Ác như… xả rác

29/10/2018 - 06:53

PNO - Trung bình mỗi ngày, có từ 4-6 tấn rác được vớt trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Phía sau những dòng kênh ngập rác như thế này là những khoản tiền khổng lồ được chi từ ngân sách, tức khoản đóng góp từ chính tiền thuế của người...

Rác gây khó cho dự án kênh Ba Bò

Ít ai biết, dự án cải tạo kênh Ba Bò - một công trình xử lý ô nhiễm nổi tiếng ở khu vực giáp ranh giữa TP.HCM và tỉnh Bình Dương sau khi hoàn thành, vẫn thường xuyên dừng hoạt động. Đơn vị quản lý công trình này (Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM) xác định nguyên nhân dừng hoạt động là do rác.

“Rác từ Bình Dương chảy về quá nhiều, tích tụ với mật độ dày đặc tại bể hút của trạm bơm, làm nghẹt lưới chắn rác và máy bơm nên không thể bơm nước lên hồ để xử lý…” - Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM giải thích trong một văn bản gửi các đơn vị liên quan ngày 22/10 vừa qua.

Ac nhu… xa rac
Rạch Bà Miêng đoạn hạ nguồn thường xuyên ngập trong rác từ các nơi dồn về

Theo Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM, do khi thiết kế, không có hệ thống vớt rác đầu vào, nên trước lượng rác từ Bình Dương dồn về quá lớn, công ty phải thực hiện nhiều giải pháp tạm thời để vận hành, nhưng cũng không khắc phục được. “Việc này đã kéo dài, công ty phải chịu nhiều chi phí quản lý và vận hành trong khi đây không phải là lỗi do thiết kế hay thi công gây ra” - công văn của Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM nêu.

Trước tình trạng trên, Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM đề nghị chủ đầu tư dự án (Trung tâm Chống ngập TP.HCM) phải sớm có giải pháp khắc phục vì công ty không có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động với các tình huống phát sinh. Nếu kiến nghị này không được giải quyết, công ty sẽ tạm dừng quản lý công trình cải tạo kênh Ba Bò kể từ ngày 31/11/2018.

Những kênh rạch “rác nhiều hơn nước”

Cũng giống như tình cảnh ở kênh Ba Bò, rác từ thượng nguồn đổ dồn về hạ lưu khiến cho vô số đoạn kênh, rạch ở TP.HCM thường xuyên ngập trong rác. Điển hình như tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ, kênh Hy Vọng, kênh 19 Tháng 5, kênh Nước Đen, rạch Bà Miêng…

Ac nhu… xa racRạch Bà Miêng ngập trong rác

Rạch Bà Miêng đoạn hạ nguồn (giáp ranh giữa Q.Gò Vấp và Q.12) dù nằm cạnh khu biệt thự sang trọng, nhưng lúc nào cũng ngập trong rác bẩn. Rác nhiều đến nỗi, có thời điểm, chất chồng thành một lớp chất thải dày trên mặt kênh, chó mèo, gà vịt có thể vô tư đi trên rác kiếm thức ăn. Người dân địa phương chua chát ví đây là con rạch “rác nhiều hơn nước”.

Sát đoạn rạch ngập rác này có một quán cà phê sân vườn khá đẹp nhưng vắng khách, chủ quán đã dựng hàng rào chắn ngang đoạn rạch dơ bẩn nhưng mùi hôi vẫn theo gió xộc lên. “Quán đẹp nhưng đoạn rạch dơ và hôi quá nên mình ngại vào” - anh Q. nêu lý do không ghé quán gần nhà. Theo anh, đây là khu dân cư tương đối văn minh, không có nạn xả rác bừa bãi nhưng phải gánh chịu cảnh ô nhiễm do rác từ các nơi khác dồn về.

Người dân địa phương thường xuyên tổ chức vớt rác, nhưng tình trạng ô nhiễm ở đoạn cuối rạch Bà Miêng vẫn cứ tái diễn. Mới đây, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM đề xuất thực hiện dự án nạo vét, cải tạo con rạch ô nhiễm bậc nhất thành phố này, nhưng không ai dám chắc rằng, liệu con rạch có hết đọng rác sau khi nạo vét hay không. “Nếu không ngăn chặn được nạn xả rác thì dù có nạo vét, khơi thông thì con rạch này cũng tiếp tục ô nhiễm” - một người dân ở khu biệt thự cạnh con rạch ngập rác, nhận định.

Ac nhu… xa rac
Rác xả khắp đường phố, chỗ nào cũng ngập rác dù theo quy định hành vi vứt rác thế này bị phạt từ 5-7 triệu đồng

Xả rác tràn lan, ít ai bị phạt

Theo ghi nhận của chúng tôi, nạn xả rác ở TP.HCM diễn ra phổ biến đến mức hầu như có thể bắt gặp khắp nơi, từ những điểm tập kết rác trái phép trên đường vắng đến trường học, bệnh viện, trạm chờ xe buýt; từ những người đi bộ, chạy xe máy cà tàng đến cả những vị khách ngồi xế hộp hạng sang.

Ở cửa ngõ phía Tây, phía Đông TP.HCM, ngoài lượng rác do người dân vứt bừa bãi, còn có thêm lượng rác từ trên xe khách quăng xuống. Không khó để bắt gặp cảnh người ngồi trên xe khách vô tư quăng những bịch ni-lông, vỏ chai nước, hộp xốp đựng thức ăn xuống đường. “Có hôm đang ngồi đợi khách, tự dưng bị hứng một ly nước mía thừa trên xe khách quăng xuống” - một người chạy xe ôm ở gần Bến xe Miền Đông, kể. Kể xong, ông này cũng vứt chai nước ngọt xuống đường khi vừa uống hết!

Ông Trần Minh Tú - Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM - cho biết, hầu như không xử phạt được người vứt rác bừa bãi: “Người dân xả rác đủ kiểu, chỗ nào cũng thấy nhưng phường không có đủ lực lượng để phục kích, bắt quả tang và xử lý. Còn nếu dựa vào hình ảnh ghi nhận qua camera  an ninh thì rất khó xử phạt vì không đủ căn cứ. Đó là chưa kể, do phường nằm ở cửa ngõ thành phố nên nhiều người xả rác khi di chuyển ngang qua chứ không phải người địa phương”. Thực tế, nhiều địa phương chỉ tuyên truyền không xả rác hoặc kêu gọi người dân tổ chức dọn dẹp vệ sinh công cộng và không thể xử phạt hành vi xả rác bừa bãi. 

Ac nhu… xa rac
Mỗi năm, TP.HCM tiêu tốn những khoản tiền khổng lồ để vớt rác trên kênh

Trong khi đó, nhiều người xả rác lại cho rằng, hành động của mình chỉ là thói quen, vì lỡ tay và không gây thiệt hại gì lớn. “Không thấy thùng rác đâu nên em để ở đây. Lát nữa, người quét rác sẽ đến gom, mang đi. Vứt rác chỉ gây mất mỹ quan một tí thôi chứ không gây thiệt hại gì lớn nên chỉ cần nhắc nhở chứ phạt cả triệu đồng thì cao quá” - một cô gái trẻ ngồi chờ xe buýt phía trước công viên văn hóa Tao Đàn (Q.1, TP.HCM) phân bua khi chúng tôi hỏi vì sao lại xả rác. 

Phải mạnh tay xử phạt

Chỉ tính tiền chi cho công tác vớt rác trên các tuyến kênh lớn như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ, mỗi năm đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Đó là chưa kể những khoản tiền như nạo vét cống, nạo vét kênh. Toàn bộ số tiền này là ngân sách chi trả. Nói cách khác, đó chính là tiền thuế của người dân. Vì thế, người xả rác gây thiệt hại nặng nề cho người khác nên cần phải xử phạt nghiêm.

Việc tuyên truyền, kêu gọi không xả rác lâu nay chưa hiệu quả nên cần phải thay đổi cách làm. Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan nên thống kê đầy đủ những khoản thiệt hại do xả rác gây ra, sau đó công bố những con số này để người dân thấy mức thiệt hại do xả rác ghê gớm như thế nào. Đó là chưa kể việc gây ô nhiễm, làm lây lan dịch bệnh. Sau khi thay đổi cách tuyên truyền mà vẫn không hiệu quả thì cần xử phạt nghiêm. Hiện nay, đã có đủ quy định và mức phạt về hành vi xả rác, chính quyền địa phương phải xử lý mạnh tay mới răn đe được.

Tiến sĩ
- Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM

Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI