Vị miền Tây trong món bánh canh gà nước Cần Thơ

30/06/2020 - 09:56

PNO - Món ăn có nước cốt dừa khá nhiều. Ai ăn không quen thì sẽ cảm thấy lạ miệng. Còn những đứa con xa quê, đôi lúc lại thèm tha thiết món ăn có vị beo béo, lờ lợ ấy.

Trong bữa cơm nhỏ tụ hội những người bạn đại học ba miền, khi vợ chủ nhà đặt "tô chè" với những "sợi bột" đủ màu lên bàn, vài thành viên nửa thật nửa đùa, "chủ nhà muốn kết thúc sớm nên dọn luôn món tráng miệng", chỉ có chị Thủy,  quê ở Cần Thơ là òa lên ngạc nhiên vì: "Bánh canh gà nước, thật lâu mới thấy món này".

Được nấu với nước cốt dừa nên bánh canh gà nước khiến người ta liên tưởng đến món chè hơn là món ăn mặn.
Được nấu với nước cốt dừa nên bánh canh gà nước khiến người ta liên tưởng đến món ngọt hơn là món mặn.

Rồi không chờ được hỏi, chị Thủy vanh vách hồi tưởng kí ức tuổi thơ gắn với món ăn. Rằng đây là món ăn của lũ trẻ nhà nghèo. Thuở nhỏ, khi nào muốn ăn món này, cả nhóm sẽ í ớ gọi nhau từ lúc xế trưa trưa. Bọn con gái hái rau, hái dừa. Bọn con trai ra đồng giăng lưới bắt gà nước. Sau khi chuẩn bị xong, cả đám tản về nhà ăn cơm, rồi lại tụ tập ở một chái hiên ngôi đình hay nhà nào đó. Con gái lặt rửa rau, nhào bột. Con trai đứa bào dừa, đứa vắt lấy nước, đứa làm gà. 

"Con gà nước này thịt ngọt, xương mềm như chim bồ câu", Chị Thủy kể. Cũng theo theo chị, gà nước có kích thước khá nhỏ, bóc lấy thịt không bao nhiêu mà chặt nhỏ cũng không được vài miếng, nên sau khi tụi con trai làm sạch, bọn con gái sẽ bằm nhuyễn cả xương và thịt gà nước, ướp gia vị, rồi xào chín sao cho thịt thơm và dậy mùi trước khi cho vào nồi bánh canh.

Những cọng bánh canh nhiều màu sắc nhờ kết hợp cùng nước ép của các loại rau củ quả.

Chị Minh, chủ nhà cho biết màu của bánh canh là do chị dùng cà rốt, lá cẩm, lá dứa tạo thành. "Thường thì nhào bột gạo thôi nhưng thêm màu sắc vào thì món bánh canh sẽ sinh động hơn".

Mỗi người một việc, đến tầm xế chiều thì các miếng bột cũng được ép mỏng trên thành chai, nồi nước lèo với màu trắng sữa của nước cốt dừa cũng sôi sùng sục Khi đó, mỗi người một tay, cho thịt gà nước, xắt bột gạo bằng đũa bếp vào nồi thiệt nhanh. Khi bánh canh chín, nổi lên, "đầu bếp chính" sẽ nêm lại lần cuối rồi múc cả cái lẫn nước vào tô cho từng người. Cứ thế, không cần bàn ghế, cả lũ bưng tô húp xùm xụp. Ăn đến no. "Món ngon dân dã của lũ trẻ miền Tây nhà nghèo giờ thành đặc sản", chị chốt câu chuyện.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên nên cảm nhận đầu tiên của món ăn đến từ nước lèo. Đó là vị lờ lợ không rõ ngọt mặn của nước cốt dừa được nêm thêm muối, tiêu; vị thơm béo đặc trưng, hậu cuối cùng là vị ngọt của gà nước. Là những cọng bánh canh được chủ nhà cầu kỳ tạo nhiều màu cam, đỏ, tím...  dai mềm, trơn tuột. Là miếng thịt gà nước ngọt thơm lẫn cảm giác sần sật, cưng cứng do xương gà băm nhuyễn. Mỗi thành phần vị đã lạ, kết hợp với nhau trong miệng, đánh vào khướu giác và vị giác càng lạ. 

Bánh canh gà nước ngọt mặn luôn khiến những đứa con miệt vườn đau đáu khi xa quê.
Bánh canh gà nước "ngọt mặn" luôn khiến những đứa con miệt vườn đau đáu khi xa quê.

Sau miếng thứ nhất, miếng thứ hai, trong khi chị Thủy và một người bạn cũng là dân miền Tây vừa ăn vừa thích thú thì các thành viên khác là người Bắc, người miền Trung tuyên bố bỏ đũa vì "vì cứ như ăn chè có thịt".

Thấy phản ứng của chúng tôi, nhóm miền Tây trong bàn bật cười. Chị Minh bảo, người miệt vườn là vậy. Trong nhà, có gì nấu đó. Món ăn có nước cốt dừa khá nhiều. Ai ăn không quen thì sẽ cảm thấy lạ miệng. Còn những đứa con xa quê, đôi lúc lại thèm tha thiết món ăn có vị beo béo, lờ lợ ấy. Chị trêu, ai không tin có thể tìm một người con miệt vườn để hỏi vấn đề này. Nhưng cần chi phải tìm hay phải hỏi, bởi ánh mắt tỏa sáng của chị Thủy đã đủ minh chứng cho lời chị Minh. Đâu phải chỉ có bánh canh gà nước, không phải chè bột lọc thịt heo quay của Huế cũng là món ăn kết hợp mặn-ngọt và cũng khiến bao người con đất kinh kỳ "nhớ thương" khi đi xa đó sao? 

Huỳnh Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI