Xâm hại di tích, vì sao cứ tiếp diễn?

08/10/2022 - 08:07

PNO - Từ đầu năm 2022 đến nay, một loạt di tích đã bị xâm hại trái luật. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại nhiều năm qua, chưa thể giải quyết dứt điểm.

Chuyện đã rồi cơ quan quản lý mới vào cuộc 

Cuối tháng Chín, dư luận xôn xao khi bức tường gạch bao quanh chùa Kim Liên (Hà Nội) bị phá dỡ, xây mới. Đây là một trong 12 công trình đầu tiên được Bộ Văn hóa công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia vào năm 1962. Hồi tháng Ba, nhà tiền đường làm bằng gỗ trong đền Nưa (núi Nưa, đền Nưa - Am Tiên, tỉnh Thanh Hóa, được công nhận là di tích lịch sử danh lam thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 2009) cũng bị xây dựng mới bằng bê tông. Đình Tự Đông (TP.Hải Dương), công trình được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1997, bị xâm hại bằng việc vẽ bích họa tùy tiện.

Di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm (Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) bị phá dỡ phần bậc thềm bằng đá cổ - ẢNH: NGỌC LINH
Di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm (Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) bị phá dỡ phần bậc thềm bằng đá cổ - Ảnh Ngọc Linh

Cổng đền An Liệt (xã Thanh Hải, H.Thanh Hà, Hải Dương) được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1995 cũng bị dỡ bỏ hoàn toàn trong quá trình trùng tu, sửa chữa. Tòa tam bảo của chùa Thiên Phúc và đình Đại Lâm, thuộc cụm di tích quốc gia đình, đền, nghè, chùa Đại Lâm (xã Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh) bị hạ giải để xây dựng mới. Đình Chèm (Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) có lịch sử hơn 2.000 năm, được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, bị tháo dỡ phần bậc thềm bằng đá cổ, chặt bỏ cây đa hàng chục năm tuổi. 

Di tích phải được tu bổ, sửa chữa theo quy định của Luật Di sản văn hóa, thông báo cho cơ quan quản lý văn hóa các cấp, lãnh đạo địa phương. Từ thực trạng này, phải đặt dấu hỏi về công tác quản lý của địa phương đã chặt chẽ, sâu sát hay chưa. Với những vụ việc trên, chỉ khi dư luận phản ứng, xảy ra hậu quả, cơ quan quản lý mới vào cuộc. Trong khi đó, việc sửa chữa, tu bổ, thậm chí hạ giải một công trình lớn không phải là chuyện “tắt đèn đóng cửa bảo nhau”. Chẳng hạn, việc xâm hại công trình nhà tiền đường đền Nưa diễn ra từ tháng 5/2021, kéo dài đến năm 2022 thì chuyện đã rồi.

Sửa đổi Luật Di sản văn hóa

Phó giáo sư - tiến sĩ Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam - cho rằng việc kiện toàn, bổ sung các quy định của Luật Di sản văn hóa hiện hành là điều cần thiết, để bảo vệ, giữ gìn di tích được hiệu quả hơn. Cuối tháng Bảy vừa qua, Bộ VHTTDL tổ chức hội thảo góp ý hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Trong đó, một số nội dung được nhấn mạnh như: sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, bổ sung quy định mới, hoặc hủy bỏ những quy định liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ mà Luật Di sản văn hóa còn quy định chung chung, không phù hợp với thực tiễn hoặc không khả thi; hoàn thiện các quy định về thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn; hoàn thiện các quy định về huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Gần đây nhất, khi bức tường tại chùa Kim Liên được xây mới xong, UBND Q.Tây Hồ (TP.Hà Nội) mới vào cuộc xử lý. Lãnh đạo quận yêu cầu nhà chùa phải phục dựng như cũ. Tuy nhiên, việc phục hồi nguyên trạng là điều khó thể làm được. Có trường hợp, việc khôi phục là bất khả thi, vì dấu tích cũ gần như bị xóa sổ. 

Ngoài luật còn có thêm .... lệ 

Bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản TP.HCM - cho biết hiện nhiều nơi tự ý thuê các đội thi công, sửa chữa xây dựng bên ngoài, là nguyên nhân dẫn đến việc di tích bị xâm hại nghiêm trọng, thậm chí không thể khôi phục. Bà cho biết: “Thợ xây nhà ở, cao ốc, nhà hát… đều phải có kiến thức, kỹ năng đặc thù. Không phải cứ biết tô trét là có thể xây. Việc sửa chữa, tôn tạo, trùng tu di tích còn khó hơn nữa, bởi không chỉ dừng lại ở mặt kỹ thuật, người thực hiện còn phải am hiểu văn hóa. Lẽ ra phải có những đơn vị chuyên làm việc trùng tu, sửa chữa di tích. Và phải có quy định khi di tích cần trùng tu, chỉ được liên hệ những đơn vị này. Nhưng chúng ta chưa làm được. Đây là một trong những vấn đề quan trọng cần được giải quyết trong thời gian tới”. 

Tiến sĩ - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết hiện có ít đơn vị hoạt động chuyên nghiệp trên lĩnh vực này. Việc phát triển thêm những đội ngũ chuyên về lĩnh vực này khả thi, nhưng cách làm ra sao, quy trình như thế nào là vấn đề cần bàn kỹ. Kiến trúc sư Trần Công Hòa cho rằng nhân sự đặc thù cho lĩnh vực này phải được quan tâm từ đầu, ở khâu đào tạo, có chiến lược. Với các đơn vị tư nhân, yếu tố kinh doanh, hiệu quả kinh tế là hàng đầu nên việc theo đuổi lĩnh vực này là khó, nếu không có sự hỗ trợ.

Cổng Đền An Liệt bị phá bỏ, thay bằng cổng sắt (Ảnh: Internet)
Cổng Đền An Liệt bị phá bỏ, thay bằng cổng sắt (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, theo bà Lê Tú Cẩm, việc quản lý di tích bằng Luật Di sản văn hóa chưa đạt được hiệu quả. Hơn 20 năm qua, kể từ khi luật này được ban hành, rất nhiều vụ việc xâm hại di tích xảy ra, nhưng hầu như chưa có trường hợp nào được xử lý rốt ráo theo luật, hoặc có xử phạt thì rất thấp. Vì thế, đã không ngăn chặn được những vi phạm.

Đơn cử như trường hợp vi phạm tại đền Nưa, sau khi chính quyền kiểm tra, lập biên bản xử phạt, đình chỉ xây dựng, thậm chí khi huyện và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh yêu cầu dừng thi công, người quản lý đền vẫn lén lút cho xây dựng. Sau đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định, xử phạt vi phạm hành chính 25 triệu đồng với thủ từ Lê Khắc Tam. 

“Tôi trăn trở vấn đề này rất nhiều năm qua. Với những ai đi xin phép, cơ quan quản lý sẽ giở luật ra nói, còn với ai bất chấp, thì không xử đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, trong thực tế, nếu muốn đưa vụ việc ra tòa, thì phải có người đi thưa kiện. Nhưng trước nay, không ai đứng ra làm việc này. Dư luận có lên tiếng, nhưng chưa có động thái cần thiết. Ngoài luật định, thì việc tham gia giám sát quản lý của người dân cũng hết sức quan trọng. Nhưng chủ thể bị kiện đôi khi khiến người đi kiện e dè. Trong quản lý văn hóa, ngoài luật, còn lệ, vì vậy nên hầu như chưa thể giải quyết rốt ráo” - bà Lê Tú Cẩm chia sẻ. 

Thành Lâm 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI