Viêm mũi họng, thanh quản cấp nở rộ cuối năm

18/12/2020 - 06:23

PNO - Hà Nội đang vào đợt rét đậm, còn ở TP.HCM, tuy chưa vào cao điểm của mùa lạnh, nhưng lượng bệnh nhân bị bệnh về hô hấp đều tăng.

 

Học sinh chờ khám ở Bệnh viện Tai Mũi Họng
Học sinh chờ khám ở Bệnh viện Tai Mũi Họng

Riêng ở Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, trong tháng qua, có 320 lượt bệnh nhân đến khám vì viêm mũi họng cấp.

Tiến sĩ - bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Thanh Vinh, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng, cho biết thời điểm giao mùa từ nóng sang lạnh, ẩm như hiện nay là yếu tố thuận lợi gây các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là tai mũi họng với bệnh viêm mũi họng cấp, viêm amidan cấp, viêm thanh quản cấp… Tương tự, ở các BV như Đại học Y Dược, Nguyễn Trãi, Nhi Đồng 2… đều có nhiều bệnh nhân đến khám vì viêm họng, viêm thanh quản…

Viêm thanh quản cấp: nghẹt thở như chơi

Chị Nguyễn Thị Diệu H., 41 tuổi, ở Q.4, vừa xuất viện sau một tuần nhập viện điều trị viêm thanh quản cấp ở BV Nguyễn Trãi. Chị H. kể, ban đầu chị chỉ bị chảy nước mũi và ho nhẹ. Chị tưởng mình bị cảm nên uống thuốc thảo dược, rồi ngậm kẹo ho. Qua hôm sau, chị bắt đầu khan tiếng, và ngồi họp trong phòng lạnh nên đến chiều chị bị khan tiếng nhiều hơn. Đến đêm, chị ho nhiều hơn, giọng khàn đặc, không nói lớn hay nói những chữ có dấu sắc được. Sáng dậy, chị nói không ra tiếng. Chưa từng mắc bệnh “lạ” này, chị vào BV Nguyễn Trãi khám, BS kết luận chị H. bị viêm thanh quản cấp, chỉ định nhâp viện điều trị. 

Chị cố bật lên thành tiếng phản ứng: “Tôi chỉ bị khan tiếng thôi mà, sao bắt nhập viện”. BS giải thích, chị bị viêm thanh quản cấp, ảnh hưởng đến đường thở, nếu về nhà, bệnh diễn tiến nặng, không xử trí kịp sẽ nguy kịch. Sau đó, chị H. được nội soi vùng thanh quản và phát hiện ổ viêm có nhiều dịch và mủ. BS nói may là chị H. đi khám sớm, chưa bị khó thở, chứ viêm thanh quản không điều trị kịp dễ dẫn đến khó thở, nghẹt thở và tử vong. Chị H. là trường hợp bị viêm thanh quản không quá nặng, nhưng cũng phải nằm viện cả tuần, điều trị bằng kháng sinh, kết hợp xông họng mỗi ngày. 

Viêm thanh quản là bệnh lý nguy hiểm nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, đặc biệt là ở trẻ em. BS Nguyễn Thanh Vinh cho biết, ông từng tiếp nhận bệnh nhi bị viêm thanh quản cấp, nhưng người nhà đưa đến BV trễ. Đến khi cháu bé khó thở, gia đình mới đưa vào BV Tai Mũi Họng, lúc đó các BS phải cân não “điều trị nội khoa (dùng thuốc), hay mở nội khí quản”. Cuối cùng, BS chọn cách dùng thuốc. May mắn, bệnh nhi đáp ứng tốt điều trị nên cơn khó thở dần qua, thoát được tình trạng nguy kịch và mở khí quản. 

Viêm mũi họng: coi chừng biến chứng qua viêm tai giữa

Chiều 16/12, gần hết giờ làm việc, nhưng khu khám bệnh của BV Tai Mũi Họng vẫn nhiều bệnh nhân, trong đó có không ít cô cậu bé mặc đồng phục học sinh. Một cậu bé chừng 13 tuổi, vừa đi vừa lấy tay chặn ngực ngăn từng cơn ho. Người mẹ kể: “Cách đây mấy ngày, con tôi dầm mưa xong về ho, sổ mũi. Tôi cho uống nước cam, súc miệng nước muối, nhưng hai hôm rồi ho nhiều, sốt. Chiều nay, con đang học thì cô giáo kêu tới đón về vì bị sốt cao. Tôi đưa con tới đây khám, BS nói bị viêm mũi họng cấp, phải rửa mũi, uống thuốc”.

Còn chị Nguyễn Kim L., ở Q.Bình Thạnh, dẫn con trai năm tuổi đi khám vì bị ho, sổ mũi. Mấy bà mẹ xung quanh thắc mắc “sao không để theo dõi vài ngày rồi hãy cho đi BV, vì con nít bị ho, sổ mũi là chuyện thường”. Chị L. lắc đầu giải thích: “Lúc trước, tôi cũng nghĩ như vậy. Bé bị ho, sổ mũi nhẹ chỉ ở nhà theo dõi, và nhỏ mũi, xịt mũi chứ không dùng thuốc. Một tuần sau, bé bị sốt và than đau tai, tôi nhìn kỹ thì thấy tai bé chảy mủ nên phải đưa đi khám. BS nói bé bị viêm mũi họng biến chứng qua viêm tai giữa, phải uống kháng sinh gần cả tháng”.

Nhiều người cho rằng viêm mũi họng là bệnh lý thông thường nên tự điều trị bằng các biện pháp dân gian, uống thảo dược, hoặc thuốc tây. Thế nhưng, từ viêm mũi họng có thể chồng thêm bệnh khác, vì gây ra biến chứng viêm tai giữa, nhất là ở trẻ nhỏ. BS Nguyễn Thanh Vinh phân tích: “Viêm mũi họng có liên quan đến tai, dẫn đến viêm tai giữa. Vì cấu trúc vòi nhĩ của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh. Vòi nhĩ của trẻ nằm ngang hơn so với người lớn, nên vi trùng, vi khuẩn dễ lan lên tai. Ngoài ra, lỗ vòi nhĩ của trẻ chưa đóng mở hoàn chỉnh, thường có khuynh hướng mở nên dễ lây bệnh từ mũi họng lên tai”.

Hành động mà phụ huynh hay làm và tưởng vô hại lại vô tình đưa vi trùng, vi khuẩn từ mũi họng lên tai là xì mũi sai cách. Nhiều phụ huynh có thói quen kêu con xì mũi mà không dạy con che một mũi và xì một bên, rồi đổi ngược lại. Hành động xì mũi sai cách vô tình đưa vi trùng vi khuẩn lên tai và gây viêm. Viêm tai giữa không điều trị sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, trẻ bỏ ăn, bỏ bú, quấy khóc do chảy mủ tai… Ngoài ra, viêm tai giữa còn ảnh hưởng đến dây thần kinh mặt, có thể làm méo mặt và sẽ để lại lỗ thủng màng nhĩ, gây ra sự nghễnh ngãng.

Cũng cần lưu ý, trong các bệnh lý tai mũi họng, thì viêm thanh quản cấp được xem là bệnh cấp cứu, nguy hiểm, mà ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ thì diễn tiến nhanh và nguy hiểm. BS chuyên khoa II Đặng Kim Huyên, Trưởng khoa Khám bệnh BV Nhi Đồng 2, cảnh báo: “Mùa lạnh, trẻ dễ bị viêm thanh quản. Bệnh hay diễn tiến nặng về đêm, khoảng 2-3g sáng, gây co thắt thanh quản, khó thở. Do vậy, nếu không cấp cứu kịp thời trẻ có thể rơi vào tình trạng nguy kịch”. 

BS Nguyễn Thanh Vinh cho biết thêm: điều trị viêm thanh quản chủ yếu dùng kháng sinh, kháng viêm. Còn với những bệnh nhân khó thở mức nặng thì phải mở khí quản. 

Để phòng bệnh hô hấp và tai mũi họng, các chuyên gia đặc biệt lưu ý đến trẻ em và người già là hai đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất. “Cần giữ ấm cơ thể, nhất là về đêm, gần sáng, ăn uống đầy đủ, tăng cường trái cây, vitamin C, hạn chế ăn uống thức ăn lạnh và đặc biệt phải rửa tay kỹ”, BS Nguyễn Thanh Vinh lưu ý. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI