Lần đầu tiên Việt Nam có thể chữa khỏi ung thư nhờ người hiến tế bào gốc

16/11/2017 - 12:14

PNO - “Em mong ước một lần được gặp anh, dù ở Việt Nam hay Đài Loan; bởi chính anh là người tái sinh cuộc đời em” – anh Q.D.A. (25 tuổi, sống ở Cà Mau) xúc động chia sẻ.

Vào tháng 5/2017, anh A. phát hiện trên người mình nổi các vết bầm lâu hết. Các vết bầm lại có màu trắng chính giữa, màu tím ở rìa xung quanh nên anh đến bệnh viện để khám. Các bác sĩ Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM chẩn đoán anh đã bị ung thư máu (loại ung thư bạch cầu mạn dòng tủy mono bào – JMML).

Lan dau tien Viet Nam co the chua khoi ung thu nho nguoi hien te bao goc
Anh A. phát hiện bị ung thư máu khi mới 25 tuổi

Tiến sĩ bác sĩ Huỳnh Văn Mẫn, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Bệnh viện Truyền máu Huyết học cho biết đây là bệnh lý máu ác tính hiếm gặp và càng hiếm hơn khi số người mắc bệnh dưới 40 tuổi đếm trên đầu ngón tay.

Bệnh ung thư này được tiên lượng xấu nhất so với các bệnh ung thư máu. Thời gian sống trung bình chỉ có thể kéo dài từ 20 – 30 tháng. Chính vì bệnh hiếm nên thuốc điều trị và cả các công trình khoa học nghiên cứu về bệnh này càng ít. Và cách duy nhất là ghép tế bào gốc may ra mới có thể chữa khỏi bệnh.

Lan dau tien Viet Nam co the chua khoi ung thu nho nguoi hien te bao goc
 

“Nghe tin con trai duy nhất trong gia đình bị ung thư, tôi suy sụp hoàn toàn và càng tuyệt vọng hơn khi chị gái của A. cũng không phù hợp để tiến hành hiến tế bào gốc máu ngoại vi lấy từ tủy sống”, ông Q.V.C. – ba của bệnh nhân A. kể.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM cho hay: Bệnh viện đã tính đến phương án ghép tế bào gốc tạo máu từ người khác cho bệnh nhân A.; thế nhưng chính chị ruột của em cũng chỉ phù hợp với thang điểm 7/10; trong khi người cho phải hợp với người nhận ít nhất 9/10.

Nếu truyền tế bào gốc tạo máu từ người khác không phù hợp, cơ thể bệnh nhân sẽ tự đào thải hết tế bào gốc ra ngoài càng nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.

Lan dau tien Viet Nam co the chua khoi ung thu nho nguoi hien te bao goc
Ông C. luôn nói chuyện qua ô cửa kính để động viên con.

"Thời gian sống còn của anh A. ngày càng rút ngắn đi, trong khi 30% cơ hội từ người cho cùng huyết thông vẫn không tìm được tế bào gốc phù hợp để ghép, chúng tôi bắt đầu nghĩ đến 70% cơ hội còn lại từ người cho không cùng huyết thống.

Thế nhưng Việt Nam vẫn chưa có Trung tâm lấy tủy quốc gia tự nguyện nên bệnh viện liên hệ với tất cả các trung tâm hiến tủy trên thế giới để tìm nguồn tế bào gốc cho bệnh nhân. Cuối cùng chúng tôi liên hệ với Đài Loan vì các bác sĩ ở đây cho biết có đến 4% người dân Đài Loan có dòng máu giống người Việt và chi phí lấy tế bào gốc cũng rẻ hơn nhiều nước khác” - bác sĩ Dũng kể.

Lan dau tien Viet Nam co the chua khoi ung thu nho nguoi hien te bao goc
 

Thông thường một ca bệnh phải mất 3 – 5 tháng mới có kết quả. Nhiều ca bệnh trước đó của Việt Nam gửi qua cũng chưa có người cho phù hợp. Vậy mà bệnh nhân Q.D.A. rất may mắn khi chỉ trong 6 tuần đã được phía Đài Loan thông báo có đến 3 người cho phù hợp (gồm một bệnh nhân phù hợp 10/10 và hai bệnh nhân hợp 9/10).  Cuối cùng các bác sĩ chọn người hiến là nam giới 37 tuổi, có chiều cao và cân nặng tương đương như anh A.

Ngay lập tức, các bác sĩ Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM cử đoàn lên đường sang Đài Loan để tiếp nhận nguồn tế bào gốc vừa lấy ra khỏi người hiến. Khi tiếp nhận xong, đoàn vội vã bay về Việt Nam vì theo bác sĩ Huỳnh Văn Mẫn, chất lượng tế bào gốc chỉ sống được 3 ngày và tốt nhất là ghép trong 2 ngày đầu tiên khi lấy ra khỏi cơ thể người cho.

Lan dau tien Viet Nam co the chua khoi ung thu nho nguoi hien te bao goc
Cả bác sĩ đi sang Đài Loan nhận tế bào gốc và bác sĩ ở nhà chuẩn bị vô ca mổ đều căng thẳng, lo lắng.

Sau khi thông qua các cửa hải quan, các tế bào gốc được “đi lối riêng” để tránh bị tiêu diệt bởi hệ thống máy chiếu cửa khẩu. Trong quá trình vận chuyển tế bào gốc, các bác sĩ đã lên phương án “tác chiến” đối phó với những tình huống kẹt xe, bão lũ hoặc người hiến không đến hay bị bệnh phải tìm cách khác.

Cùng lúc tại Việt Nam, bệnh nhân A. đã được đẩy vào phòng cách ly. Ngay khi nhận được nguồn tế bào gốc, các bác sĩ tiến hành dùng hóa chất tiêu diệt hết tế bào trong tủy bệnh nhân và đưa tế bào tạo máu từ người hiến vào.

Bất ngờ tỷ lệ tế bào từ người cho xa lạ “chịu” sống trong cơ thể anh A. đến 98%. Và đến nay đã 57 ngày trôi qua, anh A. được các bác sĩ nhận định đã khỏi bệnh ung thư máu hiếm gặp.

Lan dau tien Viet Nam co the chua khoi ung thu nho nguoi hien te bao goc
Đây là ca đầu tiên ghép tế bào gốc tạo máu từ người cho không cùng huyết thống thành công đầu tiên tại Việt Nam.

Nhiều lần bật khóc, anh A. nhớ lại: “Em chỉ khóc một, cha em khóc đến mười. Em cảm ơn người xa lạ đã cho em cơ hội sống mới, cảm ơn bác sĩ... vì tuổi em còn quá trẻ. Em sẽ tiếp tục viết tiếp ước mơ sự nghiệp của mình”.

Các bác sĩ cho biết, hiệu quả ghép tế bào gốc giữa người cho là chị em ruột với người hiến từ người xa lạ đã đạt tỷ lệ sống sau 1 năm gần như nhau. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có Trung tâm lấy tủy tình nguyện sẽ rất khó khăn.

Lan dau tien Viet Nam co the chua khoi ung thu nho nguoi hien te bao goc
Anh A. ngày xuất viện

Hiện nay, ngay cả việc vận động hiến máu tình nguyện rất chật vật, chứ chưa nói đến khả năng vận động người dân đến bệnh viện nằm gây mê 2-3 giờ để lấy máu từ tủy rồi đem cho người khác.

Mặt khác, nếu thành lập được trung tâm lấy tủy thì phải có ít nhất 1 triệu người đăng ký, lúc đó mới có thể tìm được một cá nhân phù hợp 90% để cho một bệnh nhân khác.

Ở Châu Á, Đài Loan có đến 2 trung tâm và đã “cung ứng” nguồn tế bào gốc cho 30 nước trên thế giới và đã có đến 4.091 người nhận. Tại khu vực Đông Nam Á, hiện chỉ có Thái Lan và Singapore là có trung tâm lấy tủy, tuy nhiên chi phí ở các nước cao hơn từ 5 – 10 lần so với Việt Nam, trong khi hiệu quả điều trị Việt Nam tương đương như các nước có nền y học phát triển.
Lan dau tien Viet Nam co the chua khoi ung thu nho nguoi hien te bao goc
 

Thanh Khê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI