Vì sao mật ong Việt Nam thất thế trước mật ong nhập ngoại?

22/02/2017 - 10:19

PNO - Trong những năm vừa qua, nhiều lô hàng mật ong (MO) Việt Nam xuất đi nước ngoài bị trả về do sản phẩm chứa 24-30% nước, không đảm bảo chất lượng.

 Mới đây, theo khảo sát của TS Phạm Thành Quân, ÐH Bách khoa TP.HCM, và nhóm nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Công nghệ sinh học và công nghệ môi trường, ÐH Nông lâm TP.HCM, hơn 28% số mẫu  tại các vườn nuôi ong ở Ðồng Nai, Bình Phước, Ðắk Lắk có thuốc kháng sinh streptomycin.

Trước thực trạng này, để lấy lòng tin của người tiêu dùng, nhiều công ty, cửa hàng rao bán đủ loại MO đạt chuẩn, như: MO tách nước, MO tinh khiết (một số người bán dùng chữ tách độc, không độc thay tinh khiết), MO hữu cơ, MO nghệ nano… Tuy nhiên, sản phẩm lại không được lòng người tiêu dùng bằng hàng ngoại, dù giá thành hàng ngoại đắt gấp 7-10 lần.

Nhập nhằng tên gọi

Lấy chai MO có tên M.N., một nhân viên tại cửa hàng N. (đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh) cho biết đây là MO thật, không có nước, giá 210.000 đồng/lít. Giá MO rẻ hơn thị trường là do công ty có hẳn trang trại nuôi cấy ong tự nhiên tại Đồng Nai, sau khi thu hoạch được đóng chai thành phẩm, không hề qua quá trình xử lý.

Cô nhân viên này hướng dẫn phương pháp thử nghiệm MO chứa nước hay không bằng nhiều cách như: đốt miếng vải thấm MO, nếu miếng vải không cháy là do MO chứa nước; nhỏ một vài giọt MO lên tờ giấy ăn, nếu mật ong loang ra và thấm một phần vào tờ giấy thì chứng tỏ đã bị trộn với nước; dùng hành tươi nhúng vào nếu hành héo là MO thật không pha nước…

Vi sao mat ong Viet Nam that the truoc mat ong nhap ngoai?
Việc sản xuất không đảm bảo chất lượng khiến thị trường mật ong trong nước thất thế trước sản phẩm mật ong nhập khẩu.

Thương hiệu MO B. được gọi với cái tên MO tinh khiết, có giá 500.000 đồng/lít, khá cao so với MO cùng loại. Công ty này khẳng định, SP tinh khiết vì được lấy từ một loại hoa cà phê duy nhất, không lẫn bất kỳ loại hoa nào.

Mật được vắt trực tiếp từ tổ, không qua giai đoạn sơ chế hay chế biến nên còn nguyên mùi thơm của hoa.

Còn cửa hàng MO Sài Gòn (đường Nguyễn Ảnh Thủ, H.Hóc Môn) khẳng định thương hiệu B.S. của mình là “MO không độc” vì đạt chuẩn ba sạch: không nhiễm thuốc trừ sâu, không nhiễm kháng sinh, tinh khiết không bị nhiễm đường.

Công ty này cho rằng, MO không độc là do trại ong đặt ở rừng tràm sát biên giới Campuchia, được Bộ Quốc phòng bảo hộ nên con người không thể tác động được. Một số địa chỉ online thì rao bán MO rừng đã “tách độc” bằng một loại hóa chất được nhập từ nước ngoài về.

Gần đây nổi lên sản phẩm MO hữu cơ. Giá bán mặc dù không cao bằng MO có chứng nhận hữu cơ từ nước ngoài nhưng vẫn cao hơn hoặc tương đương MO thượng hạng trên thị trường.

Điểm chung là các cửa hàng tự nhận sản phẩm hữu cơ, không hề có bất cứ thông tin gì thể hiện ngoài thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

“Thất thế” trước mật ong ngoại

 MO trên thị trường TP.HCM hiện có nhiều thương hiệu ngoại từ Úc, New zealand, Mỹ như Airborne, Pure Origins, Blue Hills, Sweet Nature, Forrelli, Just Organic… Sản phẩm ngoại cũng đa dạng, ngoài dành chăm sóc sắc đẹp còn có thực phẩm chức năng; dành cho nhiều đối tượng trẻ em, phụ nữ, người sức khỏe yếu, người bị tiểu đường…

Cửa hàng, siêu thị chuyên kinh doanh MO ngoại nhập mọc lên ngày càng nhiều. Trong khi thị trường MO nội như một… ma trận.

Năm 2015, sản lượng MO xuất khoảng 40.000 tấn/năm, nhưng đến 2016 sản lượng tụt xuống dưới 30.000 tấn/năm do chất lượng MO ngày càng giảm.

Giá xuất khẩu MO 2015 là 2,95USD/kg (gần 70.000 đồng/kg) nhưng đến 2016 có thời điểm rơi xuống 1,2USD/kg và cao nhất hiện nay là 1,8-2USD/kg.

Trong khi MO nước ngoài nhập về Việt Nam có giá rất cao, chẳng hạn MO New zealand loại 250g có giá hơn 1 triệu đồng. Dù giá cao nhưng MO nhập lại được lòng người tiêu dùng hơn MO nội.

Một giám đốc công ty MO (công ty duy nhất tại TP.HCM có MO xuất khẩu đi các nước Úc, Nhật, Mỹ…) cho biết sở dĩ SP MO trong nước cạnh tranh không lại  MO nhập khẩu vì nhiều lý do.

Khi trồng những loại hoa nhãn, vải, cà phê… người dân sử dụng rất nhiều hóa chất, thuốc tăng trưởng, bảo vệ thực vật… Ong hút mật những loại hoa này dễ nhiễm thuốc trừ sâu, có nơi nhiễm hàng chục lần cho phép.

Chưa kể, trong quá trình nuôi ong bị tiêu chảy, thối ấu trùng, phải sử dụng kháng sinh để điều trị cho ong. Vì vậy so với tiêu chuẩn quốc tế, SP MO tại Việt Nam không đạt chất lượng.

Ngoài ra, bao bì MO ngoại luôn ghi đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng, trong khi trên bao bì sản phẩm nội chỉ ghi chung chung công dụng, thành phần, có loại chỉ ghi tên công ty, thậm chí rất nhiều sản phẩm không hề có thương hiệu vẫn được lưu hành.

Ví dụ, thủy phần (mức nước trong MO), các nước cho phép không được vượt quá 19% (chuẩn nhất là 18,6%), trong khi tại Việt Nam cho phép không nhỏ hơn 23%. Các chất kháng sinh streptomycin, carbendazim, nội địa không được chú ý đến, trong khi đó các nước châu Âu có quy định cụ thể.

Chẳng hạn carbendazim không vượt quá 1.000pp, còn chuẩn Mỹ không vượt quá 10pp; quy định 0,3pp thì ở Việt Nam không hề có. Đường sacro (đường kính) trong MO theo tiêu chuẩn quốc tế không vượt quá 5%, ở Việt Nam cũng quy định tương tự nhưng không ai quan tâm kiểm tra con số này.

Theo TS Phạm Thành Quân, việc thường xuyên dùng các sản phẩm có dư lượng thuốc kháng sinh cao sẽ gây suy giảm khả năng tự miễn dịch của con người.

Đặc biệt, nhiều người hay sử dụng MO rơ lưỡi cho trẻ em, nếu dùng loại mật có dư lượng thuốc kháng sinh cao như trên sẽ rất nguy hiểm về lâu dài.

 MO nội bị “thất thế” còn do tình trạng làm giả MO bằng cách lấy đường sacro rồi dùng axít để thủy phân hóa, biến thành đường fructose, sau đó cho màu, mùi hương tổng hợp, một phần MO thật để thành MO giả. 

 MO hiện nay rất nhập nhằng tên gọi đánh lừa người tiêu dùng. Nếu quảng cáo MO tinh khiết, đã tách nước, MO không có nước do không pha nước… là MO không qua giai đoạn sơ chế hay chế biến là cách gọi sai. Bởi bản thân MO sau khi thu hoạch từ tổ ong đã chứa lượng nước trong đó.

Theo kỹ sư Huỳnh Tiến Trung - Phân viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, nếu mật “sạch” nhưng hàm lượng nước quá cao (trên 30%), lại không qua khâu xử lý, bảo quản không đúng cách thì chỉ hai - ba tháng sẽ bị lên men chua.

Đó là do đường fructose bị phân hủy, sinh ra chất hydroxymetyfurfural (HMF) gây đau bụng, ngộ độc cho người sử dụng.

Một số thương hiệu MO nội không ghi rõ ràng chỉ tiêu chất lượng, chỉ khẳng định chất lượng, tạo “niềm tin” cho khách hàng bằng các phương pháp dân gian để thử MO thật hay giả.

Có nơi cho rằng dùng cọng hành đưa vào MO, nếu hành héo là MO thật, hành tươi là MO giả. Thực tế, nguyên nhân hành héo là do trong MO chứa nước, chính nước sinh ra nhiệt làm cọng hành bị héo.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI