Ứng dụng phân loại rác tại nguồn trên điện thoại thông minh: Hãy vì một Việt Nam xanh!

23/02/2019 - 14:00

PNO - Tháng 11/2018, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị (Citenco) với các đơn vị liên quan đã tổ chức giới thiệu phần mềm mGreen, một ứng dụng công nghệ thông tin để phân loại rác tại nguồn đến người dân thành phố.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ hơn 2.000 hộ dân tham gia ứng dụng phần mềm đầy thông minh và tiện ích này. Bà Trần Thị Thoa - Giám đốc điều hành Doanh nghiệp xã hội mGreen - đã chia sẻ với Báo Phụ Nữ những trăn trở của việc đưa ứng dụng đến với mọi nhà.

Phóng viên: Thưa bà, xin bà giới thiệu sơ nét về các ứng dụng phân loại rác tại nguồn hiện đang vận hành?

Ung dung phan loai rac tai nguon tren dien thoai thong minh: Hay vi mot Viet Nam xanh!

Bà Trần Thị Thoa: mGreen là ứng dụng phân loại thu gom rác tái chế được tích điểm tặng quà, còn ứng dụng của Sở Tài nguyên và Môi trường là ứng dụng phân loại chất thải rắn tại nguồn mang tính chất tuyên truyền các quy định nhiều hơn. mGreen đặt trụ sở tại Hà Nội và đã triển khai ở Hà Nội từ tháng 3/2018 tại chín tòa chung cư ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy. Sau khi nhận được các thông tin về sự quyết liệt triển khai phân loại rác tại nguồn và ủng hộ ứng dụng công nghệ thông tin trong phân loại rác của chính quyền TP.Hồ Chí Minh chúng tôi mới “Nam tiến”, từ đó, luôn có sự đồng hành của Citenco.

* Trong triển khai, mGreen tại TP.HCM có khó khăn gì?

- mGreen là dự án xã hội, phi lợi nhuận nên cần vận động kinh phí, vốn xã hội hóa để triển khai. Kinh phí tài trợ để mua phương tiện cho cư dân: (sọt, túi đựng rác), cung cấp phương tiện cho người thu gom rác tái chế: (xe đẩy, cân tay, đồng phục, hỗ trợ lương giai đoạn đầu) và để tặng quà đổi điểm phân loại rác cho cư dân… Rất may là trong việc vận hành dự án tại TP.HCM, chúng tôi đã được sự hỗ trợ nhiệt tình của Công ty Môi trường đô thị TP.HCM và nhiều doanh nghiệp khác. Có thể nói, quyết tâm của lãnh đạo ngành tài nguyên và môi trường thành phố đã tạo cơ hội cho mGreen vận hành.

* Để cho một khu dân cư, một chung cư tham gia cùng mGreen, cần chuẩn bị  những gì?

- Điều chúng tôi cần nhất là kinh phí triển khai. Kinh phí đó chi trả cho người thu gom và những phần quà trao đổi với các hộ dân tham gia dự án. Bên cạnh đó, cần tuyển dụng người thu gom, kết nối hợp tác các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác tái chế; kết nối hợp tác các đơn vị ưu đãi đổi quà cho cư dân; xin phép Ban quản trị, Ban quản lý tòa nhà chung cư cho triển khai.

 Với sự đồng tình của khu dân cư, chúng tôi sẽ cung cấp hệ thống kỹ thuật: App mGreen (cho hộ dân) và App mGreen Collector (cho người thu gom). Và như thế, dân có rác thải loại gì, cần lấy lúc mấy giờ, địa chỉ… sẽ có người đến thu nhận, giúp các cư dân tích điểm, sau đó đủ điểm đổi quà, vừa bảo vệ môi trường, vừa vui vẻ nhận thưởng.

* Thao tác để cài ứng dụng có khó không? Đơn vị có lực lượng hướng dẫn các hộ dân chưa? mGreen đã làm những đâu?

- Thao tác tải ứng dụng mGreen vô cùng đơn giản: chỉ cần tải mGreen  - thu gom rác trên smartphone tại chợ ứng dụng App Store hoặc Google Play.  Hiện chúng tôi đã làm ở chung cư Citihome của khu dân cư Kiến Á quận 2, chung cư Oriental Plaza - 685 Âu Cơ, Tân phú, Trường tiểu học Vinschool Central Park và các địa điểm khác kết hợp với Citenco ở quận Tân Phú.

Tuy nhiên, những cư dân ở địa chỉ khác, không thuộc các tòa nhà chung cư trên App có nhu cầu tham gia chương trình, chỉ cần nhắn tin trên App mGreen là có nhân viên mGreen thăm và mời gọi cùng tham gia dự án.

 Hiện đã có hơn 2.000 hộ dân tham gia ứng dụng. Trong đó, 80% sử dụng thường xuyên. Kết quả bước đầu là 4 tấn rác tái chế thu được trong năm qua: 65% giấy, 12% nhựa - ni-lông, 9% kim loại, 14% các loại khác (không thể/chưa có công nghệ tái chế: rác điện tử, bao bì, ni-lông dơ...).

Ung dung phan loai rac tai nguon tren dien thoai thong minh: Hay vi mot Viet Nam xanh!

* Hướng tới, làm thế nào để phát triển ứng dụng này? Ngoài ứng dụng này, đơn vị dự kiến sẽ có biện pháp gì giúp người dân tích cực hơn, chủ động hơn và được phối hợp tốt hơn để tham gia phân loại rác tại nguồn?

- Công việc sắp tới của chúng tôi là hoàn thiện củng cố hệ thống kỹ thuật và vận hành tốt tại các dự án hiện tại. Liên kết với Hiệp hội Bất động sản đề xuất chủ đầu tư làm tòa nhà của họ, hỗ trợ kinh phí. Liên hệ, hợp tác với các tập đoàn hàng tiêu dùng nhanh, đồ gia dụng, nước giải khát, thực phẩm... để hỗ trợ quà tặng và thực hiện trách nhiệm cộng đồng cũng như bảo vệ môi trường của họ.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ liên kết với Hiệp hội Vệ sinh công nghiệp (housekeeping), tuyển dụng mạng lưới thu gom toàn quốc. Thử nghiệm chuyển giao công nghệ cho các đơn vị thu gom rác tái chế, rác sinh hoạt. Phát triển mô hình trên toàn TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành khác.

* Ngoài ứng dụng này, đơn vị dự kiến sẽ có biện pháp gì giúp người dân tích cực hơn, chủ động hơn và được phối hợp tốt hơn để tham gia phân loại rác tại nguồn?

- Đây là ứng dụng 4.0 nên cốt lõi cần tối ưu chức năng của ứng dụng, sau đó để tăng hiệu quả tuyên truyền cần sự chung tay của các cấp chính quyền địa phương, toàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan báo chí truyền thông đẩy mạnh thông tin về ứng dụng 4.0 trong việc phân loại rác tại nguồn để bảo vệ môi trường.

Tinh Châu (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI