Ai được lợi khi áp giá sàn vé máy bay?

05/04/2017 - 14:30

PNO - Nếu không kiểm soát được, sẽ dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp triệt tiêu nhau, để cuối cùng chỉ còn lại một hai ông lớn “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Lúc đó, họ sẽ quay ra kiểm soát trở lại người tiêu dùng.

Hiện nay, Cục Hàng không đang lấy ý kiến về dự thảo quy định tăng khung giá trần vé máy bay hạng phổ thông thêm 7-16% tùy nhóm đường bay, trong đó đáng chú ý là đề xuất áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa, đã gây nhiều ý kiến trái chiều. 

Ai duoc loi khi ap gia san ve may bay?
 

“Anh cả” của ngành hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines (VNA) đề xuất Bộ GTVT áp giá sàn (giá thấp nhất ) 1.540.000đ/vé và giá trần (giá cao nhất) là 4,2 triệu đồng. Theo VNA việc áp giá sàn là sự cân đối giữa doanh thu và lợi nhuận.

Lâu nay hãng vẫn áp dụng 13 dải giá vé máy bay khác nhau cho mỗi đường bay nội địa, bao gồm hai dải cho hạng thương gia và 11 dải cho hạng phổ thông với những điều kiện áp dụng khác nhau. Dựa trên nhu cầu thị trường: mùa cao điểm, chuyến bay cao điểm mở bán nhiều những mức giá cao.

Mùa thấp điểm, chuyến bay nhu cầu thấp được mở bán nhiều giá thấp, khách đặt vé ngày xa được mua với giá thấp hơn mua vé cận ngày. Cụ thể chặng bay Hà Nội-TP HCM hạng phổ thông giá cao nhất (hạng M) được áp dụng là 3,15 triệu đồng (khoảng 98% so với giá trần), thấp nhất hạng E là 1,15 triệu đồng, hạng P là 800.000đ (khoảng 25% so với giá trần).

VNA lý giải, việc áp dụng nhiều dải giá vé nhằm tối ưu hóa doanh thu, giúp doanh thu trung bình trên khách nội địa vẫn cao hơn chi phí bình quân. Tuy nhiên, mức doanh thu trung bình có xu hướng giảm qua các năm, nên cần thiết áp dụng mức giá sàn và điều chỉnh tăng giá trần nhằm tăng hiệu quả đường bay. Đồng tình với ý kiến trên, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific cũng đề xuất  áp giá sàn với mức từ 600.000-1,2 triệu đồng tùy chặng bay. 

Trong khi đó, hãng hàng không Vietjet lại đề xuất bỏ giá sàn vì áp giá sàn sẽ hạn chế một lượng lớn khách tiếp cận với dịch vụ hàng không. Việc này cũng không phù hợp với quy định cạnh tranh, thông lệ quốc tế cũng như xu thế phát triển hiện nay.

Ai duoc loi khi ap gia san ve may bay?
 

Mấu chốt quan trọng là xây dựng giá sàn như thế nào khi bản thân các hãng hàng không cũng chưa có sự thống nhất. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong kinh tế thị trường phải có cạnh tranh và trong cạnh tranh thì không  nên, thậm chí không được quy định giá sàn.

Để cạnh tranh, doanh nghiệp phải biết thu hút khách hàng bằng nhiều phương thức: giảm giá, nâng chất lượng dịch vụ, điều tiết những chi phí không hợp lý, quản trị hiệu quả... Khi đó, sẽ tạo ra được nhiều phân khúc để khách hàng chọn dịch vụ phù hợp với túi tiền của mình. 

Thời gian qua, thị trường hàng không được xem là tăng trưởng khá mạnh, nhất là từ khi có sự ra đời của các hãng mới; đặc biệt là việc phát triển máy bay giá rẻ đã đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của người dân. Hiện khách đi máy bay khoảng 19 triệu lượt người/năm, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách đi lại thường xuyên (từ 2-3 lượt trở lên), còn lại là khách lần đầu đi máy bay.

Chính vì thế, các hãng đang đua nhau giành thị phần bằng cạnh tranh giá. Theo một chuyên gia hàng không, cạnh tranh giá là sự cạnh tranh nhằm tăng doanh thu, nhưng ở khía cạnh khác, nếu không kiểm soát được, sẽ dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp triệt tiêu nhau, để cuối cùng chỉ còn lại một hai ông lớn “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Lúc đó, họ sẽ quay ra kiểm soát trở lại người tiêu dùng.

Khi đó, ai sẽ là người có lợi? Việc áp giá sàn giống như một kiểu chế tài nhằm quản lý và ổn định thị trường. Tuy nhiên, liệu việc này có đi ngược với Luật Cạnh tranh năm 2014, vì luật chỉ rõ: thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm hạn chế cạnh tranh của doanh nghiệp là hành vi bị nghiêm cấm.

Cũng theo văn bản gửi Bộ GTVT, VNA cho biết, nếu tăng giá vé và áp dụng giá sàn, doanh thu hãng sẽ tăng thêm khoảng 2.500 tỷ đồng sau một năm thực hiện. Nghĩa là, VNA chỉ chú trọng doanh thu chứ không cần phát triển số lượng khách. Doanh thu tăng thì ai thụ hưởng, trong khi rất nhiều hành khách sẽ mất cơ hội sử dụng dịch vụ hàng không.

Có ý kiến lo ngại, nếu thả trôi giá vé máy bay, có thể khiến giá vé xuống thấp hơn cả giá vé đường sắt, đường bộ, dẫn đến sự mất cân đối giữa các ngành vận tải khác. Thực tế, hàng không là lĩnh vực riêng, không thể đánh đồng với các ngành vận tải khác. Đây là ngành kinh tế kỹ thuật cao đồng bộ, năng lực khai thác theo quy định của tổ chức hàng không, không thể phát triển tùy tiện được.

Ngược lại, dịch vụ hàng không với chất lượng cao, giá rẻ sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh cho các ngành vận tải khác… Chuyên gia kinh tế Phạm Duy Nghĩa cho rằng, chúng ta có Luật Canh tranh, sao không căn cứ vào đó thực hiện, để mọi thứ vừa minh bạch, vừa theo đúng xu thế phát triển của định hướng kinh tế thị trường?

Song Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI