40% đơn hàng thủy hải xuất khẩu sang Mỹ, EU bị hủy vì COVID-19

25/03/2020 - 16:45

PNO - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tỷ lệ các đơn hàng bị đối tác châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc đề nghị tạm hoãn chiếm đến 40%.

Theo VASEP, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động sản xuất xuất khẩu thủy sản đều bị ảnh hưởng. Trong đó, tỷ lệ các đơn hàng vẫn được giao bình thường theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm 30-50% nhưng tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn hoặc hủy khá cao, chiếm 30-40%.

Thị trường có đơn hàng hủy nhiều nhất tại châu Âu, kế đến là Hàn Quốc và Trung Quốc; các thị trường khác như Nhật Bản, Mỹ, Nga… cũng có các đơn hàng bị hoãn và hủy nhưng không nhiều. Đơn hàng bị hủy chủ yếu là tôm, riêng cá tra chịu ít tác động hơn do giá tiêu thụ rẻ hơn.

Sau dệt may đến lượt thủy sản xuất khẩu vào Mỹ và EU bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Sau dệt may đến lượt thủy sản xuất khẩu vào Mỹ và EU bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Nguyên nhân là do chính phủ các nước đóng cửa biên giới, khách hàng không bán được hàng, các cửa hàng dịch vụ thực phẩm (food service) cũng ngừng hoạt động. Mặc dù các nhà cung cấp linh hoạt giảm giá bán từ 25-30% nhưng cũng không thể kích cầu.  

Không chỉ bị hủy đơn hàng mà việc ký kết đơn hàng mới trong quý II và quý III/2020 rất khó khăn, nhất là tại các thị trường chính như Mỹ, Nhật, châu Âu. Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như không có đơn hàng mới, một số doanh nghiệp khác có nhưng không nhiều. Chính vì vậy các doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề thanh toán từ khách hàng, nhiều khách yêu cầu lùi thời gian thanh toán cả vài tháng dẫn đến doanh nghiệp không xoay được vốn và thanh toán các khoản vay ngân hàng.

Riêng với các doanh nghiệp khai thác hải sản, nguồn nguyên liệu nhập khẩu bị thiếu khoảng 50%, trong đó doanh nghiệp đang ngưng nhập khẩu tôm do các kho lạnh đã được các doanh nghiệp thuê để trữ cá tra. “Nếu dịch có được kiểm soát thì nguyên liệu hiện có cũng chỉ đáp ứng được 50-70% nhu cầu sản xuất” – VASEP dự báo.  

Mặc dù hoạt động sản xuất gần như cầm nhưng doanh nghiệp vân cố giữ lại lực lượng lao động nhằm hỗ trợ cho người lao động ổn định đời sống. Song do vẫn còn nhiều thông tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh, các trường hợp đang bị cách ly theo dõi nên càng nhiều tác động tới hoạt động sản xuất của các công ty tại nhiều địa phương.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI