100 năm Cách mạng tháng Mười Nga (1917-2017): Trăm năm cho một con đường

01/11/2017 - 14:24

PNO - Cách mạng tháng Mười Nga, là một điểm son, là dấu ấn đậm nét nhất trong lịch sử thế giới thế kỷ XX. Đó là thực tế không phải bàn cãi, không thể phủ nhận, không được quên lãng.

Chúng tôi đến Saint Petersburg vào giữa trưa, trời mùa hè nhưng không có nắng, lại thi thoảng mưa, bầu trời phủ xuống dòng sông Neva một màu xám bạc, như làm nền cho chiến hạm Rạng Đông thêm phần uy nghi, sừng sững. Chúng tôi đặt chân lên boong con tàu huyền thoại, không ai bảo ai, mỗi người đều lặng ngắm nào hệ thống tời máy, các bệ súng, khoang lái, chằng chịt neo thuyền hai bên mạn sườn…

100 nam Cach mang thang Muoi Nga (1917-2017): Tram nam cho mot con duong
Chiến hạm Rạng Đông - biểu tượng của cuộc Cách mạng tháng Mười lịch sử - hiện neo đậu cố định trên sông Neva, thuộc biên chế của lực lượng Hải quân Nga

Tôi đi dọc boong chiến hạm, mường tượng những bàn chân thủy thủ đang rầm rập trong cái đêm chính biến kỳ lạ đó. Hai phát đạn từ chiến hạm Rạng Đông nả về hướng Cung điện Mùa Đông, như là lời hiệu triệu trước giờ cuộc khởi nghĩa thần thánh, mang lại ánh sáng bình minh cho các dân tộc bị áp bức, nô lệ. 

Mặc dù thực hiện sứ mệnh lịch sử đó nhưng hai phát pháo lại chủ đích nhắm vào đường xây viền ở mé trên tường của cung điện, nó không gây ra thiệt hại người lẫn di chỉ, nó đủ để cho bộ máy chính phủ lâm thời và tàn quân chống đối cách mạng bị sụp đổ hoàn toàn, Kerensky phải giả làm thủy thủ, trà trộn lẩn trốn ngay trước đêm bùng nổ. 

Cách mạng tháng Mười Nga, là một điểm son, là dấu ấn đậm nét nhất trong lịch sử thế giới thế kỷ XX. Đó là thực tế không phải bàn cãi, không thể phủ nhận, không được quên lãng.

“Tất cả chính quyền cho các Xô viết công nông binh. Hòa bình, bánh mì, ruộng đất”, không chỉ là khẩu hiệu, là mục đích tối thượng của cuộc cách mạng mà từ đây, lực lượng tiến hành cuộc cách mạng không ai khác chính là công nhân, nông dân, binh lính bị tước đoạt mọi quyền sống, quyền tự do, quyền được thụ hưởng của một con người trong một đất nước độc lập; vạch ra con đường, phương pháp đấu tranh cho các dân tộc đang trong thân phận thuộc địa, đồng thời với sự nghiệp giải phóng dân tộc là công cuộc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. 

Sự thất bại của quân đội Nga trong cuộc chiến Nga - Nhật, hàng vạn binh lính Nga bị quẳng vào các chiến trường khắp châu Âu; cuộc khủng hoảng toàn diện của nước Nga đẩy đời sống người dân đến kiệt quệ. Đêm trước Cách mạng tháng Mười là một cuộc tranh giành, cướp bóc, cơ hội của những tên tư sản, chúng muốn lật đổ chế độ quân chủ Sa hoàng để thay vào đó là chế độ tư sản, bảo vệ quyền lợi của chính chúng chứ không phải cho nhân dân, vì nhân dân. Nhân dân Nga không thỏa hiệp và lựa chọn sự thay đổi từ một nền chuyên chế này sang một nền chuyên chế khác.

Trước đêm Cách mạng tháng Mười bùng nổ, chính nhân dân Nga, những nông dân, công nhân, binh lính cùng khổ đã hòa thành làn sóng đỏ, cuốn phăng những thế lực phản động của Kerensky, Kornilov, họ như những chiến binh thực thụ, biến những con đường Tverskaya, Nikitskaya thành chiến lũy, chiến đấu đến cùng với đám kỵ binh phản cách mạng Cossacks, với Chính phủ lâm thời đang rắp tâm dâng cả Petrograd cho đế quốc Đức, chống phá lực lượng cách mạng Bolshevick. 

100 nam Cach mang thang Muoi Nga (1917-2017): Tram nam cho mot con duong

Ngọn lửa vĩnh cửu, nơi vinh danh những người con của nước Nga đã ngã xuống vì nền hòa bình của nhân loại. Ảnh: Ái Mỹ

Giữa những tháng ngày bão táp đó, V.I Lênin, vị lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất đã nhìn thấy con đường giải phóng cho nhân dân mình. Người đã gửi Tuyên ngôn đến nhân dân và chính phủ tất cả các nước tham chiến với tinh thần “hòa bình, công bằng và dân chủ, như lòng mong ước của quảng đại quần chúng công nhân và giai cấp cần lao…”.

Tại Viện Smolny, nơi thời khắc quan trọng của lịch sử, nhà nước Xô viết chính thức ra đời, Lênin dõng dạc nói: “Chúng ta mong muốn hòa bình công bằng nhưng chúng ta không sợ một cuộc chiến tranh cách mạng…”. Ngay sau đó, Người đọc Sắc lệnh ruộng đất. 

Trung tuần tháng Sáu, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM sang Nga, từ Moskva, chúng tôi ngồi tàu điện đi về Saint Petersburg. Petrograd là đây, nơi chứng kiến những cuộc biến thiên vĩ đại. Tôi bồi hồi với cuộc tìm đến, hoặc cũng có thể gọi là trở về, để đi theo dấu chân Người lần đầu tiên đặt chân lên quê hương của cuộc Cách mạng tháng Mười vĩ đại, đó là ngày 30/6/1923 (không đúng như một số sử liệu đưa tin lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến Nga vào ngày Lênin mất, 21/1/1924 - theo khẳng định của nhà Việt Nam học Evghenhin Kobelev trên VOV Moskva 2013). 

Chúng tôi đi ngang quảng trường Thánh Isaac, dừng lại trước khách sạn Astoria, một công trình của kiến trúc sư Fyodor Lidval, bồi hồi nghĩ tới hình ảnh Người-Thanh-Niên châu Á Nguyễn Ái Quốc đã từng lưu trú tại đây. 

Có gì đó rất gần nhau giữa hai dân tộc!

Cuộc thảm sát Ngày Chủ nhật đẫm máu đã sát hại 1.000 thường dân vô tội, họ kéo về Cung điện Mùa Đông trong ôn hòa, không một tấc sắt trong tay, chỉ để thỉnh nguyện những cải cách xã hội. Thế mà hoàng đế Nicolai đệ nhị đã lệnh cho bắn thẳng vào dân chúng. 

100 nam Cach mang thang Muoi Nga (1917-2017): Tram nam cho mot con duong
Những thành phố anh hùng, những người con ưu tú của nước Nga vĩ đại mãi mãi được ghi nhớ, được vinh danh

Phong trào chống thuế ở Trung kỳ vào những năm đầu thế kỷ XX là cuộc trỗi dậy của những người cùng khổ. Xác họ phơi đầy bởi những cuộc đàn áp. Đến đỉnh cao Xô viết Nghệ Tĩnh là minh chứng cho sức mạnh công nông, đòi quyền tự quyết của một dân tộc bị áp bức, lại bị nhấn chìm trong biển máu. Trong khi chế độ quân chủ đớn hèn cắt dần đất đai lục tỉnh để dâng cho chính quyền thực dân. 

Nền độc lập của dân tộc, tự do của nhân dân đã dẫn dắt Người-Việt-Nam-yêu-nước Nguyễn Ái Quốc tìm thấy ánh sáng từ bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo Nhân đạo. Người nhận ra con đường duy nhất đúng đắn cho cuộc cách mạng giải phóng thuộc địa là con đường cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. 

Cách mạng tháng Mười và tư tưởng của Lênin, của những người cộng sản đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc. Năm 1920, khi đọc bản Luận cương, Người đã thầm nhủ: “Hỡi đồng bào bị đày đọa đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Người reo lên một mình mà như vang vọng cùng đất nước: 

Cơm áo là đây - hạnh phúc đây rồi…
Luận cương của Lê Nin - theo người về quê Việt
Lắng nghe trong màu hồng - hình đất nước phôi thai

Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng sáng tạo trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, Người đã thức tỉnh, hướng dẫn cả dân tộc đi theo cách mạng. Sự kiện lịch sử thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 và cuộc Cách mạng tháng Tám thành công đưa tới sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, đã khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam được dẫn dắt bởi lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng tháng Mười Nga.

Đó là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, con đường duy nhất đúng để nhân dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành được thành tựu to lớn và quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, giữ vững độc lập, đi tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Một buổi sáng mùa hè, trời trong, gió lành lạnh, chúng tôi quây quần về tượng đài Hồ Chí Minh nằm ngay quảng trường Hồ Chí Minh ở Moskva. Chân dung Người được khắc nổi trên tấm đồng hình tròn, đặt trên bệ nền vuông, có hình ảnh của chàng trai Việt trong tư thế bật dậy và tre - biểu tượng của văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam. Bất giác, tôi ngước nhìn, Người hiện diện ở đây, như quy luật của đất trời, mang lại sự vuông tròn cho một dân tộc.

100 nam Cach mang thang Muoi Nga (1917-2017): Tram nam cho mot con duong
Bà Thân Thị Thư - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM trong cuộc thăm, làm việc với tòa soạn Báo Sự Thật Kôm-Xô-Môn tại Nga, tháng 6/2017

Cả trăm năm nhưng chỉ một con đường, đó là lẽ tất yếu, là niềm tin và sức mạnh mà Người đã gieo trồng, đã vun bồi và kết tinh từ dòng chảy Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. “Không có gì quý hơn độc lập tự do” được khắc ngay dưới chân tượng đài, hiển hiện như một chân lý, một lẽ phải mang tên Việt Nam - Hồ Chí Minh, nó nối tiếp từ tiếng hô vang rền của những đêm mùa Đông cả trăm năm trước “Hòa bình - ruộng đất - bánh mì”…

Sự đổ vỡ trong khoảnh khắc của Nhà nước Xô - viết, và sự khủng hoảng của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới trong những năm cuối của thập niên 80, là một bài học lịch sử lớn đối với tất cả các Đảng Cộng sản và công nhân, với phong trào cách mạng của nhân dân thế giới, là một tổn thất lớn lao, là nỗi đau của các dân tộc nghèo bị áp bức.

Sự tan rã và nỗi đau lịch sử đó bắt nguồn từ những sai lầm trong xây dựng chính đảng cách mạng; nhà nước cách mạng, trong điều kiện Đảng cầm quyền; nhất là trong những bước ngoặt lịch sử, để bộ máy Đảng và bộ máy chính quyền còn quan liêu, xa rời quần chúng nhân dân lao động, không đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của nhân dân; đối lập lợi ích giữa dân với Đảng và nhà nước.

Đảng cầm quyền đã phạm những sai lầm khi định ra đường lối về cách thức, phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước và sự liên kết trong nỗ lực chung của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Sự rạn nứt và mất đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế chậm được khắc phục là một tổn thất lớn đối với sức mạnh cách mạng mỗi nước và đối với phong trào cách mạng quốc tế.

Bên cạnh đó, điều quan trọng là đã thiếu cảnh giác đối với chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chống chủ nghĩa xã hội, chúng đã thay đổi chiến lược tấn công vào chủ nghĩa xã hội. Tất cả những điều đó cho thấy, Liên bang Xô viết sụp đổ chính do những sai lầm xuất phát từ việc xa rời những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, chứ không phải việc xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác - Lênin là sai lầm.

Sự sụp đổ của Liên bang Xô viết là một tổn thất to lớn, vô cùng đau xót không chỉ của những người cộng sản mà còn của cả loài người tiến bộ, nhưng không vì thế có thể làm lu mờ được ngọn cờ tư tưởng bất diệt của Cách mạng tháng Mười Nga, của chủ nghĩa cộng sản. 

Lịch sử có những bước ngoặt, có những lúc thăng trầm, nhưng chủ nghĩa xã hội, một mô hình nhà nước kiểu mới, một bước tiến của nền văn minh nhân loại, xuất hiện từ Cách mạng tháng Mười Nga vẫn mãi là xu thế của thời đại, là hình mẫu lý tưởng mà nhân loại tiến bộ cùng nhau vươn tới. 

 Thân Thị Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI