Xăng tăng, khách hàng than khó bắt xe công nghệ, tài xế vòi thêm tiền

13/03/2022 - 16:57

PNO - Nhiều khách hàng hay sử dụng phương tiện di chuyển qua các ứng dụng đặt xe phản ánh việc liên tục các kỳ tăng giá xăng, khó bắt được xe. Hoặc lên xe tài xế ngỏ ý xin (hỗ trợ) thêm tiền vì giá xăng tăng, nhưng cuốc xe không tăng.

Khách hàng khó đặt được xe còn bị vòi tiền

Anh Thanh Lam (ngụ quận 2, TPHCM) phản ánh, nhiều ngày nay rất khó bắt xe qua các ứng dụng từ khu vực Thảo Điền về trung tâm thành phố (quận 1 và 3). Trước đây tại khu vực anh ở do đông dân cư, trung tâm của quận 2 nên việc đặt xe rất dễ dàng, có rất nhiều tài xế chờ sẵn, thậm chí là đặt vào tối muộn vẫn dễ dàng bắt được xe. “Giá cước các ứng dụng có chiều hướng biến động sau lần đặt thứ hai. Nếu như lần đặt đầu không có tài xế nhận cuốc, đặt lại giá cước sẽ tăng thêm vài ngàn đồng...”, anh Lam nói.

Tương tự chị Kim Trang (ngụ Gò Vấp, TPHCM), cho biết ngay khi xăng tăng xấp xỉ 30.000 đồng/lít, chị đặt xe 2 bánh đến chỗ làm tại quận 1 đã tăng lên thêm 6.000-8.000 đồng/cuốc. "Bình thường tôi đặt giá khoảng 45.000 đồng/cuốc, giờ cao điểm ít xe cuốc lên 55.000-70.000 đồng/cuốc. Hiện giờ, từ sau cơn ‘sốt’ xăng, mỗi cuốc xe đi về đều từ 50.000 đồng trở lên", chị Trang cho hay.

Grab chính thức tăng cước xe, dịch vụ từ 10/3 trước áp lực giá xăng. Ảnh: Quốc Thái
Grab chính thức tăng cước xe, dịch vụ từ 10/3 trước áp lực giá xăng - Ảnh: Quốc Thái

Đáng chú ý, theo phản ánh của nữ khách hàng này, có trường hợp lên xe tài xế ngỏ ý xin khách hỗ trợ thêm phí cuốc xe với lý do giá xăng tăng, xe chạy không có lời thậm chí lỗ. Tình trạng này theo chị Trang không chỉ xuất hiện ở một cuốc xe, mà rất ở nhiều tài xế.

Ngoài ra, nhiều khách hàng cũng cho biết, đặt xe qua các ứng dụng khi áp dụng các mã khuyến mãi, giảm giá cũng khó khăn hơn. Thời gian rất lâu, ít tài xế nhận hơn. “Đặt bình thường đã khó, tôi có mấy mã giảm giá, áp dụng khi đặt xe những ngày này để đỡ tiền cuốc hầu như không tài xế nào chịu nhận. Tối thứ sáu tuần rồi (11/3), tôi đặt taxi của hãng công nghệ đưa ba mẹ ra sân bay, giá 130.000 đồng, khuyến mãi giảm chỉ 25.000-30.000 đồng, nhưng không tài xế nào nhận. Chờ mãi sợ muộn giờ bay, phải bỏ cuốc gọi taxi truyền thống để đi”, anh Bùi Hữu Công (ngụ Bình Thạnh) cho biết.

Tài xế thì lo mất khách

Trong khi đó, nhiều tài xế xe công nghệ cho biết, giá xăng tăng 7 kỳ liên tục từ tháng 12/2021, làm giá xăng trong nước từ đầu năm đến nay đã tăng thêm gần 6.000 đồng/lít. Xăng tăng, ứng dụng đặt xe không tăng cước sẽ tác động trực tiếp đến thu nhập của cánh tài xế. Nhiều tài xế hiện tại chọn chạy đủ định mức rồi tắt app (ứng dụng) hoặc chuyển sang ứng dụng đã điều chỉnh cước. Nhưng những ứng dụng tăng cước lại ít khách đi hơn. 

Anh Hùng, tài xế một hãng taxi công nghệ cho biết, mỗi ngày trung bình cánh tài xế chạy từ 200-250km (kể cả quãng đường đến đón khách và đưa khách đi), tiền xăng phải đổ là khoảng 350.000 - 400.000 đồng. Hiện nay cũng cùng quãng đường nhưng tiền xăng phải đổ đã hơn 500.000 đồng.

Giá xăng tăng xấp xỉ 30.000 đồng/lít kể từ 11/3 khiến nhiều dịch vụ vận tải tăng giá theo. Ảnh: Tam Nguyên
Giá xăng tăng xấp xỉ 30.000 đồng/lít kể từ 11/3 khiến nhiều dịch vụ vận tải tăng giá theo - Ảnh: Tam Nguyên

Nam tài xế tính toán nếu duy trì thời gian chạy như trước, mỗi ngày anh có khoảng 15-18 khách (tuỳ vào quãng đường xa hay gần) là từ 200-250km. Trừ đi 37% chiết khấu, các chi phí khác (khấu hao xe, thuế phí, ăn uống,…) và giá xăng tăng cộng thêm 100.000-150.000 đồng. Thu nhập anh giảm chỉ còn 300.000-350.000 đồng/ngày.

“Mức chiết khấu mỗi cuốc xe hiện nay đang rất cao, cộng thêm phí khấu hao xe, thuế, phí khác… Nếu hãng không tăng cước, chắc chắn thu nhập của tài xế sẽ bị ảnh hưởng, giảm thu nhập, thậm chí lỗ khi ‘xách’ xe ra chạy. Nhưng ngược lại, nếu tăng cước xe, sẽ có hệ luỵ là khách sẽ bỏ ứng dụng, chuyển sang ứng dụng khác, tài xế mất khách”, anh Hùng nói.

Tương tự, tài xế Vũ Đặng Thành Nguyên, đang chạy cho ứng dụng Bebike tại TPHCM cho biết, trước áp lực của giá xăng tăng, anh vẫn chạy cầm chừng nhiều ngày nay, trong khi nhiều đồng nghiệp đã tạm ngưng chạy vì không có lời, thậm chí là lỗ, thâm tiền vào tiền xăng. “Nếu giá cước không sớm thay đổi, chắc chắn số lượng tài xế tắt ứng dụng sẽ nhiều hơn. Khách sẽ khó bắt được xe hơn”, anh Nguyên cho biết.

Thực tế từ 10/2, ứng dụng Be cũng đã có sự điều chỉnh mức giá cước. Ứng dụng Grab cũng tăng giá cước của tất cả các dịch vụ từ 10/3.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI