Văn hóa tặng sách dịp tết: Giá trị cần gìn giữ

04/02/2021 - 18:10

PNO - Trong những giỏ quà tết cho nhau, sẽ ý nghĩa biết bao nếu thấp thoáng giữa bánh mứt, phong bao đỏ, còn có những cuốn sách gửi tặng cho gia chủ và các cháu nhỏ…

Một buổi chiều tháng Chạp, nhà văn Lê Văn Nghĩa bồi hồi nhắc lại những cái tết của tuổi thơ xưa. Một trong những nỗi nhớ không phai trong ký ức ông là hình ảnh ba ông, cứ đến ngày tết là “phải ra sạp mua mấy tờ báo tết về đọc”. Việc đọc sách báo ngày xuân như một thú vui, thói quen của gia đình nhà văn. Năm tháng ấy, ông vẫn còn là một đứa trẻ chỉ biết háo hức với quần áo mới, thức ăn ngon. Nhưng những hình ảnh vàng son quý giá về cụ thân sinh mãi mãi lưu dấu trong ký ức nhà văn như một nét đẹp, giá trị văn hóa của một thời. 

“Trong không khí mùa xuân êm dịu, ngồi dưới khung cửa sổ tĩnh lặng, ngắm cành mai nở nhụy ngát hương, nhấp chén trà thơm nồng ấm vị… Bồng bềnh giữa cõi thực hư đó, được nhâm nhi, nghiền ngẫm quyển sách mình tâm đắc thì thật hạnh phúc biết bao. Sách ẩn náu lý tưởng trong chuỗi ngày tĩnh lặng” - thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín, giảng viên Trường đại học Tôn Đức Thắng, tâm tình. Năm nào anh cũng có quà sách/báo xuân cho người thân, bạn bè, cháu nhỏ ở nhà.

“Lì xì” sách Tết cho các em nhỏ cũng là cách gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa trong năm mới
“Lì xì” sách Tết cho các em nhỏ cũng là cách gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa trong năm mới

“Có một vị sư thầy đã nói với tôi rằng, trong các quà tặng dịp tết, có lẽ sách là món quà cao cấp nhất, vì thể hiện tính tri thức. Nó khiến người được tặng cảm giác là người am hiểu, thích tìm tòi tri thức của nhân loại. Đối với các cháu nhỏ, thường khi tặng, tôi sẽ nói thêm về sự phong phú của nội dung sách để các cháu có thêm thông tin, và cũng hy vọng tạo được thói quen yêu thích đọc sách cho các cháu” - thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín chia sẻ. Anh cũng là người viết thư pháp “tặng chữ” đầu năm cho các thi nhân. 

Vài năm trở lại đây, nhiều người đã nói đến “sự hồi sinh” của phong tục tặng sách ngày tết, cùng gửi gắm kỳ vọng rằng những nét đẹp văn hóa ấy cần được giữ gìn, phát huy, truyền tải những thông điệp quý giá về văn hóa đọc. Các nhà làm sách cũng đã chú ý đầu tư làm sách đẹp, từ hộp gỗ đến thiết kế bìa sách, dàn trang, minh họa đều rất bắt mắt; hoặc tạo ra những “combo” sách tết ấn tượng hướng đến nhiều đối tượng độc giả. 

Năm 2020, các đơn vị làm sách đều phải “gồng mình” qua đại dịch, nhưng vẫn nỗ lực - để những tác phẩm mới, chất lượng vẫn tuần tự được lên kệ. Mùa tết này, không thiếu những tựa sách hay, đẹp để người người làm “quà sách cho nhau”.

Sạp báo Xuân Tân Sửu 2021 tại Đường sách TPHCM thu hút bạn đọc những ngày cuối năm
Sạp báo Xuân Tân Sửu 2021 tại Đường sách TPHCM thu hút bạn đọc những ngày cuối năm

“Cá nhân tôi không chỉ đợi đến tết mới tặng sách, mà trong năm, bất cứ lúc nào thấy được sách hay, phù hợp, tôi đều mua tặng bạn bè, con cháu trong nhà. Tôi thấy mừng là nhiều bạn trẻ cũng bắt đầu có thói quen tặng sách cho nhau trong những dịp đặc biệt: ngày lễ tình nhân, 8/3, hoặc mua sách tặng thầy cô dịp 20/11. Việc tặng sách ngày tết lại càng nên phát huy. Điều đó rất ý nghĩa, rất đáng trân trọng” - ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường Sách TP.HCM, chia sẻ. 

Một cuốn sách hay đôi khi được người nhận lưu giữ mãi ký ức/ấn tượng/giá trị đến về sau. Có những cuốn sách góp phần làm thay đổi nhận thức, lựa chọn của người đọc. 

Tết là dịp đoàn viên, sum họp. Không phải ai cũng có thể thư nhàn thưởng trà đọc sách, hay chấp nhận “đổi” thời gian vui chơi với gia đình, bạn bè để ngồi nhâm nhi một quyển sách hay. Nhưng tặng quà sách tết cho nhau, là trao đi và cùng gìn giữ một nét đẹp văn hóa ngày tết. Quà sách tết - cũng như những ấn bản sách in vào dịp tết đang góp phần mang những giá trị cũ trở lại, nói như nhà văn Lê Văn Nghĩa, là cùng “phục hưng phong tục tặng sách ngày xuân”. Một cuốn sách hay trên giá sách là một người bạn, dù quay lưng lại nhưng vẫn là bạn tốt - người xưa đã từng có lời như vậy. 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI