80% bệnh nhân COVID-19 trong đợt dịch này không có triệu chứng

02/02/2021 - 19:21

PNO - 80% bệnh nhân COVID-19 lần này không có triệu chứng nên theo Bộ Y tế dễ bị bỏ lọt ca mắc trong quá trình rà soát.

 

Chiều 2/2, tại cuộc họp trực tuyến của lãnh đạo Bộ Y tế với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, qua 4 ngày phân tích 240 trường hợp bệnh nhân mới, có đến 80% bệnh nhân không có triệu chứng. Do vậy, đây là thách thức với các bệnh viện.

“Khi tới bệnh viện, bệnh nhân không có triệu chứng. Tôi đề nghị các cơ sở y tế phải khai thác kỹ tiền sử tất cả bệnh nhân đến khám”, ông Khuê nói.

Trong số các bệnh nhân trong đợt dịch này, có một bệnh nhân nặng, 3 bệnh nhân thở oxy, 20 bệnh nhân có biểu hiện, còn lại đa số không có triệu chứng. Như vậy, nếu như chỉ đợi bệnh nhân ho sốt, khó thở mới sàng lọc thì sẽ bị bỏ sót. Ông Khuê đề nghị, ngoài khai thác tiền sử và dịch tễ, các cơ sở y tế phải đảm bảo thông thoáng, kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu thực tế, qua kiểm tra một số bệnh viện của địa phương, hầu như phần khai thác tiền sử hiệu quả rất thấp, rất dễ bị lọt bệnh nhân. “Công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã có khá đầy đủ văn bản nhưng chỗ triển khai tốt, chỗ lúng túng”, ông Tuyên đặt vấn đề và chỉ ra, nguyên nhân do tổ chức thực hiện.

Sau khi nghe báo cáo của các địa phương, kết luận tại buổi họp trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, virus lần này có tốc độ lây nhiễm tăng hơn 70% so với chủng cũ, lại không có triệu chứng nên dễ bị bỏ qua trong vấn đề rà soát.

Đây cũng là lý do vì sao Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải thay đổi chiến thuật trong phòng chống COVID-19, phải nâng cao hơn một mức, nhanh hơn một mức so với trước đây. Nếu địa phương nào không truy vết kịp thì phải áp dụng khoanh vùng, giãn cách xã hội trong một khu vực hẹp nhất định, đồng thời lấy mẫu diện rộng trong trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, Bộ trưởng Long cho rằng phải nâng công suất xét nghiệm tại các địa phương. “Bài học thành công việc chống dịch của Đà Nẵng chính là công suất xét nghiệm. Chúng ta truy vết, lấy mẫu trên diện rộng ở cộng đồng, xét nghiệm phải đảm bảo đủ đáp ứng yêu cầu đó. Nếu chuyển mẫu về xa quá thì không đáp ứng được. Thời gian trôi đi 1-2 ngày là thêm các ca  khác, lúc đó chúng ta chật vật đi theo các ca mới”, Bộ trưởng nói.

Dù các ca nhiễm đang ít nhưng Bộ trưởng lưu ý phải hình thành ngay các cơ sở điều trị, thiết lập bệnh viện dã chiến nếu cần thiết. Bộ Y tế đã nhiều lần đề nghị các địa phương phải chuẩn bị các kịch bản cho các tình huống phát hiện ca bệnh ở bệnh viện, nhưng nhiều nơi chưa có phương án, khi xảy ra ca bệnh thì luống cuống.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh bắt buộc người dân đeo khẩu trang, chứ không chỉ ở các tỉnh, thành có dịch bệnh. Bởi bài học từ Công ty TNHH Điện tử POYUN (TP Chí Linh, Hải Dương), công nhân không đeo khẩu trang nên một lúc phát hiện ra một loạt các ca bệnh. Các tỉnh cũng cần hạn chế tối đa các sự kiện tập trung đông người ở các khu vực kín, triển khai các biện pháp phòng chống tại nơi tập trung đông người, công sở…

“Chúng ta đã thực hiện tốt, quyết liệt nhưng cần mạnh mẽ hơn. Lần này không được phép lơ là chủ quan. Chúng tôi nhấn mạnh là phải nâng lên một mức, vì lây nhiễm lần này hoàn toàn khác, tăng cao hơn lần trước”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhắc lại quan điểm phòng chống dịch trong tình hình mới.

H.A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI