Vẽ vì trót yêu hát bội

03/04/2021 - 07:01

PNO - Xem hát bội là nàng thơ, chàng họa sĩ trẻ Phạm Rồng chỉ biết ngưỡng vọng từ xa và… thẹn thùng thể hiện tình yêu ấy qua những bức tranh.

Phạm Rồng, sinh năm 1995, tên thật là Phạm Vương Quý Rồng, hiện đang theo học tại Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM. Anh từng góp mặt trong nhiều dự án vẽ minh họa nổi tiếng như Vietnam Street Cart, Vietnam Little Quarter, Kỷ niệm 60 năm Honda có mặt ở châu Á... Xem hát bội là nàng thơ, chàng họa sĩ trẻ Phạm Rồng chỉ biết ngưỡng vọng từ xa và… thẹn thùng thể hiện tình yêu ấy qua những bức tranh. 

Nguồn cảm hứng từ những nghệ sĩ tận hiến

Yêu vẽ nhưng con đường đến với hội họa của chàng trai trẻ lại lắm gian nan. Trước khi trở thành họa sĩ minh họa và theo học Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM, Phạm Vương Quý Rồng từng là sinh viên Trường đại học Bách khoa, ngành cơ khí. Vì trót yêu hội họa, anh quyết định theo nghiệp vẽ, từ tay ngang trở thành họa sĩ minh họa có tiếng trong giới.

“Lúc tôi quyết định nghỉ Bách khoa để theo vẽ, ngày nào ba tôi cũng càu nhàu rằng không hiểu nổi tôi, sao đang học kỹ sư “ngon lành” tự dưng lại bỏ. Có lần ức quá, tôi ra công viên ngồi khóc. Lúc đó, tôi thấy cuộc đời thật tăm tối dù lời ba nói cũng có lý. Ba tôi bị bệnh tim, má tôi hay ốm vặt. Ba nói cái nghề nghệ sĩ xướng ca vô loài, chưa thấy ai giàu có, sống yên bình từ nó. Đành chịu nhịn nghe ba càu nhàu nhưng tôi vẫn vẽ. Sau một thời gian làm họa sĩ minh họa, tôi tích góp được một chút và theo học trường vẽ”, anh kể.

Rồi một lần tham gia dự án Vẽ về hát bội nổi tiếng năm 2018, tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bộ môn hát bội, của những nghệ sĩ tận hiến trên sân khấu, nghe những tràng vỗ tay đầy xúc động của khán giả khi một trích đoạn tuồng kết thúc, Phạm Rồng nghĩ, duyên đã đến rồi.

Trước đó, những tháng ngày thơ ấu, cậu bé Phạm Rồng rất ghét hát bội. Với Rồng, đó là những đoạn hát ồn ào rùng rợn. Những khuôn mặt tô vẽ kỳ dị, nhăn nhó, những điệu bộ ước lệ khó hiểu. Mỗi lần ba bật hát bội trên ti vi là cậu phụng phịu, nằng nặc đòi đổi sang kênh khác.

"Năm 2018, khi thấy bạn bè vẽ về hát bội, tôi ham vui vẽ theo. Lần hồi, khi bắt đầu tìm hiểu, tôi thấy sao hát bội đẹp quá và bị bộ môn này mê hoặc từ lúc nào không biết. Từ phục trang, trang điểm đến diễn xuất, các trích đoạn… cứ tìm hiểu đến đâu, tôi mê đắm đến đó. Đến khi trò chuyện cùng các nghệ sĩ, hiểu rõ hơn đời sống sau cánh gà của họ, tôi thật sự “đổ”, anh chia sẻ.

Theo Phạm Rồng, ngoài cơ duyên từ bộ môn vẽ, chính sự tương phản của ánh đèn sân khấu và bóng tối sau cánh gà của bộ  môn này khiến anh thêm trân quý những gì thuộc về hát bội. Trên sân khấu, nghệ sĩ lộng lẫy với những bộ xiêm y rực rỡ trong vai ông hoàng bà chúa, xa hoa phù phiếm. Sau cánh gà, họ trở về với nặng gánh mưu sinh và cơ cực hơn bao người. Sự tương phản đó không chỉ giúp anh hiểu hơn ngọn lửa yêu nghề luôn cháy bỏng trong tim nghệ sĩ mà còn nể phục họ hơn. Nhìn những con người đầy đam mê cật lực lao động, quên mình cống hiến cho công việc yêu thích, Phạm Rồng quyết định vẽ về hát bội, vẽ về những nét đẹp không thể tả bằng lời.

Trên sân khấu, nghệ sĩ lộng lẫy với những bộ xiêm y rực rỡ trong vai ông hoàng bà chúa, xa hoa phù phiếm. Sau cánh gà, họ trở về đúng con người họ, nặng gánh mưu sinh và cơ cực hơn bao người. Phạm Rồng quyết định vẽ về hát bội, vẽ về những nét đẹp không thể tả bằng lời.

Được thầy giới thiệu, Phạm Rồng tìm đến Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định để quan sát và ghi chép về đời sống nghệ sĩ nơi đây. Ban đầu, anh bị giám đốc nhà hát từ chối vì sợ làm phiền đến đoàn. May mắn, sau khi thưa chuyện với trưởng đoàn, anh được phép vào ngồi một góc để “dạo chơi” cùng hát bội. "Có người ngồi nhẩm tuồng, có người quên thoại, có người diễn chưa ra nét bị đạo diễn nhắc... Sống cùng không khí ấy, ai mà không yêu không thương cho được. Thế rồi tôi bắt đầu vẽ…”, anh tâm sự. 
Hơn 60 bức tranh là thành quả sau hơn một tháng chàng họa sĩ trẻ  ăn dầm nằm dề ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định, nguyên là Nhà hát Tuồng cổ Đào Tấn. Bên cạnh đó, là những bức ký họa khi quan sát Đoàn nghệ thuật hát bội TP.HCM. 

Lần hẹn hò đầu tiên với… Hồ Nguyệt Cô 

Hát bội trong tranh Phạm Rồng được thể hiện bằng sự đa dạng của chất liệu. Ngoài chì, màu nước, anh còn thử nghiệm với chất liệu màu poster, acrylic, mực tàu, than, bút brush, chì màu, digital và xé dán giấy. Anh cho biết ngoài tư  liệu trên sách báo, phim ảnh thì các cuộc trò chuyện với những nghệ sĩ hát bội giúp anh rất nhiều ở dự án lần này.

“Vài lần xem tuồng ở TP.HCM, đoàn của NSƯT Hữu Danh, tôi chỉ dám lui tới hậu trường xin chụp hình để làm tư liệu cho bài vở trên trường. Lần đó ở Bình Định, tôi thật sự ấn tượng với một nữ nghệ sĩ nọ và nhanh chóng ký họa chị. Vẽ tặng xong chưa kịp hỏi tên thì chị ấy đã đi mất. Tôi tiếc khi không biết tên chị ấy nhưng hóa thân tài tình, xuất thần của chị trên sân khấu thì tôi không thể nào quên. Có một điểm chung giữa chị và tôi: cả hai đều đi kiếm tìm cái đẹp”, anh kể.

Hiện tại, vì trót yêu hát bội, Phạm Rồng đang ấp ủ kế hoạch đưa hát bội lên tranh sơn mài. Anh muốn được lang thang cùng một đoàn hát bội như trong phim Đoạn trường vinh hoa để cùng ăn, cùng sống với hát bội. 

“Đối với tôi, hát bội như nàng thơ đẹp và cao sang. Ta chỉ có thể ngắm nàng từ xa, tìm hiểu về nàng và ngưỡng vọng chứ nào dám tơ tưởng. Ta mê nàng không chỉ vì vẻ đẹp mà còn vì nàng rất bí ẩn. Cảm giác chưa hẳn là yêu nhưng có chút gì đó hứng thú và ngưỡng mộ. Hồ Nguyệt Cô hóa cáo là trích đoạn khiến tôi ấn tượng vì lần đầu tiên được xem tận mắt, dưới góc nhìn nghiêm túc và cởi mở nhất. Lần “hẹn hò” đầu tiên của mình và nàng như thế đấy”, anh thổ lộ.

Nghệ sĩ tuồng rực rỡ, phóng khoáng, đầy lửa nhưng đơn độc giữa hào quang sân khấu. Thế nhưng trên tranh của Phạm Rồng, dường như họ quên đi nỗi lo của cuộc sống thực tại, để chỉ sống trọn với vai diễn, hết mình với khán giả. 

hát bội
 

Với Phạm Rồng, hát bội là một rương báu chứa đựng biết bao ngọc ngà và cả những bí mật, được truyền từ bao thế hệ. Đi qua năm tháng, rương báu ấy đã “rơi rớt” dần sự phổ biến, sự đầu tư phục trang, về đất diễn và cả về người xem. Việc của anh bây giờ là tìm tòi, nhặt nhạnh những mảnh ghép hoàng kim để trả về  chiếc  rương báu ấy.

“Hát bội không chỉ là cảm hứng mà còn là lựa chọn để mình cống hiến và sống có trách nhiệm với nó. Tôi nghĩ sẽ khó để hát bội tìm lại được thời vàng son nhưng cũng rất mừng khi ngày càng có nhiều người tìm về những giá trị cổ truyền, đặc biệt là người trẻ”, Phạm Rồng chia sẻ.

Tấn Đồng

 

 

 
 
 
 
 
 
 
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI