Xin ý kiến Bộ Chính trị phương án xử lý tài sản không rõ nguồn gốc

10/09/2018 - 13:53

PNO - Lần 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc xử lý tài sản không rõ nguồn gốc.

Sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 3 về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi.

Báo cáo, một số vấn đề lớn về dự án luật, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, riêng quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (tài sản không rõ nguồn gốc) vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Xin y kien Bo Chinh tri phuong an xu ly tai san khong ro nguon goc
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga

Vì vậy UBTV Quốc hội giao cho cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu để xây dựng 2 phương án: thu hồi thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại tòa án và thu thuế thu nhập cá nhân.

Còn ý kiến khác nhau

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình phương án, tài sản không chứng minh được thì chuyển sang cơ quan thuế, yêu cầu nộp thuế 1 lần, phạt từ 1-3 lần.

“Như vậy, mức nộp là 35% (tài sản tăng thêm không rõ nguồn gốc), rồi phạt thêm 3 lần nữa là thêm 115% nữa, như vậy tổng là 145%, nhân với số ngày chậm nộp nữa, nhân với số tiền nộp chậm nữa, nhân với 0,5% nữa. Nếu làm nghiêm như thế thì cứ luật thuế mà nộp, có khi thu vượt quá số tài sản mà anh không kê khai”, ông Hiển phân tích.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng phương án này vừa chắc chắn, vừa nhẹ nhàng. Còn quy định sang tòa, sang viện thì phức tạp.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đồng tình phương án giải quyết tại toà án. Tuy nhiên ông lại băn khoăn về tính khả thi của phương án này.

Ông dẫn thực tiễn trước các kỳ đại hội, các lần bầu cử đơn thư tố cáo tăng rất nhiều. “Với quy định này thì đơn thư sẽ tăng rất nhiều lần, chủ yếu là về kê khai tài sản thì cơ quan kiêm nhiệm có xử lý được đơn thư dồn dập như thế”, ông Phúc nói.

Xin y kien Bo Chinh tri phuong an xu ly tai san khong ro nguon goc
 

Theo Tổng thư ký Quốc hội, đây là vấn đề cho rất khó vì liên quan tới quy trình, công tác cán bộ đảm bảo đúng trước khi tiến hành bầu cử.

Cạnh đó là văn hoá người Việt Nam cái tình, cái lý khó nói ranh giới. “Đồng chí cấp dưới chuyển hồ sơ của cấp trên ra tòa án thì khó chứ không dễ. Ví dụ Ban Công tác đại biểu của anh Túy (ông Trần Văn Tuý – Trưởng ban Công tác đại biểu) mà kiểm soát tài sản của các đồng chí thường trực trở lên, thường vụ thì anh Túy có dám ký chuyển cái này không?”, ông Phúc băn khoăn.

Không có phương án nào cầu toàn, mỹ mãn

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh với sự phát triển kinh tế - xã hội, với nền pháp luật của chúng ta thì không có phương án nào cầu toàn và bảo đảm được mỹ mãn tất cả các yêu cầu.

Tuy nhiên bà cũng nhấn mạnh, không vì thế mà nói: “Không thể thế này không được, chúng tôi thiết kế lại bảo thế kia cũng không được thì chúng tôi biết làm thế nào?”, Chủ nhiệm UB Tư pháp bày tỏ mong muốn được tiếp nhận ý kiến cụ thể về việc này.

Đề cập đến ý kiến của Tổng thư ký Quốc hội về tính khả thi khi giao cho cấp dưới đi khởi kiện cấp trên, bà Nga cho rằng, trong xử lý tài sản để PCTN, quan điểm của Đảng, nhà nước là không phân biệt vị thế, chức vụ, quyền hạn.

“Đã giao cho một cơ quan nào đó đứng ra khởi kiện thì phải làm thôi. Hiện nay cũng có việc tòa án cấp huyện đi xử tòa án cấp tỉnh trong trường hợp oan sai. Đúng là tâm lý có như thế thật nhưng giao thì phải làm thôi”, bà Nga lý giải.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhìn nhận đây là vấn đề rất khó, rất phức tạp. “Bây giờ các đồng chí băn khoăn về tính khả thi của từng phương án, đặt ra các câu hỏi để làm thế nào cho tốt hơn. Băn khoăn là đúng rồi, mong muốn là phải khả thi, hiệu quả, nhưng bây giờ quan điểm chính kiến của mình chọn phương án nào là rất cần”, ông Lưu nói.

Xin y kien Bo Chinh tri phuong an xu ly tai san khong ro nguon goc
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chốt lại: “Tinh thần là báo cáo Bộ Chính trị cho quan điểm thống nhất về 2 phương án náy chứ không nêu ý kiến băn khoăn nữa”.

Theo bà, đối với tài sản thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải thích hợp lý về nguồn gốc thì đến nay pháp luật chưa có quy định nào xử lý.

“Quyết tâm chính trị của chúng ta là phải minh bạch thu nhập tài sản, PCTN. Trong thực tiễn khi xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản và giải trình nguồn gốc tài sản thu nhập tăng thêm, thời gian qua cho thấy, rõ ràng có một số cán bộ, công viên chức có tài sản giá trị rất lớn nhưng không giải trình hợp lý nguồn gốc. Nhà nước cũng chưa có cơ sở nào để xử lý”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, đặc điểm văn hoá của người Việt là tích luỹ tài sản nhiều đời, tặng cho, thừa kế… Tài sản cán bộ công chức hình thành từ rất nhiều nguồn khác nhau, không phải từ lương. Cho nên khi xử lý vấn đề này phải tính tới yếu tố này.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, vấn đề cử tri quan tâm, muốn biết là các vụ án tham nhũng đã thu hồi tài sản tham nhũng được chưa, được bao nhiêu? 

Đan Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI