Xét tặng danh hiệu nghệ sĩ: Danh hiệu không phải món quà để cho tặng hay ban phát!

19/03/2018 - 07:31

PNO - Danh sách các nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT vừa thông qua Hội đồng cấp TP đã để lộ quá nhiều điều bất ổn, thậm chí khiến không ít người làm nghề cảm thấy bị tổn thương.

Ngay khi vừa có thông tin về đợt xét tặng danh hiệu lần thứ 9-2018, đại diện Sở Văn hoá - Thể thao TP.HCM từng trả lời trên báo Phụ Nữ TP.HCM: “Đợt xét tặng danh hiệu năm 2018 sẽ có cơ chế mở để đảm bảo quyền lợi cho các nghệ sĩ ở TP.HCM”. Niềm vui chưa được bao lâu thì có vẻ như chính cái cơ chế mở đó lại trở thành nỗi buồn khó diễn tả thành lời.

Xet tang danh hieu nghe si: Danh hieu khong phai mon qua de cho tang hay ban phat!

Xét tặng danh hiệu khi quá máy móc, cứng nhắc đã bỏ sót những tài năng cần được vinh danh như NSƯT Út Bạch Lan

Tiêu chí mở và việc xét đặc cách là cách làm đúng để bảo vệ quyền lợi của NS TP.HCM, địa phương có đời sống văn hoá nghệ thuật rất đặc biệt với hoạt động của nhiều đơn vị nghệ thuật xã hội hoá. Tiếc rằng cách thực hiện lại tuỳ tiện, khiến khâu tiếp nhận hồ sơ và xét duyệt trở nên rất cảm tính. Sự cảm tính thể hiện rất rõ trong danh sách các NSND, NSƯT vừa được thông qua. Nhìn danh sách 57  NSND – NSƯT của TP.HCM đợt 9/2018, nhiều người hoang mang đặt câu hỏi: “Đây là đợt xét tặng danh hiệu cho NS hay đợt kiểm tra danh sách NS để trao tặng kỷ niệm chương?”.

Chưa bao giờ việc xét tặng danh hiệu lại lạ lùng như lần này. Nếu như trước đây, những NS tài năng, có nhiều cống hiến cho sân khấu (SK) dù đã 70-80 tuổi như NSƯT Út Bạch Lan, NSƯT Thanh Sang, NSƯT Đoàn Bá... vẫn cứ phải đứng ngoài lề các đợt phong tặng danh hiệu vì không có đủ số huy chương theo yêu cầu thì ở lần thứ 9-2018 mọi chuyện đã hoàn toàn khác.

Trong danh sách 17 NSND có những cái tên “bói hoài” cũng không hiểu họ được đặc cách NSND dựa trên cơ sở nào? Bởi, trong danh sách ấy, có người trên dưới 20 năm thỉnh thoảng mới xuất hiện ở SK chuyên nghiệp. Có người dù vẫn làm nghề nhưng từ sau danh hiệu NSƯT lại không có thêm vai diễn, tác phẩm nghệ thuật nào thực sự để lại ấn tượng cho công chúng. Có người được xét tặng danh hiệu dù phần lớn thời gian đang sinh sống ở nước ngoài và chỉ “tài năng” khi luôn có mặt đúng lúc, đúng thời điểm để tham dự liên hoan, hội diễn và … “sưu tập” huy chương.

Danh sách 40 NSƯT cũng có những cái tên gây hoang mang không kém. Thôi thì đành chấp nhận những NS có đủ huy chương, thời gian hoạt động theo yêu cầu nhưng tài năng thực sự vẫn còn ở đâu đó xa lắm, bởi đó là tiêu chí, quy định gây bức xúc đã trở thành chuyện “biết rồi khổ lắm, nói mãi!”. Nhưng chuyện xét đặc cách vô tội vạ cho những NS thiếu cả huy chương lẫn tài năng, thậm chí thiếu gần nửa thời gian hoạt động nghệ thuật là điều khó có thể chấp nhận.

Lời ra tiếng vào về việc NS, DV này là “phe” của thành viên A hoặc là người rất được lòng thành viên B ở hội đồng… dù không có cơ sở để kiếm chứng một cách rạch ròi bằng văn bản, nhưng lại có đủ sức thuyết phục nhiều người làm nghề và cả công chúng quan tâm khi  nhìn nhận lại những gì đã và đang diễn ra trong thực tế.

Xet tang danh hieu nghe si: Danh hieu khong phai mon qua de cho tang hay ban phat!

Từng có lần suýt ngất trên SK nhưng Thanh Sang vẫn cố gắng "trụ" đến hết lớp diễn mới để bạn diễn dìu vào cánh gà, gắn với SK cho đến hơi thở cuối cùng nhưng ông vẫn chỉ là NSƯT.

Có lẽ chưa bao giờ việc xét tặng danh hiệu lại “đại loạn” như lần này. Trong cơn bão của dư luận, nhiều người chợt nhận ra rằng dường mọi sự rối ren xuất phát từ chính cách nghĩ, cách làm của những người làm công tác xét duyệt hồ sơ từ cấp cơ sở đến cấp TP. Dư luận đang râm ran chuyện chỉ có một nhóm NS được gọi làm hồ sơ dù không đủ huy chương, giải thưởng hoặc thiếu thời gian hoạt động nghệ thuật theo quy định.

Đa phần các NS còn lại chỉ biết thông tin về đợt xét danh hiệu lần 9-2018 trên các phương tiện thông tin đại chúng và không hề biết TP đã có chủ trương xét đặc cách. Nhưng cho dù biết đi chăng nữa thì họ cũng không có thông tin gì cụ thể để biết mình có nằn trong diện được đặc cách hay không để nộp hồ sơ?

Dù không muốn, nhiều người vẫn phải nghĩ rằng danh hiệu giờ đang trở thành món quà hoặc tình thương được một số người nằm trong trong khâu tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ ban tặng cho NS. Những câu hỏi được NS và những người quan tâm đặt ra nhiều nhất là: Việc xét đặc cách dựa trên những tiêu chí nào hay chỉ dựa trên quyền định đoạt của một số thành viên? Thích ai, thương ai thì đưa người đó vào diện xét đặc cách?

Ở góc độ khác, bản thân một số NS được thông qua danh sách thuộc diện xét đặc cách lần này cũng không thể dửng dưng như người ngoài cuộc. Ý kiến cho rằng cần xem lại lòng tự trọng của một số NS “hồn nhiên” nhận những thứ không thuộc về mình là điều đáng để những NS còn có đủ tỉnh táo phải suy nghĩ lại.

Liệu họ đã suy nghĩ thấu đáo về tài năng và sự cống hiến của mình khi đặt bút làm đơn đề nghị xét tặng danh hiệu với ưu ái đặc cách, hay nộp hồ sơ theo sự khuyến khích rồi hồi hộp chờ đợi một sự may rủi dựa trên uy tín và tầm ảnh hưởng của người đứng ra bảo vệ họ trong hội đồng xét duyệt? Danh hiệu, nếu nhận được, có đủ để trở thành niềm tự hào hay sẽ là “món nợ” suốt đời phải đeo mang? Chưa kể danh hiệu như chiếc áo quá rộng có thể làm người mặc trở nên xấu xí, bất thường hơn trong mắt công chúng!

Xet tang danh hieu nghe si: Danh hieu khong phai mon qua de cho tang hay ban phat!

Đủ tiêu chí về huy chương, thời gian hoạt động SK chuyên nghiệp và miệt mài phấn đấu với nhiều vai diễn khác biệt trên SK cải lương, nhưng NSƯT Trọng Phúc cho biết mình vẫn cần có thêm thời gian để rèn nghề.

Danh hiệu là bằng chứng ghi nhận tài năng, nỗ lực và sự cống hiến cho nghệ thuật của NS. Đừng mượn việc đặc cách nhằm đảm bảo quyền lợi cho NS để cho tặng, ban phát và cào bằng mọi giá trị. Đừng biến danh hiệu NSND , NSƯT trở thành danh xưng phổ cập và tầm thường hoá danh hiệu từng là điều rất thiêng liêng với người NS.  

NSND Hoàng Dũng – Thành viên hội đồng xét tặng danh hiệu NSND – NSƯT cấp Nhà nước, lĩnh vực Sân khấu: 

Xét đặc cách phải dựa trên cơ sở và đủ sức thuyết phục

Với đặc thù của nhiều địa phương, đơn vị nghệ thuật, việc xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND dựa trên tiêu chuẩn huy chương, giải thưởng sẽ dễ bỏ sót những tài năng và những NS có nhiều đóng góp, cống hiến cho nghệ thuật. Xét đặc cách là cách để đảm bảo quyền lợi và sự công bằng cho tất cả những người làm nghệ thuật. Tuy nhiên việc xét đặc cách cũng không thể tuỳ tiện mà phải dựa trên những cơ sở thuyết phục.

Xet tang danh hieu nghe si: Danh hieu khong phai mon qua de cho tang hay ban phat!

"Xét đặc cách phải dựa trên những tiêu chí, cơ sở thuyết phục"- NSND Hoàng Dũng

NS chưa đủ thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp hoặc huy chương giải thưởng có thể sẽ được xét đặc cách với điều kiện số thời gian hoặc giải thưởng còn thiếu chỉ là một phần rất nhỏ so với tiêu chuấn. Nhưng đổi lại, NS đó phải có tài năng nổi trội, những đóng góp cho đời sống nghệ thuật được thể hiện cụ thể bằng vai diễn hoặc các tác phẩm nghệ thuật được công chúng và giới làm nghề thừa nhận.

Với những NS không có huy chương, giải thưởng việc xét đặc cách dựa trên những tiêu chí cơ bản: là những NS đã có thời gian làm nghề lâu năm, tên tuổi được cả giới làm nghề lẫn công chúng đón nhận. Tài năng và cống hiến cho nghệ thuật của họ phải được chứng minh bằng những tác phẩm, nhân vật cụ thể . Bên cạnh đó sự gắn bó, những đóng góp liên tục đối với nghệ cho đến thời điểm được xét tặng danh hiệu cũng là yếu tố không thể thiếu.

Hồ Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI