Web nhái bủa vây người mua hàng online

10/04/2017 - 08:25

PNO - Nhiều website của các doanh nghiệp bị nhái tinh vi từ tên miền đến giao diện, logo… để bán hàng giả, hàng chất lượng kém.

Web nhai bua vay nguoi mua hang online
Nhiều doanh nghiệp phải thường xuyên đưa ra cảnh báo các web giả mạo

Điểm chung của các web giả là sử dụng tên miền tương đối giống nhau, sau đó sao chép logo, hình ảnh sản phẩm từ web chính để người mua hàng nhầm tưởng như đang vào giao diện chính hãng.

Cách đây ít ngày, nhiều người tiêu dùng (NTD) phát hiện fanpape giống Điện máy xanh đến 99%, từ màu sắc logo, font chữ… điểm khác duy nhất là chữ “Xanh” đổi thành chữ “Xinh”. Phải chú ý mới nhận ra sự khác biệt này, không ít người nghĩ đây là trang bán hàng của hệ thống siêu thị Điện máy xanh.

Điều đáng nói, web nhái tung ra chương trình khuyến mãi dịp lễ 30/4, giảm giá 10.000 mặt hàng, trong đó rẻ nhất là điện thoại, giá bán chỉ còn 15.000 - 35.000đ/sản phẩm. Trang web cũng chỉ dẫn người tiêu dùng lựa chọn mua trực tuyến, giao hàng tận nhà với chi phí rất rẻ, chỉ từ 11.000đ. 

Việc nhái, giả các web bán hàng không chỉ ở mặt hàng điện tử, mà có ở hầu hết các ngành hàng tiêu dùng, nhà ở, vật liệu. Thương hiệu Nội thất Hòa Phát - Tập đoàn Hòa Phát có gần 10 trang nhái tên miền, sao chép hình ảnh sản phẩm từ web của công ty, điểm khác chỉ là phần đuôi tên miền của website; thay vì “hoaphat.net.vn”, những web nhái này sử dụng những đuôi khác như “.com”; “.biz”; “.net”; “.info”…

Phía Hòa Phát cho rằng, những tên miền này đã gây nhầm lẫn với các web chính thức của tập đoàn; không những vậy, những thông tin và sản phẩm tại những web nhái đã gây khó khăn cho các đại lý của công ty trong việc bán hàng hay giới thiệu sản phẩm…

FPT Telecom cũng từng nhận được phản ánh của khách hàng về những website nhái khá giống với web chính thức của hãng, sử dụng logo, hình ảnh và tên tập đoàn FPT… lừa người tiêu dùng nạp tiền, thẻ cào nhằm chiếm đoạt của NTD.

Đại diện một doanh nghiệp chuyên cung cấp cửa các loại cho các công trình nhà ở có trụ sở tại đường Tô Hiến Thành (Q.10, TP.HCM) cho biết, website của công ty cũng bị bốn, năm trang web, facebook, fanpage… nhái.

Những web nhái này thường xuyên thông báo giảm giá 30-40%, khuyến mãi… để thu hút NTD, tuy nhiên hàng hóa bán ra lại toàn là hàng giả, hàng kém chất lượng. Khách hàng chỉ biết mình bị lừa khi sản phẩm lỗi lại gọi đến công ty yêu cầu bảo hành.

Ông Nguyễn Hữu Tâm, giám đốc kinh doanh của một hãng thiết bị nhà bếp của châu Âu cho biết, công ty của ông cũng có đến bốn-năm web bán hàng nhái. Có lần công ty chủ động “giăng bẫy” bằng cách đặt mua hàng để tìm tung tích những kẻ đứng sau web giả, nhái… song đều không thành công vì những web này sử dụng dịch vụ của những doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giao hàng.

“Không còn cách nào khác, chúng tôi phải thường xuyên cập nhật những tên miền giả mạo để khách hàng và đại lý nhận diện, tránh nhầm lẫn…”, ông Tâm chia sẻ.

Ông Nguyễn Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD TP.HCM cho hay, tình trạng nhái web hay sử dụng các kênh thương mại điện tử lừa gạt NTD nở rộ trong vài năm trở lại đây và liên tục gia tăng, với nhiều chiêu trò và phương thức hoạt động gây tổn hại cho NTD.

Những web bán hàng có uy tín càng dễ bị các đối tượng gian dối tìm cách giả mạo, thậm chí cả những chương trình như “Người Việt dùng hàng Việt” cũng bị lợi dụng để bán hàng chất lượng kém, hàng nhái…

Để bảo vệ quyền lợi cho những trường hợp khiếu nại trên các kênh thương mại trực tuyến cũng không dễ dàng, vì những đối tượng đã có chủ định lừa gạt người mua thường không có địa chỉ giao dịch cố định hay đăng ký kinh doanh; khi bị phát hiện, vạch trần hành vi lừa đảo lại tìm cách lập những trang web mới.

Rất nhiều trường hợp không thể tìm ra người bán để giúp NTD giải quyết khiếu nại. Ông Phong cho rằng, khi sử dụng kênh mua bán trực tuyến, NTD cần bỏ thêm thời gian tìm hiểu rõ nhà sản xuất, web bán hàng chính hãng… 

Theo tìm hiểu của chúng tôi từ các đơn vị bị nhái web bán hàng, nhiều NTD thường vào các công cụ tìm kiếm (google, coccoc…), đánh vào những từ khóa mặt hàng, doanh nghiệp có sản phẩm mà mình muốn tìm, sau đó vào những trang có tên miền giống với web chính hãng mà không biết đang ở trong những web giả.

Phần đông những khách hàng lựa chọn kênh mua hàng trực tuyến thường không có thời gian đến xem hàng tận nơi nên sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà, vì vậy chỉ phát hiện bị lừa khi sản phẩm lỗi hoặc không sử dụng được phải đem đến chính hãng để bảo hành. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI