Xác người trôi trên sông Hằng - cảnh tượng gây sốc sau khi đại dịch COVID-19 tàn phá Ấn Độ

30/06/2021 - 18:31

PNO - Hàng trăm thi thể những nạn nhân thiệt mạng vì COVID-19 trôi xuống sông Hằng khi lũ lụt đi qua. Cơn lũ đã làm người ta phát hiện ra hàng loạt những huyệt mộ chôn cất người chết một cách sơ sài, nó đi ngược với truyền thống và tín ngưỡng của phần đông người Ấn theo đạo Hindu.

Ấn Độ được ghi nhận là một trong những vùng đất gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất về nhân mạng khi làn sóng COVID-19 tấn công quốc gia này lần thứ 3. Khi đại dịch bùng phát, đã có thời điểm người ta chứng kiến có hơn 6.000 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ. Xác người chết tràn ngập các bệnh viện và lò thiêu với số tử vong chính thức được Ấn Độ báo cáo là 400.000 người.

COVID-19 đã gây nên một nỗi kinh hoàng và làm cho quốc gia đông dân thứ nhì thế giới trở thành “vùng đất chết” khi các lò hoả táng ở những thành phố xung quanh sông Hằng ngày đêm rực lửa, thậm chí là quá tải. Điều này dẫn đến việc người dân Ấn Độ buộc phải chôn cất những nạn nhân tử vong một cách vội vã.

Mực nước dâng cao đã cuốn trôi đất để lộ ra những xác chết được bọc trong vải nghệ tây (Ảnh: AFP)
Mực nước dâng cao đã cuốn trôi đất để lộ ra những xác chết được bọc trong vải nghệ tây - Ảnh: AFP

Đó là thời điểm bùng phát đại dịch vào tháng 4- 5 vừa qua, nạn nhân của nó là những gia đình ở phía Bắc và phía Đông của Ấn Độ, nơi nghèo khổ nhất của quốc gia Nam Á này đã không đủ khả năng chi trả cho các đám tang. Họ buộc phải bỏ thi thể người thân xuống sông hoặc chôn trong những ngôi mộ tạm bợ hai bên bờ sông Hằng.

Và khi “cơn bão virus” quét qua một cách tàn bạo thì nay những trận mưa lũ để lộ những điều bi thương nhất. Nó đã rửa trôi mặt đất, làm lộ ra vô số thi thể chìm một phần và hàng chục thi thể khác trôi xuống sông Hằng, dẫn đến cảnh tượng kinh hoàng.

Xác chết được bao phủ bằng vải nghệ tây đã lặng lẽ trôi trên con sông linh thiêng, những người chèo thuyền nói rằng họ sợ mái chèo đâm vào những tử thi đang phập phù trôi theo các con sóng. Quan chức địa phương ước tính rằng có tới 600 người tử vong đã bị chôn vùi dọc theo hai bên bờ sông - nhưng những nhà quan sát tin rằng con số thực còn cao hơn nhiều.

Các công nhân đặc biệt hỏa táng một thi thể được chôn trong một ngôi mộ nông bên bờ sông Hằng (Ảnh: AFP)
Tình nguyện viên thu gom để hoả táng những thi thể được chôn trong các ngôi mộ tạm bợ hai bên bờ sông Hằng - Ảnh: AFP

Chính quyền bang Allahabad, một trong những thành phố mang đậm chất tín ngưỡng của người theo Ấn Độ giáo, nơi có hàng triệu người đến để thực hiện các nghi thức cuối cùng của đời người cho biết họ đã thực hiện “tang lễ” bằng cách hoả táng cho gần 150 thi thể trôi nổi trên sông Hằng trong ba tuần vừa qua. Những nhà báo quốc tế của AFP đã phải chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng và họ thực sự bị sốc khi nhìn thấy hàng chục xác chết chìm một phần dưới sông.

Ở rải rác đâu đó dọc ven sông là các giàn hỏa táng chỉ là những đống gỗ khô đang chờ để đưa thi thể về với cát bụi. Thế nhưng người dân địa phương vẫn lo ngại rằng đang có hàng trăm thi thể nữa bị cuốn trôi khỏi các bờ cát do nước chảy xiết có thể sẽ xuất hiện trong những tuần tới.

Cách đây hai tháng, Sonu Chandel, một người chèo thuyền và làm việc trong một lò hỏa táng ven sông, đã bị chấn động khi chứng kiến ​​cảnh các gia đình chôn cất người chết. Anh cho biết cảm giác bất an khi những người dân nghèo chôn cất người thân của họ một cách phi truyền thống, đi ngược với tín ngưỡng. Trong khi đó, tại những nơi trung tâm lớn của đạo Hindu ở miền Bắc Ấn Độ như thành phố Varanasi ở phía hạ lưu sông Hằng, cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Người ta lo sợ rằng xác chết nếu không được thiêu huỷ có nguy cơ làm ô nhiễm thêm nơi vốn đã là một trong những nguồn nước ô nhiễm.

Nhiều người trong số những người đã khuất đến từ gia đình không có khả năng chôn cất bình thường (Ảnh: Getty Images)
Những xác người đã khuất đến từ các gia đình không có khả năng chôn cất bình thường - Ảnh: Getty Images

Đối với đa phần người Hindu giáo, sông Hằng với tên gọi “Mẹ Ganga” là dòng sông linh thiêng nhất ở Ấn Độ và được thờ phụng. Họ xem nơi này là một nữ thần với niềm tin rằng ai tắm trên sông Hằng sẽ có thể giảm nhẹ tội lỗi của mình và đạt tới sự giải thoát khỏi vòng luân hồi của sự sống và cái chết.

Và với quan niệm này, đã có rất nhiều những đoàn người hành hương đi từ xa tới đây để rải tro cốt của người thân xuống dòng nước sông, những mong linh hồn những người thân yêu của họ có thể sớm được siêu thoát.

Những người hành hương đổ xô đến sông Hằng để tắm theo nghi lễ, thậm chí trước đại dịch đã có hàng triệu người theo đạo Hindu hỏa táng người thân đã chết dọc theo bờ sông trước khi rải tro xuống sông. Một số người không đủ tiền mua gỗ hoặc các vật liệu khác cho nghi thức tang lễ đã “thủy táng” thi thể người thân của họ.

Cảnh sát cùng ngư dân địa phương dùng thuyền để đi vớt xác người trôi trên sông Hằng. (Ảnh AFP)
Cảnh sát cùng ngư dân địa phương dùng thuyền để đi vớt xác người trôi trên sông Hằng - Ảnh: AFP

Người dân địa phương cho biết tốn khoảng 70 bảng Anh để làm một đám tang theo đúng nghi lễ. Thế nhưng số tiền này đã làm tăng thêm khó khăn của những người đang phải vật lộn để kiếm sống trong nền kinh tế vốn đã bị vùi dập bởi các đợt tấn công của đại dịch COVID-19.

Trong một nỗ lực chống lại sự ô nhiễm cho sông Hằng, nhà chức trách địa phương cùng sự giúp đỡ của ngư dân đã đóng hai chiếc thuyền đi dọc bờ sông vớt các xác chết nhưng không thành công trong những ngày gần đây. Một sĩ quan cảnh báo: “Dòng chảy sông Hằng trong mùa mưa lũ ở Ấn Độ rất nhanh và việc vớt xác bây giờ là một thách thức”.

Trọng Trí (Theo Indiananews, AFP)

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioivi /strCate=thegioi