Bà mụ không thương Lâm!

19/08/2018 - 06:00

PNO - Mới năm ngoái, mỗi lần thèm đạp xe, Thông Thái Lâm phải rủ thêm một người bạn đi cùng. Chiếc xe luôn quá khổ so với thân hình Lâm nhỏ thó. Bạn ngồi trên yên trước, có nhiệm vụ lái xe.

Khát vọng sống

Bài 1: Gạt 'nỗi đau a-xít' đi tìm thanh xuân

Bài 2: Người phụ nữ 5 lần thần chết chối từ

Bài 3: Thủ lĩnh câu lạc bộ cuộc chiến ung thư: Tôi chưa chết được đâu!

Bài 4: Chuyện tình trên chiếc xe lăn

Bài 5: Có mẹ, đường con đi tràn đầy ánh sáng

Bài 6: Hoàng Hiếu - còn đọng lại nụ cười

Lâm ngồi phía sau vòng tay ôm eo bạn, nghiêng mông bên này rồi nghiêng bên kia cho chân chạm bàn đạp. Nhiều khi, Lâm ao ước tự đạp xe một mình. 

Giờ, mong ước ấy đã thành; Lâm nảy thêm... lòng tham, nói, thiệt ra đi học mới là giấc mơ.

Ba mu khong thuong Lam!
Đôi bàn tay lành lặn đã giúp Lâm có cơ hội đi học

Tưởng Lâm không chào đời

Nắng gió xứ Lương Sơn, Bình Thuận nhuộm da Lâm đen nhẻm. Tôi đến chơi nhà cách đây vài hôm, thấy Lâm lọt thỏm trong lòng mẹ, bảo, sao thèm ăn ốc quá! Mười phút sau có người mang rổ ốc, con nào con nấy nhỏ xíu, đưa cho Lâm. Chạy ra vườn bẻ cây gai, cậu dựa lưng bậu cửa, ngồi “lở” (lể) ốc ăn ngon lành.

Mấy năm trước cho đến hồi năm ngoái, Lâm cũng hay thèm ốc bất tử, nhưng đâu có tự tay “lở” được, phải nhờ mẹ hoặc bà ngoại làm thay. “Thật khổ cho người giúp dễ sợ, bởi đó là thứ… công việc mất thời gian của người khác vô cùng! Thà ngồi “tám” với nhau quên giờ, đây phải “lở” ốc cho người khác ăn, “nản” lắm!”. 

Tôi nhìn bà Lệ - ngoại Lâm nói, thực sự tìm mãi không thấy biểu hiện nào của sự “nản lắm!”. Phần tôi biết bà vui, phần có lẽ trong cuộc đời, người khiến mình kiên trì vì họ nhất, với bà Lệ, đâu ai khác ngoài Lâm.

Lâm chào đời thực sự là kỳ tích. Mẹ Lâm, chị Thông Thị Mỹ Quỳnh về làm dâu nhà người năm mười bảy tuổi. Nửa ăn uống đạm bạc, nửa chị Quỳnh bảo, chồng đánh đập liên miên, mang thai Lâm sáu tháng bụng không nhô lên chút nào; nhìn kỹ, thấy đâu như cái chén úp ngược. Trận đòn dữ tợn mà chị Quỳnh nhớ nhất là hôm chồng đi làm về, không dưng nhào vô chỗ vợ, hùng hổ: “Mày làm gì để mẹ tao nấu cơm?”.

Ba mu khong thuong Lam!
Lâm đã có thể giúp được nhiều việc cho mẹ và bà ngoại

Cần gì giải thích khi ánh mắt đã khước từ hình ảnh vợ đang trong cơn mệt mỏi, nghén ói tới mật xanh, anh ta túm áo vợ lôi tuột từ trên giường xuống đất, đấm đá liên hồi. “Cái chén úp ngược” chạm đất đầu tiên trong cái lôi xềnh xệch của chồng khiến chị Quỳnh đau thắt, rồi có máu chảy nên tưởng Lâm không còn.

Nỗi sợ này hiện hữu từng phút từng giây, bởi, sau cuộc chạy trốn khỏi nhà chồng - cũng là cuộc đoạn tuyệt người đàn ông bạo lực - quay trở về nhà mình, chị Quỳnh thường nín thở nghe coi có sự cựa mình nào của con, mà thinh lặng đáp trả. Mẹ chị, bà Lệ chạy khắp làng hỏi thăm từng bài thuốc, vào tận rừng nhổ rễ cây thuốc dưỡng thai cho con…

Lâm chào đời, khóc dữ tợn như thể ai bắt mình… chào đời. Tỉnh dậy sau cuộc vượt cạn nhọc nhằn, mơ màng nghe tiếng khóc của con, rồi tiếng khóc của người thân, chị Quỳnh nửa hạnh phúc, nửa… không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng cảm giác hạnh phúc thì qua nhanh, thay bằng cơn choáng váng lúc chị nhìn con ngo ngoe. Lâm có đôi bàn tay mười hai ngón, đôi bàn chân mười bốn ngón, tất cả đều dính chặt vào nhau.

Giọng một phụ nữ chợt vang lên trong phòng: “Nuôi được thì nuôi, không thì mang bỏ đi”. Thảng thốt nhìn về hướng giọng nói, chị Quỳnh quay sang mẹ, ánh mắt thống thiết. Bà Lệ gạt nước mắt, dõng dạc: “Mắc gì bỏ, dẫu gì cũng là cháu tui, tui giữ nó từ hồi còn trong bụng, mắc gì bỏ”.

Ba mu khong thuong Lam!
 

Từ TP.Phan Thiết, một cặp vợ chồng hiếm muộn hay tin tìm đến nhà bà Lệ. Họ đề nghị 25 triệu đồng đổi đứa bé, vẽ ra một tương lai xán lạn: sẽ giúp Lâm lành lặn, sống cuộc sống giàu sang; còn chị Quỳnh thì dùng tiền “tút” nhan sắc, họ gửi vào Sài Gòn tìm việc cho, rồi biết đâu, chị may mắn gặp được người hết mực thương yêu mình. Nghe họ nói mà bà Lệ thấy giận, nên… cười cười: “Ai truyền tin tui muốn bán cháu? Nghèo thì nghèo chứ bán cháu sao đành”. 

Họ đi rồi, nhìn bức tranh tương lai của chị Quỳnh, của Lâm, không ít người tặc lưỡi. Bà Lệ tuyên bố, đây nào phải cuộc lựa chọn để đưa ra chọn lựa, đây là chuyện phải làm của cốt nhục tình thâm. Nó là lẽ đời, thuận tự nhiên, vậy thôi! Mà sự đời phũ phàng, dẫn dắt cặp vợ chồng kia đến với hoàn cảnh của gia đình bà Lệ, lại bắt nguồn từ nỗi sợ của câu chuyện chối bỏ “nó đâu phải con tao, nó là ma quỷ tái sinh” từ chồng của chị Quỳnh. 

Những khát khao thường tình

Mười sáu tháng tuổi, Lâm không thể đứng dậy. Muốn di chuyển, cậu ngồi bệt, lết từng chút. Nỗi sốt ruột của người thân thay bằng sự chấp nhận. Thế rồi chẳng lâu sau, họ vỡ òa khi phép mầu xuất hiện: một ngày ở tháng tuổi mười bảy, người hàng xóm từ xa đứng gọi tên, chìa đưa Lâm cái bánh. Cậu bé hớn hở, bất ngờ bật đứng dậy bước đến nhận món quà. Ai nấy há hốc. Vậy là Lâm biết đi rồi!

Ba mu khong thuong Lam!
 

Lâm hồn nhiên lớn lên, được xóm làng thương yêu nên chỉ một lần duy nhất ngơ ngác những khác biệt của mình: “Sao tay chân ai cũng năm ngón vậy ngoại?”. Bà Lệ bông đùa: “Do bà mụ quên nắn ngón cho con”. Lâm vui vẻ, bằng lòng lời giải thích. Đến bây giờ, ai có hỏi, cậu vẫn bình tĩnh chìa tay chân ra coi, giọng… hờn hờn, mẹ sinh ra Lâm, nhưng mẹ không biết bà mụ không thương Lâm; không thương nên lúc nắn hình con, bà mụ buồn ngủ, quăng cả cục bột vào tay chân con, không nhớ nắn thành ngón! 

Dường như, sự trong trẻo, hồn nhiên, niềm vui sống đã trở thành một “năng lực” tạo hóa trao cho Lâm, để trong hoàn cảnh nào, cậu luôn sẵn sàng thấy cuộc sống dễ chịu. Lần đó, Lâm nghĩ mình quá lớn để mỗi bữa ăn là một lần mẹ hay ngoại phải ngồi cạnh đút cơm. Cậu nhờ mẹ đặt chén cơm trong lòng một bàn tay, khoằm quặp bàn tay kia giữ thật chặt chiếc muỗng, cố xúc từng hạt cơm.

Chén vỡ, muỗng rơi, cơm đổ, Lâm òa khóc. Cả nhà khóc theo. Lâm đột nhiên nín lặng, bặm môi dùng đôi chân cố giữ chặt chén cơm, đôi tay kẹp chiếc muỗng rồi hì hụi cúi đầu đưa từng hạt cơm lên miệng. Năm tuổi, Lâm biết tự ăn cơm. Bữa cơm tự lực luôn kéo dài hai tiếng, Lâm kệ, nói: “Ai rảnh đút Lâm hoài. Phải cố gắng để mai này Lâm còn tự nuôi thân”. 

Ba mu khong thuong Lam!
 

Sự vận hành của sinh hoạt con người ứng với từng giai đoạn trưởng thành, lẽ thường, gần như là tiến trình hiển nhiên của bao người lại trở thành nỗi khát khao chất nặng theo từng ngày Lâm lớn. Một bữa Lâm đi chơi về, bất ngờ xin mẹ mua cho cuốn tập, hỏi, tay chân con vậy đi học người ta có cho không? Chị Quỳnh nghẹn đắng.

Trong thâm tâm chị, biết rằng con không dễ dàng thích ứng trước cuộc sống với những bước ngoặt vận trình theo độ tuổi; nên chị mong sao thế giới của Lâm đừng rộng mở, đừng biết nhiều; để chỉ cần quẩn quanh trong nhà, chấp nhận khiếm khuyết rồi sau này tìm một công việc sống cho qua ngày. Chỉ vậy! Không bao giờ người mẹ ấy để lòng mình dám nhen lên ý nghĩ Lâm sẽ được đi học. Ngược lại, “thế giới” ấy, chị đau đáu, nhỡ con chạm đến, sẽ chỉ tủi thân hơn.

Nhưng, Lâm không phải một đứa trẻ dễ dàng thấy mặc cảm, tủi thân; càng không ai cản nổi khát khao này của cậu. Mỗi sáng, Lâm bảo đến giờ phải đi học. Ôm cuốn tập của mình, Lâm ra đường… nhập bọn với các bạn cùng trang lứa. Tới trường, Lâm dừng chân trước cổng, dõi theo các bạn mình vào học. Có khi, Lâm xem đến tan trường, có khi, “trốn” chỗ ngồi của mình, cậu chạy về nhà đặt cuốn vở xuống đất, đôi bàn chân giữ vở trong khi đôi bàn tay kẹp viết, cúi đầu… nguệch ngoạc.

Đâu phải bà Lệ, chị Quỳnh chưa từng nghĩ đến một ngày đưa Lâm đi chữa trị những dị tật bẩm sinh. Nhưng giấc mơ ấy, với họ, luôn khó thành hiện thực khi mà áo cơm vẫn còn là gánh nặng hằng ngày. Năm Lâm hai tuổi, Hội Chữ thập đỏ thị xã Lương Sơn hứa tài trợ ca mổ trả lại Lâm đôi bàn tay bình thường. Chưa kịp mừng, họ đã khóc. Thời điểm ấy, hai triệu đồng chi phí đi lại là con số quá lớn, họ đành viện cớ Lâm còn nhỏ để từ chối cơ duyên. 

Ba mu khong thuong Lam!
 

Mãi đến cuối năm ngoái, những thông tin về Lâm được một thầy giáo đăng tải lên Facebook, lập tức truyền đến bác sĩ Nguyễn Xuân Anh - vị bác sĩ luôn nặng lòng với trẻ em dị tật. Bà Lệ lập tức đưa cháu vào TP.HCM thực hiện ca mổ theo cam kết miễn phí, thành công của bác sĩ. Cắt bỏ những ngón tay thừa, tách những ngón tay còn lại, đôi bàn tay Lâm giờ đây đã bình thường, lành lặn.

“Lở” xong rổ ốc, Lâm cầm cây viết vẽ vài đường ngọt lịm trên cuốn tập tôi đưa, khoe: “Hè hết rồi, Lâm đi học lớp Một đó nha”. Cậu bé vừa tròn tám tuổi rưỡi.

 Tuyết Dân

ĐỒNG HÀNH CÙNG CHƯƠNG TRÌNH

Ba mu khong thuong Lam!
 
Ba mu khong thuong Lam!
 
Ba mu khong thuong Lam!
 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI