nên tôi không khuyên các bạn trẻ khởi nghiệp từ đam mê. Đam mê đúng là cần thiết để có năng lượng, nhưng nhu cầu thị trường mới thực sự quan trọng. Muốn thành công, ý tưởng khởi nghiệp phải giải quyết được “nỗi đau” của khách hàng. Làm một sản phẩm giáo dục mà bạn chưa hiểu phụ huynh cần gì thì chắc chắn thất bại rồi. Thế nên, phải thấu hiểu thị trường, hiểu rõ mong muốn của khách hàng rồi hãy khởi nghiệp, và đam mê là động lực để bạn theo đuổi sự nghiệp, cũng là nội lực để bạn vượt qua thử thách. Các bạn trẻ nên dành ít nhất 3-4 năm để làm việc liên quan đến ngành nghề mình theo đuổi, tham gia các dự án tại doanh nghiệp để “va chạm” thị trường, hiểu khách hàng muốn gì rồi hãy khởi nghiệp.

* Đào tạo khởi nghiệp là một mặt, nhưng mặt khác, nhà trường cũng phải liên kết được với doanh nghiệp mới có đầu ra cho sản phẩm chứ?

- Đúng vậy. Nhiều trường đại học ở Việt Nam đã thành lập trung tâm khởi nghiệp, nhưng phải có sự liên kết bốn bên, chứ không chỉ hai bên. Bên thứ nhất là doanh nghiệp, vì chỉ có doanh nghiệp mới hiểu rõ nhu cầu thực tế của họ; doanh nghiệp sẽ nói ra vấn đề của họ và các bạn trẻ nghĩ cách để giải quyết vấn đề. 

Bên thứ hai là trung tâm nghiên cứu độc lập, như viện hàn lâm, trung tâm nghiên cứu khoa học chẳng hạn. Đã qua rồi cái thời copy nguyên xi một mô hình đã thành công nào đó trên thế giới để khởi nghiệp tại Việt Nam. Ngày nay, nhờ internet và công nghệ, các bạn trẻ không khó để sáng tạo ra những giải pháp mới mẻ, phù hợp với thị trường của mình. Do vậy, cần có những nghiên cứu độc lập và chất lượng, mới có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững.

Bên thứ ba là nhà đầu tư. Không có nhà đầu tư nào bỏ vốn khơi khơi cho sinh viên cả. Thông qua các trung tâm khởi nghiệp, ít nhất là có sự cố vấn của thầy cô giáo hay những người có uy tín trong trường, các nhà đầu tư mới mạnh dạn giao vốn cho sinh viên khởi nghiệp. 

Bên thứ tư là các cơ quan, ban ngành có thẩm quyền. Một dự án khởi nghiệp rất cần sự hậu thuẫn của các bộ, ngành như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Y tế… Một ví dụ dễ thấy là, nếu không có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Bộ Y tế thì app Bluezone - ứng dụng truy dấu vết người nhiễm COVID-19 của Bkav - khó mà thành công như thời gian qua. Không thể đòi hỏi sự hậu thuẫn cho mọi ý tưởng sáng tạo của giới trẻ, nhưng ít nhất, phải có sự ủng hộ đối với những ý tưởng tốt để nó dễ đi vào thực nghiệm. 

* Việc tạo môi trường giao lưu, kết nối sinh viên với doanh nghiệp cũng là cách khuyến khích sinh viên khởi nghiệp. Có bao nhiêu dự án của sinh viên được doanh nghiệp chấp nhận trong chương trình Talent Generation của ông?

- Nhìn chung, doanh nghiệp đã có những phản hồi tốt về kỹ năng và ý tưởng sáng tạo của các bạn trẻ. Nhưng giải pháp của các bạn trẻ cần được doanh nghiệp phát triển và hoàn thiện thêm. Một mong muốn từ chương trình là tiếp sức cho doanh nghiệp Việt Nam về nguồn nhân lực. Nhân tài có xu hướng đầu tư vào các công ty đa quốc gia hoặc tập đoàn. Chương trình của G.A.P tạo điều kiện để các bạn trẻ thấy rằng, môi trường ở doanh nghiệp Việt Nam cũng rất tốt để phát triển bản thân, bên cạnh sự phù hợp về văn hóa.

* Ở Mỹ và các quốc gia khác, các quỹ khởi nghiệp rất phổ biến và dễ tiếp cận, nhất là quỹ khởi nghiệp trong trường đại học. Có phải Việt Nam đang thiếu các quỹ khởi nghiệp cho sinh viên?

- Trường đại học Pennsylvania (Mỹ) nơi trước đây tôi từng học có một quỹ khởi nghiệp gọi là Penn Wharton Innovation Fund. Chỉ những sinh viên nào đang theo học tại trường muốn khởi nghiệp mới được quỹ hỗ trợ. Nguồn vốn của quỹ đến từ đóng góp của các cựu sinh viên của trường và gọi vốn từ quỹ đầu tư chuyên nghiệp tại trường. Khi sinh viên có một ý tưởng khởi nghiệp tốt, quỹ sẽ giới thiệu dự án đến đông đảo nhà đầu tư, giúp gọi vốn thành công. họ sẽ trích lại một phần trong số vốn gọi được để tiếp tục phát triển quỹ khởi nghiệp này. 

Đây là một cách tìm vốn hiệu quả cho các nhà khởi nghiệp trẻ, nhưng không dễ thực hiện được ở các trường đại học Việt Nam. Vì muốn làm được điều này, người điều hành phải là người quản lý quỹ chuyên nghiệp hay các nhà đầu tư tài chính kỳ cựu, hoặc ít ra, họ phải là người từng gắn bó với các hệ sinh thái khởi nghiệp và từng khởi nghiệp thành công. Còn nếu người điều hành quỹ khởi nghiệp chỉ là những giáo viên vừa tham gia đào tạo, vừa quản lý trung tâm khởi nghiệp thì rất khó để làm được. 

* Xin cảm ơn ông. 

Xuân Lộc (thực hiện)


 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI