Lá thư Tết gửi từ bệnh viện

Bác sĩ pháp y và hành trình đi tìm công lý

04/02/2020 - 07:04

PNO - Không nghỉ lễ, không nghỉ tết, trực 24/7… là đặc thù của bác sĩ, kỹ thuật viên pháp y.

Lá thư Tết gửi từ bệnh viện

Bài 1: Tết này mẹ chưa về kịp, con đừng buồn mẹ nghe con

Bài 2: Hãy cảm ơn ngay cả số phận đen đủi nhất

Bài 3: Mùa Xuân nào cho Nhung?

Bài 4: Viết cho con gái út

Bài 5: Thư gửi con gái trước ngày con phải đoạn chi

Bài 6: Nữ điều dưỡng viết thư nhắn thiếu nữ tự tử: 'Đừng bỏ mẹ trống trải thêm lần nữa'

Bài 7: Người đem mùa xuân trở lại

Bài 8: 30 năm không tết để giành lại mùa Xuân cho gia đình bệnh nhân

“Lễ, tết là những dịp đáng sợ với chúng tôi, nhất là ban đêm khi các cuộc nhậu tàn, đường vắng nên nhiều người chạy xe tốc độ rất cao. Tai nạn giao thông từ đó cũng tăng theo với mức độ nặng, nhẹ khác nhau” – bác sĩ Nguyễn Gió, Phó giám đốc Trung tâm Pháp y (Đồng Nai) chia sẻ. 

“Trực chiến” 24/24

Trong nhiều năm làm nghề, hầu như chưa năm nào bác sĩ Nguyễn Gió được đón giao thừa cùng người thân. Dù không phải trực 24/24 ở cơ quan nhưng những người làm pháp y luôn trong tư thế “sẵn sàng lên đường” khi nhận được điện thoại.

Vì thế, họ không thể cùng gia đình đi du lịch, đi chơi trong những ngày tết mà phải ở nhà canh… điện thoại. "Còn nhớ năm 2016, tôi chở vợ con đi xem bắn pháo hoa. Nhưng pháo hoa chưa tàn tôi đã nhận điện thoại phải đi huyện Tân Phú gấp để giám định 1 ca tai nạn giao thông. Để vợ chở con về nhà, tôi bỏ xe lại, theo xe cơ quan đi huyện ngay” – bác sĩ Gió kể lại.

VV bb
Bác sĩ Gió xem hồ sơ một vụ án mà anh và các đồng nghiệp mới thực hiện khám nghiệm

Rất nhiều vụ việc, bác sĩ pháp y phải chạy đua với thời gian. Bác sĩ Gió nhớ nhất mùng 1 Tết năm ấy, Trung tâm Pháp y đã phải huy động tất cả mọi người phối hợp cùng cơ quan công an điều tra giám định thương tích cho các nạn nhân của xới bạc. Hai băng nhóm đánh nhau khiến nhiều người bị thương tích và đưa đến cấp cứu tại 3 bệnh viện (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện Đại học Y Dược Shingmark).

“Nhiệm vụ của chúng tôi là phải có kết quả giám định trong ngày để phía công an ký lệnh tạm giữ những đối tượng gây ra vụ việc. Cả đêm ấy và ngày hôm sau, chúng tôi không hề ngủ, nghỉ và phải làm việc liên tục mới có kết quả đúng tiến độ” – bác sĩ Gió chia sẻ.

Những năm trở lại đây, các bác sĩ, kỹ thuật viên của Trung tâm Pháp y đã ít “làm án” hơn mà tập trung vào giám định các vụ tai nạn giao thông, thương tích… bởi khi làm án, ngoài khám nghiệm tử thi còn khám nghiệm hiện trường nên bộ phận kỹ thuật hình sự sẽ thực hiện.

“Nhưng khi quá nhiều án xảy ra, bộ phận kỹ thuật hình sự của bên công an không kham nổi thì sẽ nhờ chúng tôi” – bác sĩ Gió cho biết.

Khám nghiệm tử thi do tai nạn giao thông buộc phải làm nhanh do tâm lý người nhà nạn nhân muốn mang xác về sớm. Do đó, những người làm công tác pháp y cũng phải làm việc cật lực, xuyên đêm.

Vài ngày trước Tết Canh Tý, chỉ trong 1 đêm đã xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông khiến tất cả các bác sĩ, kỹ thuật viên của Trung tâm Pháp y Đồng Nai phải chia thành 2 ê-kíp hỗ trợ bộ phận kỹ thuật hình sự của ngành công an. Họ phải làm việc xuyên đêm đến 8g sáng hôm sau mới kết thúc. 

Ám ảnh trước những phận người

Lúc mới vào nghề, bác sĩ Gió thường xuyên phải tiếp xúc với mùi tanh của máu, hóa chất, nhất là xác chết lâu ngày bốc mùi hôi khiến không thể thở được. Lâu dần, những mùi này không còn đáng sợ mà với các bác sĩ pháp y, chính cảm xúc thương tâm khi phải chứng kiến những phận người bất hạnh, những cái chết uẩn khúc đòi phải đưa ra ánh sáng mới là nỗi ám ảnh họ.

XXX HHH bb
Bác sĩ Gió xem hồ sơ một vụ án mà anh và các đồng nghiệp mới thực hiện khám nghiệm

Nhiều năm qua, bác sĩ Gió không thể quên vụ án gây chấn động dư luận xảy ra tại suối Cầu Quan, xã Phước Tân, huyện Long Thành vào ngày 2/2/2009 (nhằm mùng 8 Tết). Nạn nhân là một người phụ nữ đi lấy củi trong rừng tràm và bị giết, moi ruột cột vào thân cây rồi dìm xuống đáy suối.

Bác sĩ Gió cùng ê-kíp của mình đã có mặt kịp thời tại hiện trường để tiến hành khám nghiệm tử thi. Dù xác nạn nhân bị dìm dưới suối 2 ngày, đang trong giai đoạn phân hủy nhưng bác sĩ Gió nhận định, người phụ nữ này bị cưỡng hiếp, hung thủ giết và mổ bụng chị lấy nội tạng để xác không nổi lên mặt nước.

Từ nhận định của bác sĩ Gió, chỉ sau vài giờ, Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai nhanh chóng tìm ra hung thủ Trần Anh Phúc (sinh năm 1986, ở quận Cái Răng, TP. Cần Thơ). Lần đó, bác sĩ Gió được Sở Y tế tỉnh Đồng Nai khen thưởng vì “Đã có thành tích đột xuất trong giám định pháp y”.

Bác sĩ Gió cho biết, phải nhận nhiệm vụ vào 30 Tết là những lúc… rất buồn! Buồn không chỉ vì ngày tết không trọn vẹn mà buồn cho những người xấu số, cho những phận đời không còn dịp sum vầy bên gia đình khi tết đến Xuân về.

Bác sĩ Gió kể có nhiều vụ, nạn nhân đi xe mô tô từ TPHCM về Lâm Đồng hay Bình Thuận để ăn tết cùng gia đình, nhưng họ không kịp về tới nhà vì gặp nạn. “Hình dung cảnh một gia đình háo hức chờ đón người thân về ăn tết nhưng lại nghe tin dữ của người thân thì sẽ khủng khiếp ra sao. Do đó, có nhiều vụ, chúng tôi nói với công an điều tra chỉ báo với gia đình là nạn nhân bị thương, đang nằm trong bệnh viện để họ đỡ sốc” – bác sĩ Gió tâm sự. 

14 năm trong nghề pháp y, bác sĩ Gió cho hay, nhiều ca tử vong không có biểu hiện điển hình, rất khó xác định nguyên nhân. Như mới đây, một người đàn ông bị bắt tạm giam do cố ý gây thương tích. Anh ta được nhốt chung cùng 4 người khác và bị đánh hội đồng.

2 ngày sau, anh kêu mệt và được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu cấp cứu nhưng đã tử vong trên đường vào bệnh viện. Khi khám nghiệm tử thi, trên người nạn nhân có nhiều vết đánh, hiện tại vụ việc vẫn chưa hoàn tất do còn chờ kết quả xét nghiệm.

Bác sĩ Gió trầm ngâm: “Đó chỉ là 1 trong nhiều vụ khiến chúng tôi phải “cân não”. Các vụ ẩu đả phải được xác định chính xác tỷ lệ thương tật để cơ quan điều tra truy tố đúng người, đúng tội. Khi nạn nhân vào bệnh viện sẽ được cắt lọc, mổ để xử lý sẽ làm biến dạng vết thương. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải tìm lại được hiện trạng thương tích ban đầu và đây là điều khá khó khăn”. 

Trong thời gian chưa tìm ra nguyên nhân, chờ kết quả xét nghiệm, bác sĩ Gió phải suy nghĩ, đọc thêm tài liệu hỗ trợ. Nhưng ngặt nỗi, tài liệu chuyên ngành pháp y ở Việt Nam lại quá ít ỏi. Có lẽ vì vậy, nghề pháp y rất ít người theo. 

Hiện nay, Trung tâm Pháp y Đồng Nai chỉ có 5 bác sĩ và chưa khi nào nhận được bác sĩ mới ra trường nộp đơn vào làm tại đây. “Tôi là người duy nhất của cả nước sau khi tốt nghiệp đại học chính quy thì nộp đơn làm việc về pháp y. Giờ chỉ cần bác sĩ nào nộp đơn vào làm tại trung tâm sẽ được hỗ trợ ngay 150 triệu đồng, nhưng chúng tôi chờ mãi vẫn chưa thấy ai” – bác sĩ Gió cho hay.

Mong tết được... "thất nghiệp"!

"Khi khám nghiệm các vụ tai nạn giao thông, đa phần nạn nhân đều có sử dụng chất cồn từ rượu, bia. Tôi mong rằng, người dân sẽ thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Chỉ khi tuân thủ nghiêm ngặt, các vụ tai nạn thương tâm do rượu bia sẽ giảm dần và mọi người đều có một năm mới an lành, đầm ấm, hạnh phúc bên gia đình. Khi ấy chúng tôi mới được "thất nghiệp" để đón tết bên gia đình" - bác sĩ Nguyễn Gió

Gia Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI