Ba tôi là bộ đội

30/04/2025 - 11:52

PNO - Đi giữa thành phố rực cờ hoa và màu áo xanh thân thuộc, tôi thầm tự hào và mong có ai đó hỏi về ba, tôi sẽ rất thích và trả lời: Ba tôi là bộ đội!

HÌnh ảnh Các cựu chiến binh Mai Trọng Huy, Đinh Gia Lực, Lê Thị Lợi và Trần Thị Phương Liên chia sẻ rằng buổi lễ diễu binh, diễu hành
Các cựu chiến binh tới xem buổi tổng duyệt diễu binh, diễu hành tại TPHCM ngày 27/4/2025 (ảnh: Mi Dương Lài Lâm Thái)

Tôi rất thích trả lời khi ai đó hỏi về ba: ba tôi là bộ đội. Một cụ bộ đội về hưu, thật hiền lành, yêu thương con cháu hết mực. Sáng sáng, trưa trưa, chiều chiều, quanh quẩn với mảnh vườn nho nhỏ, cắt cắt, tỉa tỉa, nay bê chậu cây từ chỗ này sang chỗ kia, mai lại bê từ chỗ kia qua lại chỗ này. Một cụ bộ đội về hưu, hằng ngày đạp xe khắp làng, về ngồi nghe chim hót và nói đủ thứ chuyện với vợ - là mẹ tôi.

Có thể hồi nào đó, ba tôi đã từng là một chiến sĩ đặc công vào sinh ra tử với những câu chuyện kể tựa những thước phim trên màn ảnh. Có thể hồi nào đó, ba tôi là người chỉ huy uy vũ với nhiều trọng trách cả thời chiến lẫn thời bình… Nhưng với tôi, ba vẫn là một người ba ấm áp quan tâm từng chút một đến mỗi đứa con, từng đứa cháu. Là hỏi han việc học việc làm, là sinh nhật, là ngày lễ, là nhắc bà gửi cái này cho đứa này, cái kia cho đứa kia….

Tôi nhớ có lần đọc đâu đó tài liệu nói về hiệu ứng của sự quen thuộc. Khi quen thuộc một ai, một cái gì đó, tự khắc người ta không còn thấy được cái lộng lẫy hào quang so với việc mình nhìn khi xa lạ. Nhiều lần tôi tự hỏi có phải thật vậy không, hay sự giản dị, thân thương về con người ông - một quân nhân, bao nhiêu năm đi đâu làm gì, ra sao cũng không bao giờ thay đổi?

Mới đây trong bữa cơm, ba mẹ kể chuyện 2 người đi máy bay về nhà. Tôi lặng người khi nghe ba kể: “Chú tiếp viên nói, ghế bà khác hạng ghế ông. Nếu bà lên là đổi vé, mất tiền. Ông ngồi trên đây, cháu xếp bà ngồi hàng ghế dưới ông thôi". Ba nói: "Ông với bà xa nhau gần 50 năm. Có mấy khi đi cùng nhau mà ông bà phải người ngồi một nơi hả cháu?"

Gần 50 năm là hết gần một đời người. Ông là một người lính - lính chiến thời binh lửa - mấy lần được về nhà? Về nhà khi bom rơi lửa đạn, vội vàng ôm vợ bế con, quay bước chân đi liệu có hẹn ngày về? Ông là một người chỉ huy thời bình, trăm công nghìn việc, bước chân về nhà liệu có mấy ngày trọn vẹn bên bà?

Một cựu binh đi xem đại lễ Kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất đất tại đường phố TPHCM
Một cựu binh đi xem Lễ kỷ niệm cấp quốc gia mừng 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước tại TPHCM (Ảnh: Nguyễn Quang)

“Mấy khi đi cùng nhau” “xa nhau gần 50 năm” những lời nói của ba cứ quanh quẩn mãi trong tâm trí tôi, nghe thương lạ lùng. Những người lính - mọi thời, mọi lúc, mọi nơi - đều ở trong tim của con người quê hương đất nước. Bởi lẽ sự hy sinh của họ, của gia đình họ là quá lớn! Sự hy sinh đó, nếu thật sự chưa chạm tới, chưa có dịp đặt mình vào hoàn cảnh của họ, chắc hẳn chúng ta không thể nào lường hết nặng nhẹ ra sao?

Bạn có bao giờ hình dung đứa con bạn là một người lính chưa? Đứa con trai bạn rứt ruột sinh ra nuôi nấng dù bao nhiêu lớn trong mắt bạn vẫn là một đứa trẻ, khoác ba lô biền biệt xa nhà? Bạn có bao giờ hình dung yêu và lấy một người lính chưa? Đâu đơn giản là vẻ oai phong nam nhi phong sương bạn đang thấy? Là gia đình, cha mẹ con cái, là nhớ thương bạn phải gánh trên vai một mình!

Suốt bữa cơm, tôi cứ nghĩ về câu nói đó của ba. Nghĩ về tình yêu thương trọn đời ba dành cho mẹ. Người ta có thể yêu thương nhau, trân trọng, khắng khít thủy chung với nhau, 2 người như 1 vậy sao? Có khi nào đó cũng chính là khí chất của một người lính thực thụ không?

Những ngày tháng Tư, đi giữa thành phố rực cờ hoa và màu áo xanh thân thuộc. Tôi thầm tự hào và mong có ai đó hỏi về ba, tôi sẽ rất thích và trả lời: Ba tôi là bộ đội!

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI