An toàn thực phẩm: Từ nghị trường đến đường phố - xa vời

05/08/2016 - 15:11

PNO - Nhiều ý kiến không kém phần gay gắt, lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), đã làm nóng phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 2, HĐND TP.HCM khóa IX.

Những con số mà đại biểu và cơ quan chức năng đưa ra, một lần nữa khiến cử tri giật mình: từ đầu năm đến nay, có năm vụ ngộ độc thức ăn tập thể với 516 người ngộ độc; Sở Y tế đã lập 712 đoàn kiểm tra trên 78.000 phương tiện vận chuyển thực phẩm, phát hiện hơn 8.000 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 11,2%; trên địa bàn TP.HCM có hơn 20.800 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố nhưng chỉ hơn 50% đạt tiêu chuẩn an toàn…

Người dân không quan tâm nhiều đến những báo cáo lẫn phương thức xử lý của cơ quan công quyền, khi cái câu “đã phối hợp, tuyên truyền, xử lý, nhưng cũng chưa đạt như mong muốn” cứ lặp đi lặp lại. Điều dân muốn nghe, muốn biết là đến bao giờ người nội trợ, người đi đường không những hết lo sợ, mà còn hiểu tường tận thực phẩm này là an toàn, đồ ăn kia là nguy hiểm.

An toan thuc pham: Tu nghi truong den duong pho - xa voi
Một số phụ gia trong hộp nhựa, túi ni lông hòa tan vào thực phẩm ở nhiệt độ 70-80 độ C sẽ sản sinh ra chất độc hại, tích tụ lâu dài là mầm bệnh nan y

Câu chuyện quản lý, dù nói kiểu gì đi nữa, cũng sẽ không thuyết phục, không thực tế, nếu thiếu một chương trình hành động rõ ràng, cụ thể, có địa chỉ và cách thức làm việc gắn liền với thực tế. Câu chuyện những sinh viên đại học ở Q.Thủ Đức là một ví dụ. Ăn cơm có giòi với họ là không mới, nhưng không bao giờ cũ, nếu chính quyền vẫn tiếp tục thờ ơ với sức khỏe người dân. Những bữa cơm nghèo của công nhân các khu công nghiệp, giờ tan tầm là rau héo, cá ôi, nhưng tiền đâu, thời gian đâu để họ có thức ăn ngon và sạch? Dư luận có la lên mới vào kiểm tra, nhưng kiểm tra rồi thì sao? Đánh trống bỏ dùi, “đuổi gà qua đám giỗ”, có trăm ngàn lý do để những người có trách nhiệm viện cớ viện lẽ né, dù bộ ngành đầy ra đó, nhưng rồi chẳng ai chịu trách nhiệm, khi đánh vào VSATTP như đấm vào gió.

Và vẫn chưa đủ nếu chỉ nói thực phẩm này nọ là tốt là xấu, ra quân “cờ giăng trống đánh”, xử phạt rồi thôi. Cái câu “hãy là người tiêu dùng thông minh” dành cho ai? Hiểu biết không phải từ trên trời rơi xuống. Bao nhiêu năm qua, truyền thông về VSATTP đã lộ một khoảng trống ghê gớm. Chẳng ai chú ý đến đồ xốp, bao ni lông gói thức ăn, đựng nước uống, độc hại ra sao, dù rằng đã từng nghe nói. Biết là độc hại, nhưng cụ thể là thế nào, sử dụng nó thì bao nhiêu mầm bệnh sẽ phát?

Tại thành phố này, có bao nhiêu cơ sở sản xuất đồ xốp, bao ni lông, đồ nhựa từ sản phẩm tái chế, quy trình sản xuất có đảm bảo không, lâu nay có ai kiểm tra không? Ngành y tế có đưa ra được con số người bị nhiễm bệnh từ thói quen sử dụng những hàng gia dụng ấy, để gióng lên hồi chuông cảnh báo với cộng đồng? Không ai tuyên truyền cụ thể, thiết thực, sâu rộng, quản lý thì theo kiểu “bên trọng, bên khinh”. Chừng nào kiến thức cơ bản, dễ hiểu, dễ biết về ATTP chưa ngấm vào máu của người dân, thì con đường “từ bữa ăn đến nghĩa địa” vẫn còn là con đường ngắn nhất.

Quản lý nhà nước, dù vĩ mô bao nhiêu đi nữa, cũng phải biến thành cái cụ thể, tạo cơ hội cho người dân hiểu và tự bảo vệ mình trước đã. Theo GS-TS Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, thì Việt Nam đang tăng ung thư nhanh nhất thế giới mà nguyên nhân chính từ việc “ăn gì cũng chết”. 15 năm qua, số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đã tăng gấp đôi (từ 69.000 ca lên 150.000 ca) và dự kiến trong 5 năm tới, mỗi năm sẽ có thêm 200.000 ca mắc mới bệnh ung thư. Điều lo ngại này đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ khi thuyết minh về chương trình giám sát chuyên đề ATTP sẽ thực hiện vào năm 2017. Tốc độ tăng ung thư ở Việt Nam thuộc diện cao nhất thế giới.

Câu chuyện về sử dụng thức ăn đường phố là phản ánh sinh động nhất việc quản lý của nhà nước và thói quen sử dụng của người dân.

Mai An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI