Tử tế với Sa Cần - tử tế với môi trường

21/12/2019 - 13:27

PNO - Phóng sự Tử tế với Sa Cần của Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi vừa được trao huy chương vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 39.

Giải thưởng vinh danh những người làm nghề, nhưng trên hết là sự lan tỏa của một dự án cộng đồng được khởi xướng từ cá nhân: anh Huỳnh Văn Thương - hiện công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi. 

"Cứu con sông quê hương"

Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre…” - dòng sông mà nhà thơ Tế Hanh từng miêu tả trong bài thơ Nhớ con sông quê hương chính là sông Trà Bồng (Quảng Ngãi). Bài thơ được sáng tác vào năm 1956. Còn bây giờ, con sông ấy đang được chính quyền và bà con huyện Bình Sơn cùng chuẩn bị… ra quân dọn rác từ thượng nguồn. Đây là giai đoạn tiếp theo của dự án “Tử tế với Sa Cần” - dự án cộng đồng được anh Huỳnh Văn Thương phát động từ đầu năm 2019. 

Tu te voi Sa Can -  tu te voi moi truong
Anh Huỳnh Văn Thương - người phát động dự án “Tử tế với Sa Cần”

“Đầu năm 2019, tôi trở về quê và quá sửng sốt. Biển quê mình đẹp thế này mà phải đón nhận một lượng rác khủng khiếp như vậy. Nếu không hành động thì biển quê mình sẽ chết mất” là lời bộc bạch của anh Thương ngay từ đầu đoạn phim phóng sự. Nơi anh nhắc đến là cửa biển Sa Cần (hạ nguồn sông Trà Bồng, thuộc thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Quả thật, rác ở đây chất thành từng lớp, trầm tích.

Người dân vẫn ngày ngày vô tư đổ rác ra biển. Ông Nguyễn Thanh Diệp, người thôn Hải Ninh nói vui: “Tôi làm mấy câu thơ: Bãi biển quê tôi đẹp quá trời/ Chiều chiều các cháu chạy ra chơi… Vậy mà bị “chửi” quá, bạn bè nói tôi làm thơ bôi bác quê hương mình”. Đó là vì, bãi biển Sa Cần trên thực tế rác chìm sâu cả mét, không có lối đi, dơ bẩn và đầy miểng chai. Làm gì có chuyện “các cháu chạy ra chơi” được. 

Khi Huỳnh Văn Thương phát động dự án “Tử tế với Sa Cần” trên mạng xã hội, các thành viên ở khắp mọi nơi, nhiều lĩnh vực, ngành nghề cùng tham gia. Đợt “ra quân đầu tiên” với số lượng người ít ỏi không thể dọn nổi số rác khổng lồ trên bãi biển, anh Thương tiếp tục lên Facebook vận động xe cơ giới dọn rác. Vậy là có ngay Mạnh Thường Quân thuê xe cơ giới. Lãnh đạo, đoàn thanh niên địa phương bắt tay làm và tiếp tục vận động người dân.

“Với người dân, rác là chuyện lớn. Dân nghĩ đó là việc của chính quyền. Chúng tôi cũng không kêu gọi theo kiểu hô hào, mà làm trước để người dân thấy họ nhận lại được những gì, để mỗi người dần dần hiểu được họ cũng có một phần trách nhiệm trong việc gìn giữ môi trường sống. Là giữ cho chính gia đình, con cháu họ sau này” - anh Thương chia sẻ. 

Các thành viên dự án mỗi người một tay, người tặng thùng rác, giỏ nhựa, người in tài liệu miễn phí… Toàn bộ quà dành tặng cho bốn trăm hộ dân nằm trong vùng dự án. “Mời toàn thể bà con thôn Hải Ninh, đúng 14g30 ngày 28/8/2019 tập trung về bãi biển Sa Cần. Ra quân dọn dẹp vệ sinh bãi biển, đồng thời nhận quà tặng từ dự án gồm: một thùng nhựa mini, một giỏ đi chợ…” - một trong những lời kêu gọi của dự án trên mạng xã hội.

Tu te voi Sa Can -  tu te voi moi truong
Người dân dọn rác ở bãi biển Sa Cần (ảnh chụp từ phóng sự Tử tế với Sa Cần)

Lần đầu dọn rác, nhiều người “ghê tay”, cũng có người từ chối không tham gia, có người tự vấn vì sao chỗ mình ở mình không dọn mà để người các nơi khác đến làm. Cứ thế, tinh thần tự nguyện được lan truyền trong cộng đồng. Giá trị thật lan tỏa, khi núi rác trên bãi biển vơi đi, rồi sạch dần, người dân mới thấm thía họ là người được hưởng lợi nhiều nhất. 

Khi phóng sự “Tử tế với Sa Cần” được vinh danh tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 39, thì bãi biển Sa Cần đã hoàn toàn sạch đẹp. 100% người dân không còn đem rác ra biển. Rác trong từng hộ được phân loại, rác hữu cơ dùng để trồng cây hoặc làm thức ăn cho động vật. Mối lo của anh Huỳnh Văn Thương bây giờ lại là nguồn rác từ đại dương dạt vào và từ thượng nguồn sông Trà Bồng đổ xuống. 

Giữ cho đời sau

Ngày 22/12 tới, Huyện Đoàn Bình Sơn sẽ tiếp tục ra quân thực hiện chiến dịch “Tử tế với sông Trà Bồng”. Thông điệp cùng nhau dọn rác, gìn giữ bảo vệ môi trường sẽ được truyền tải đến bà con toàn lưu vực sông Trà Bồng. 

“Trong ký ức tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh một bờ cát dài, trắng sạch và đôi chân mình cứ chạy nhảy tự do trên ấy. Biển là quà tặng vô giá dành cho con người, ngày trở về quê thấy biển ngập rác, bọn trẻ quê biển nhưng không được ra biển đá bóng, bơi lội. Tôi thấy thật xót xa” - anh Huỳnh Văn Thương bùi ngùi. Giờ thì từ người lớn đến trẻ nhỏ ở cửa biển Sa Cần đều đã thay đổi nhận thức.

Trên nhóm cộng đồng “Tử tế với sông Trà Bồng”, anh viết: “Theo thông lệ cuối năm, cứ đến cận tết Nguyên đán là người dân ven biển ở thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh cùng nhau dọn rác biển Sa Cần để đón tết. Năm nay biển rác ít rồi, bà con mình sẽ dọn dẹp nhẹ nhàng hơn. Bãi biển trắng xinh, nở hồng hoa muống biển, hy vọng tết Canh Tý, bà con ta sẽ tha hồ chụp hình trên cát trắng quê hương”.

Tu te voi Sa Can -  tu te voi moi truong
Người dân Cồn Chim sử dụng vật dụng đan lá dừa, thay cho đồ dùng nhựa. Ảnh: T.Q

Nhìn hình ảnh bãi biển ngập ngụa rác thải trước đây và bây giờ trên những thước phim phóng sự, người xem thật sự xúc động. Thiên nhiên ban tặng con người bao điều đẹp đẽ tuyệt vời, nhưng ô nhiễm, nguy hại do con người gây ra thì không ai khác ngoài con người phải dự phần làm sạch môi trường sống. Không chỉ giữ cho mình mà còn cho các thế hệ tiếp nối. 

Trà Bồng trở về “hình ảnh con sông quê mát rượi” như những câu thơ thuở nào. Nhưng vẫn còn rất nhiều dòng sông, bãi biển đang ngập ngụa rác thải. “Nhiều người rất muốn làm nhưng không có ai tuyên truyền, phát động. Tôi nghĩ mình chỉ đang góp một phần nhỏ, trước mắt là làm tốt ở quê hương mình. Còn những nơi khác, tôi tin, đã và sẽ có những người khác đang làm, tiếp tục làm. Dự án này chúng tôi không làm âm thầm, mà mọi thứ đều được phát động, lan tỏa trên mạng xã hội. Nhóm “Tử tế với Sa Cần” hiện có hàng trăm thành viên. Nếu các địa phương khác muốn làm, có thể nhìn vào và xem đây là mẫu số chung để phát triển những dự án chung tay bảo vệ môi trường” - chia sẻ của người phát động dự án “Tử tế với Sa Cần” khi được hỏi rằng, anh có tiếp tục trở thành người truyền cảm hứng bảo vệ môi trường cho các tỉnh, thành khác trong cả nước? 

“Bảo vệ môi trường sống cho mình, chứ cho ai" 

Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

Một ngày tôi về thăm, ngỡ ngàng trước không gian đồng quê xinh đẹp, sạch sẽ và tuyệt đối không có rác thải nhựa. Ngôi nhà của cô Ba Sữa (Phạm Thị Sữa, 60 tuổi) - một trong những hộ dân đầu tiên về sinh sống thuở cồn Chim còn chưa có điện - hiện vẫn là nhà mái lá, nền đất. Nhưng mọi thứ ngăn nắp, tinh tươm, gian bếp cô dùng các vật dụng đan bằng tre, lá dừa… Tất cả đều được tận dụng từ nguyên liệu tự nhiên.

Trên cồn đất nhỏ này nơi nào cũng sạch, không rác thải, các hộ dân nơi đây đều có chung ý thức gìn giữ môi trường. Cô Ba Sữa nói: “Bảo vệ môi trường sống cho mình, cho con cháu mình chứ cho ai đâu”. Câu nói giản dị đã ngấm sâu vào suy nghĩ của những người dân nơi này, trẻ nhỏ lớn lên cũng ý thức theo ông bà, cha mẹ. Người dân tự bảo vệ đất bằng cách trồng lúa organic, hết mùa lúa lại đến mùa nuôi tôm. Họ biết, nếu bón phân hóa học trên những cánh đồng thì chính chất hóa học ấy sẽ làm tôm chết. “Con tôm ôm cây lúa” là mô hình phát triển nông nghiệp bền vững ở cồn Chim. 

Chúng tôi ngồi ăn với nhau bữa cơm “Thuận Thiên”, cơm gạo, rau cá, trái cây… Tất cả đều là “bảo vật” vô giá của đất lành. Cảm giác thật yên tâm và ngon lành khi được thưởng thức rau trái không thuốc, lúa không bón phân hóa học, tôm cá không chất bảo quản. Con người được hưởng tất cả những điều đó từ thiên nhiên ban tặng. Vậy nhưng, con người lại là nhân tố chính góp phần hủy hoại môi trường sống của mình, hủy hoại nguồn thực phẩm sạch. 

Một bãi biển không rác, một dòng sông trong xanh, một vùng đất xinh đẹp tất cả tự khắc lan tỏa thông điệp mạnh mẽ nhất về bảo vệ môi trường. Ai cũng muốn tận hưởng một môi trường sống xanh sạch đẹp, nhưng để được vậy, mỗi người đều phải cùng thay đổi nhận thức. Hãy tử tế với môi trường - thông điệp gửi từ Sa Cần, từ sông Trà Bồng hay cồn Chim là lời kêu gọi tha thiết, cũng là lời khẩn cầu cấp bách dành cho mọi vùng đất. 

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI