Vợ chồng so chi chuyện thấp cao!

09/10/2021 - 05:50

PNO - Sự chênh lệch về trình độ đã làm cho những cặp vợ chồng dù ở ngoài hình thức không lệch pha nhưng nội bộ bên trong thì có độ vênh không hề nhỏ.

Hồi nhỏ, gần nhà tôi có chị Hải và anh Thạch quen nhau. Chị Hải cao chừng mét bảy mấy. Trong khi đó, anh Thạch, người tròn tròn và thấp hơn chị… gần một cái đầu.

Ngày đám cưới anh chị, tụi tôi cười toe vì thấy cảnh chú rể đi chụp hình cứ cầm theo cái đòn kê (kiểu đòn thấp thấp ở miền Trung người ta làm bằng cây hay gỗ). Khi anh chị chụp hình ở vườn mai thì anh cố ý đứng nép nép, đưa cái chân giấu sau chậu mai, tất nhiên là có sẵn hai cục gạch ở dưới.

Hồi đó, tôi cũng chưa hiểu lý do vì sao người ta cứ mặc định chồng phải cao hơn vợ.

Người ta mặc định cả “chiều cao trí tuệ”, chồng cũng phải hơn vợ. Bởi vậy, nhiều gia đình dễ dàng tan nát vì lời ong tiếng ve, lời ra tiếng vào nếu không may người chồng thấp hơn vợ “một cái đầu” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. 

Nói về chiều cao thể lý thôi, đã có khối cặp rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười. Cô vợ lấy chồng thấp đành ngậm ngùi dồn những đôi giày cao gót vào góc tủ, đành phải xỏ đôi giày búp bê bệt sát đất, để phần nào “tương xứng” với chồng, cho người ngoài nhìn vào “xem cũng chẳng chênh lệch mấy”. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhưng, sự lệch pha chiều cao về mặt trí tuệ còn gian nan hơn. Không ít người vợ “lỡ” thông minh hơn, tài giỏi hơn, làm ra nhiều tiền hơn chồng lại là vấn đề to tát của một gia đình. 

Có một cặp vợ chồng, chị là giám đốc một công ty tư nhân, chồng chị là… cố vấn cho chị và ở nhà… nội trợ. Trong lúc chị lưu loát giao tiếp qua điện thoại với đối tác bằng tiếng Anh hay gõ bàn phím rào rào chuyển khoản PayPal thì anh cần mẫn xếp từng cái áo cái quần của vợ con, hay tỉ mẩn lau chùi cái bếp.

Dịch bệnh, người giúp việc về quê, anh là người đứng bếp nấu ăn, chờ chị ăn xong lại dọn dẹp, rửa chén. Họ hạnh phúc và hài lòng nhưng người thân của anh chị, luôn có cái nhìn ái ngại về phía anh.

Hùng là một người bạn của tôi, khi lấy vợ, anh là trưởng phòng tín dụng của một ngân hàng lớn tại TP.HCM. Vợ Hùng lúc đó là nhân viên cấp dưới, rất đẹp.

Cưới nhau về, thời gian đầu rất hạnh phúc vì Hùng làm ra tiền. Đến một ngày, khi gặp vấn đề trong công việc, Hùng nghỉ việc, ra làm chủ một công ty nhỏ. Công ty của Hùng làm ăn không được suôn sẻ. Thu nhập của Hùng bắt đầu bấp bênh, giải tán công ty, Hùng trở thành kẻ thất nghiệp. 

Vợ Hùng chuyển sang “ngưỡng mộ” người sếp mới ở chỗ làm, Hùng tự ái. Đứa con chung không thể làm “cầu nối” để nối nhịp chênh vênh giữa hai người. Hùng và vợ ly hôn sau một câu nói của vợ: “Tôi là phụ nữ cầu toàn và thích sự hoàn hảo”. Khi Hùng không còn “cao hơn” vợ, sự hoàn hảo của Hùng trong mắt vợ cũng vụn vỡ. 

Hồi mới lấy nhau, chồng tôi thỉnh thoảng cũng “mặc cảm” vì chênh lệch trình độ với tôi. Với mức lương công chức, tất nhiên, thu nhập của chồng trước đây không bằng tôi. Cho đến khi dịch COVID-19 xảy ra, tôi làm du lịch nên mức lương tuột dốc không phanh và có tháng chạy về 0.

Những ngày này, cả gia đình tôi sống nhờ vào số lương công chức của chồng. Lúc đó tôi mới nói với chồng rằng, vậy là chúng ta đã bằng nhau rồi đó, thậm chí thời điểm này lương chồng còn cao hơn vợ. 

Sự chênh lệch về trình độ đã làm cho những cặp vợ chồng dù ở ngoài hình thức không lệch pha nhưng nội bộ bên trong thì có độ vênh không hề nhỏ.

Và, biết bao nhiêu gia đình, bao nhiêu cặp đôi đã phải tan vỡ hạnh phúc cũng chỉ vì sự chênh lệch này. Như vợ chồng tôi, nếu không có dịch bệnh, đôi lúc tôi cũng tưởng rằng mình cao, chồng thấp. Nhưng giờ đây tôi đã biết trân trọng hơn cái “sự thấp” của chồng. 

Huyền Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI