Vải thiều đâu chỉ có một loại

26/06/2016 - 18:17

PNO - Không ít người tiêu dùng băn khoăn khi mỗi lần mua vải thiều lại thấy chất lượng khác nhau; có khi gặp trái vải to, mọng, thân thuôn dài, hạt to, nhiều nước nhưng lại không thơm, ngọt, thậm chí còn hơi chua.

Có khi lại mua những chùm vải trái nhỏ hơn, nhưng tròn, vỏ màu sậm, hơi sần sùi, lớp cơm trắng, mọng nước, hạt nhỏ, nhiều trái hạt nhỏ đến mức gần như không có hạt, loại vải này giữ được vị thơm sau khi ăn. Theo lý giải của chính những người trồng, ngoài giống thì vải ở mỗi vùng đất khác nhau có chất lượng khác nhau, vải thiều ngon nhất là vải Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang).

Ông Nguyễn Anh Cương, Phó chủ tịch tỉnh Hải Dương cho biết, vải được trồng tại một số huyện của Hải Dương, Hưng Yên (tỉnh Hải Hưng trước đây) nhưng vùng vải ngon nhất từ trước đến nay là vải thiều huyện Thanh Hà; trước đây, giống vải nà y thường dùng để tiến vua. Còn theo ông Dương Văn Thái, Phó chủ tịch tỉnh Bắc Giang thì dù diện tích lớn nhưng tại địa phương này vải thiều huyện Lục Ngạn, đặc biệt tại thị trấn Chũ là có chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên, khi ra thị trường, vải thiều Thanh Hà hay Lục Ngạn đang được bán đại trà như vải từ những địa phương khác. “Ra chợ đầu mối Thủ Đức, vải xếp từng thùng, chẳng có thông tin nguồn gốc, chẳng thể phân biệt vải của địa phương nào”, ông Thái thừa nhận.

Vai thieu dau chi co mot loai
Nhiều năm xuất hiện trong các siêu thị nhưng vải thiều không có được những dấu hiệu nhận dạng như thế này

Theo một số doanh nghiệp tại Bắc Giang và Hải Dương, giá vải thiều tại thị trấn Chũ và Thanh Hà cao hơn những vùng khác từ 5.000-15.000đ/ kg. Với những vườn vải được chăm sóc, thu hoạch theo tiêu chuẩn GAP giá còn cao hơn. Nhưng tại TP.HCM, giá vải thiều chỉ chênh lệch đầu vụ (đầu vụ giống vải chín sớm, người trồng quen gọi là vải lai, dù chất lượng không ngon, do có vị chua, không ngọt thơm, nhưng lượng ít nên giá có khi lên đến 60.000-70.000đ/kg) cuối vụ chứ chưa được bán theo chủng loại.

Hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 400 tấn vải thiều, có ngày cao điểm lúc thu hoạch chính vụ có thể lên đến 1.000 tấn/ngày, song theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó giám đốc Ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức, khó có thể biết được vải từ Hải Dương, Bắc Giang hay địa phương nào đưa về chợ. Đã nhiều năm đưa vải vào thị trường TP.HCM tiêu thụ, nhưng các nhà vườn và đầu mối tiêu thụ vẫn chưa hình thành được chuỗi liên kết để có được sản phẩm chất lượng được quản lý tận nguồn.

Sở Công thương Bắc Giang cho biết thêm, vụ vải năm nay tại huyện Lục Ngạn có khoảng 200 hộ trồng theo tiêu chuẩn VietGap được cấp 15 mã vùng với chất lượng đặc biệt. Suốt quá trình trồng, chăm sóc đều được cơ quan chức năng giám sát nghiêm ngặt; tuy nhiên toàn bộ hơn 1.000 tấn vải thiều chất lượng cao từ những hộ này chỉ để phục vụ xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU… còn tiêu thụ trong nước chủ yếu vẫn là hàng đại trà.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, khi còn làm chủ tịch HĐQT tại Saigon Co.op ông đã nhận ra sự khác biệt trong chất lượng trái vải giữa các vùng. Người dân TP.HCM sẵn sàng bỏ ra 70.000-100.000đ (mức giá gấp đôi, gấp ba giá chợ) để mua được đúng loại vải thiều chất lượng tốt, có chỉ dẫn nguồn gốc rõ ràng. Thế nhưng bao nhiêu năm qua, trái vải bán vào siêu thị chẳng khác gì trái vải bán ở vệ đường hay trong chợ.

Ông Hòa cho rằng, nếu loại trái cây này không được phân loại, đóng gói và có các dấu hiệu nhận diện sẽ khó thúc đẩy người trồng nâng cao chất lượng theo các tiêu chuẩn an toàn, sạch. Theo ông Nguyễn Hữu Toàn, phụ trách thu mua ngành hàng thực phẩm của Saigon Co.op, vải là sản phẩm nhanh biến đổi chất lượng, nhưng các vùng trồng chưa chú trọng đến việc bao gói, toàn bộ vẫn bán như hàng xá. “Siêu thị không thể đóng gói, dán nhãn mà vải thu hoạch ở vùng nào nên dán nhãn ở vùng đó sẽ hợp lý hơn”, ông Toàn cho hay.

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI