47 năm làm tổ trưởng dân phố

06/09/2022 - 06:28

PNO - Ông Phạm Văn Hoa (76 tuổi) bắt đầu làm tổ trưởng tổ dân phố từ ngày đất nước thống nhất. 47 năm trôi qua, nhiều con đường, công trình ở quận Gò Vấp đều có sự đồng hành của ông.

Gắn bó gần 50 năm vì sự tin yêu của người dân

Sáng sớm, bia tưởng niệm liệt sĩ trong đình An Hội (phường 8, quận Gò Vấp, TPHCM) đã nghi ngút khói hương. Ông Phạm Văn Hoa - Tổ trưởng tổ dân phố 60, khu phố 7, phường 8, kiêm Phó ban Quản trị đình An Hội - đã lau dọn bia sạch sẽ. 

Nhắc đến liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Khối, ông Hoa khựng lại với bao kỷ niệm ùa về: “Ông Ba Khối lớn hơn tôi một vài tuổi. Ngày xưa, làng An Hội này hoạt động cách mạng rất mạnh. Ông Ba Khối và nhiều người trong làng đã ngã xuống trong chiến tranh. Cách đây vài năm, nhờ đóng góp của bà con, chúng tôi đã dựng lên một tấm bia trong đình để tưởng niệm các liệt sĩ”.

Ông Phạm Văn Hoa bên bia tưởng niệm liệt sĩ làng An Hội được đặt trong đình An Hội nơi ông làm phó ban quản trị
Ông Phạm Văn Hoa bên bia tưởng niệm liệt sĩ làng An Hội được đặt trong đình An Hội nơi ông làm phó ban quản trị

Làng An Hội là nơi ông Hoa sinh ra, cũng là nơi ông đã dành gần 50 năm cuộc đời để gắn bó qua vai trò tổ trưởng tổ dân phố. Ông kể, năm 1975, khi đất nước vừa thống nhất, làng An Hội chỉ lưa thưa vài hộ dân. Thời điểm đó, đa phần người dân sống bằng nghề làm lư đồng và làm rẫy. Những người làm rẫy tham gia vào Tập đoàn sản xuất 7. Là người “có chữ”, ông Hoa được phân công làm tổ trưởng sản xuất, chịu trách nhiệm quản lý khoảng 70 lao động. Cũng nhờ vậy, ông được bà con tin tưởng, bầu làm tổ trưởng tổ dân phố. Năm đó, ông chỉ mới 30 tuổi. Khi ấy, ông chỉ nghĩ, được bà con tin tưởng thì làm vài năm. Nào ngờ ông đã gắn bó luôn cho đến tận bây giờ.

Suốt 47 năm làm tổ trưởng dân phố, ông Hoa chứng kiến thành phố trải qua nhiều cuộc trở mình, thay đổi và cả biến động, nhưng dịch COVID-19 vừa qua là biến động lớn nhất. Tháng 5/2021, dịch bùng phát đợt thứ tư khốc liệt tại quận Gò Vấp. Sau gần 50 năm, làng An Hội lại bước vào “thời chiến”. Thế nhưng, trong hoàn cảnh khó khăn, tinh thần đoàn kết của ngôi làng cách mạng lại một lần nữa được phát huy. Những ngày ấy, ông tổ trưởng U80 đã sát cánh bên chốt trực. Riêng ông, đã vận động được hơn 5 tấn gạo, gần 5 tấn rau củ quả để hỗ trợ người dân gặp khó khăn. “Dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu, nếu biết dựa vào dân, có được sự đoàn kết của người dân, thì đều dễ dàng vượt qua. Động lực giúp tôi có thể làm tổ trưởng tổ dân phố gần 50 năm qua là sự tin yêu của người dân” - ông Hoa chia sẻ điều mình tâm niệm.

Cống hiến lặng thầm

Khoảng mười năm sau ngày giải phóng, khu vực phường 8, quận Gò Vấp đã đông đúc dân cư, việc chăn nuôi và canh tác theo thói quen cũ xung đột với sự phát triển của đô thị và có nguy cơ kìm hãm sự phát triển. Ông Hoa khi ấy, ngoài làm tổ trưởng tổ dân phố còn là Chủ tịch Hội Nông dân P.8. Trên địa bàn phường lúc bấy giờ có 47 hộ chăn nuôi với 365 con bò sữa. “Việc vận động người dân chuyển đổi ngành nghề là hết sức khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm vì lợi ích mọi người và vì sự phát triển của thành phố” - ông nói.

Trong ba năm từ 2004 - 2007, ông Hoa lặn lội đến từng gia đình nuôi bò sữa để vận động họ chuyển đổi ngành nghề. Nhờ nắm rõ hoàn cảnh của từng gia đình cộng với sự kiên trì thuyết phục của ông, tất cả các hộ chăn nuôi bò sữa sau đó đã chuyển sang làm cây kiểng, buôn bán, kinh doanh nhà trọ. Tất nhiên là không dễ dàng, nhưng chuyện “vận động chuyển đổi nghề” nói trên “chưa là gì” so với việc vận động cho lưới điện đi qua. Những năm 2000, công trình lưới điện cao áp 110KV chạy qua nhiều quận huyện, trong đó có quận Gò Vấp. Các hộ dân không chịu nhận đền bù và không bàn giao đất. Chính quyền địa phương phải thành lập “ban vận động” để thuyết phục. Vì ông Hoa là “thổ địa” nên đã được giới thiệu vào.

“Các hộ dân có đất trong diện đền bù đều là người quen. Vậy là cứ tối đến tôi lại ghé qua nhà uống trà hàn huyên. Trong câu chuyện, mình nhắc lại những khổ cực thời làm tập đoàn sản xuất do không có điện. Lâu dần, người ta hiểu chuyện đường dây điện hình thành là vì sự phát triển chung của thành phố, nên mỗi người phải chịu thiệt một chút. Chỉ một thời gian, việc vận động đã hoàn thành, bà con đều vui vẻ giao đất. Có người còn nói, họ chưa ưng giá đền bù, nhưng vì thương ban vận động tới lui cực nên họ chấp nhận” - ông Hoa kể.

Cũng với cách làm trên, ông Hoa đã cùng chính quyền địa phương vận động người dân hiến đất để mở đường Cây Trâm rộng rãi, khang trang như ngày nay. “Nhiều con đường, ngõ hẻm ở làng An Hội này đều có dấu ấn của chú Hoa” - chị Bùi Thị Ánh Xuân, ngụ khu phố 7, phường 8, quận Gò Vấp, chia sẻ.

Tại hội nghị khen thưởng, biểu dương cán bộ tổ dân phố tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 do UBND quận Gò Vấp tổ chức mới đây, câu chuyện ba, bốn hộ dân nhà trọ góp tiền mua mấy lốc nước tặng ông tổ trưởng dân phố đã gây xúc động cho nhiều người. Người tổ trưởng trong câu chuyện chính là ông Phạm Văn Hoa. Ông kể, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, ông đã kêu gọi, giúp đỡ khá nhiều cho người dân ở tổ dân phố 60, khu phố 7 nơi ông đảm trách. Hầu hết người dân sống tại các khu nhà trọ đều có hoàn cảnh khó khăn. Khi cuộc sống trở lại bình thường, lốc nước ngọt là món quà họ dành để tri ân ông tổ trưởng.

Ông Hoa xúc động: “Người dân ở trọ họ khó khăn lắm, mua lốc nước ngọt họ cũng phải cùng nhau góp tiền. Nhận món quà chất chứa tấm lòng của họ, tôi thực sự rưng rưng. Tôi nghĩ, mình thật may mắn khi đến tuổi này vẫn còn sức khỏe để phục vụ mọi người. May mắn hơn nữa là được người dân tin tưởng, yêu mến. Mỗi lần bắt điện thoại, nghe bên kia mở lời “Chú Hoa ơi, giúp con…” là mình lại thấy có động lực để làm việc”. 

Người tổ trưởng dân phố năng nổ, nhiệt tình

UBND Q.Gò Vấp đánh giá, ông Phạm Văn Hoa là một tổ trưởng dân phố năng nổ, nhiệt tình. Ông đã được tặng khá nhiều bằng khen của Trung ương, thành phố và quận. Vừa qua, ông là một trong những tổ trưởng tổ dân phố được Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong phòng, chống dịch COVID-19.

Sơn Vinh

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI