Trượt đại học là hết đường?

18/03/2014 - 16:10

PNO - PN - Số học sinh tốt nghiệp THPT dự thi vào ĐH thường chiếm khoảng 80% và không ngừng gia tăng, nhưng có đến 70% thí sinh (TS) trong số đó không đạt điểm sàn, ngậm ngùi chia tay giấc mơ vào ĐH. Trượt ĐH có phải đã hết đường học...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chuyện nhỏ!

Lời khuyên của các chuyên gia hướng nghiệp là tùy hoàn cảnh, sức học mà chọn hướng đi, ĐH không phải là lối đi duy nhất ngay thời điểm tốt nghiệp THPT. Thực tế đã chứng minh, con đường dẫn đến thành công không phải là tấm bằng ĐH mà là được làm đúng nghề nghiệp đam mê, chuẩn bị kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp.

Truot dai hoc la het duong?

Ảnh minh họa: Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ thực hành.

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, mỗi năm cả nước có hơn một triệu TS tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ nhưng số đậu chỉ chiếm khoảng 1/5, vậy số TS còn lại ra sao? Đậu ĐH là khởi đầu tốt đẹp cho sự nghiệp của mỗi người học, nhưng trượt ĐH cũng không phải là cùng đường. ThS tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu từng chia sẻ: Nhiều vị phụ huynh cho rằng chỉ có học ĐH con mình mới có tương lai, rồi vô tình tạo áp lực cho con, đặt quá nhiều kỳ vọng vào chuyện thi cử. Việc này đã gây ra cho các em những áp lực nặng nề về tâm lý. Các bậc phụ huynh không nên kỳ vọng ở con mình quá lớn vì như thế là tạo cho các em sức ép.

Nếu không đủ năng lực, các em có thể học trung cấp hay CĐ, hoặc theo học tại các trường đào tạo nghề. Chỉ cần các em có khả năng làm được việc và yêu thích công việc đó thì dù học ở đâu, bậc học nào cũng không là vấn đề. Thực tế cho thấy, rất nhiều người đã tạo dựng sự nghiệp mà không có một tấm bằng nào trong tay, quan trọng là sáng suốt lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân, với nhu cầu nhân lực của xã hội. Nếu xét thấy khả năng không thể bước qua ngưỡng cửa ĐH thì hãy tìm cho mình một nghề phù hợp để tạo lập cuộc sống.

Nhiều lựa chọn

Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM tư vấn: Đối với nam, các em nên chọn những khóa học từ một năm trở lên ở các trường đào tạo về điện công nghiệp và dân dụng, đầu bếp, cơ khí, điện máy, sửa chữa ô tô, thợ hàn, thợ cắt gọt kim loại, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, thiết kế đồ họa, xây dựng, điện tử viễn thông…

Đó là những nghề có nhu cầu tuyển dụng rất cao. Khi lựa chọn những trường này, các em phải chú ý đến vấn đề bằng sẽ do ai cấp? Chương trình học có bảng điểm hay không? Tốt nhất là đến trường có chức năng đào tạo và cấp bằng của sở GD-ĐT hoặc sở LĐ-TB-XH, không nên học ở những trung tâm đào tạo do công ty cấp bằng. Bên cạnh đó, phải quan tâm đến bảng điểm. Một số trường khi học xong chỉ cấp một bảng điểm ghi thời gian học, kết quả thi tốt nghiệp xếp loại mà không ghi chi tiết cấu trúc chương trình học, thời gian học…

Điều này sẽ làm cho nhà tuyển dụng không hiểu các em được học gì về nghề đó, khả năng của các em có đáp ứng được với công việc họ yêu cầu hay không. Quan trọng nhất là trong thời gian đi học, nên cố gắng dành thời gian để học ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Sau khi kết thúc chương trình học, các em vừa có bằng cấp được quốc gia công nhận, bảng điểm chi tiết, kỹ năng làm việc thực hành một cách thành thạo và rất dễ có được việc làm ngay.

Đối với nữ, nên chọn các chương trình trung học nghiệp vụ về kế toán, ngoại ngữ và học thêm các lớp chuyên đề như PR, marketing, nghiệp vụ bán hàng, công nghệ chế biến nông lâm sản, du lịch, dược, nhà hàng khách sạn, thợ may công nghiệp… Các em cũng cần chọn lựa kỹ càng một trường nghề tốt, không nên quá tin những lời quảng cáo, giới thiệu về trường.

Các vấn đề chúng ta cần quan tâm cụ thể là: cơ sở vật chất phục vụ đào tạo có tốt không, trình độ đội ngũ giáo viên, mức độ danh tiếng của trường, văn bằng có thể liên thông được với các bậc học cao hơn hay không, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm là bao nhiêu, đánh giá của cựu học sinh và doanh nghiệp về trường, học phí, học bổng, các hoạt động hỗ trợ sinh viên. Nếu có điều kiện, nên đến tham quan thực tế cơ sở của trường và tìm hiểu đầy đủ các yếu tố trên trước khi nộp đơn xét tuyển.

TS Trần Ái Cầm, Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chỉ ra nhiều hướng đi: Dự báo nhu cầu nhân lực cho thấy xã hội cần nhiều “thợ” lành nghề. Vì vậy, những học sinh học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề hoàn toàn không lo thất nghiệp. Theo nhu cầu thị trường, hễ cái nào cần thì chắc chắn thu nhập sẽ cao.

Nhiều học sinh đi lên từ trung cấp, sau vài năm ra trường đã có thu nhập tính bằng nghìn đô. Các em có thể vừa làm vừa học để nâng cao trình độ khi cần thiết bằng những khóa học liên thông lên ĐH-CĐ. Hiện chúng tôi đang xin phép đào tạo chương trình 9+5 dành để phân luồng học sinh sau khi học xong lớp 9 THCS có thể học thẳng lên CĐ chuyên nghiệp mà không cần phải có bằng tốt nghiệp THPT rồi mới thi vào như trước đây.

Ngoài ra, du học tại chỗ thông qua các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài cũng là lựa chọn mới cho người học. Các phụ huynh và các TS cần tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của các chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài trước khi quyết định đăng ký tham dự. Các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài phải được Bộ GD-ĐT hoặc Bộ LĐ-TB-XH cấp phép, phải tìm hiểu kỹ để tránh tình trạng học xong không được cấp bằng hoặc bằng cấp đã học không được công nhận tại Việt Nam.

 Tiêu Hà - Ân Bảo

NĂM 2014, TRƯỜNG ĐH LẠC HỒNG TUYỂN 2.280 CHỈ TIÊU

Trường ĐH Lạc Hồng (số 10 Huỳnh Văn Nghệ, P.Bửu Long, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vừa công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014. Theo đó, năm nay trường này tuyển 2.280 chỉ tiêu đào tạo hệ ĐH. Chỉ tiêu cụ thể cho các ngành gồm: Dược học - 340 chỉ tiêu - tuyển các khối A, B; Công nghệ thông tin - 160 - A, A1, D1; Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông - 90 - A, A1; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử - 80 - A, A1; Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa - 80 - A, A1; Công nghệ kỹ thuật cơ khí - 80- A, A1; Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng - 90 - A, A1, V; Công nghệ kỹ thuật hóa học - 80 - A, B; Công nghệ thực phẩm - 80- A, B; Công nghệ sinh học - 80 - A, B; Khoa học môi trường - 80 - A, B; Quản trị kinh doanh - 200 - A, A1, D1; Tài chính - Ngân hàng - 80 - A, A1, D1; Kế toán - 160 - A, A1, D1; Kinh tế - 100 - A, A1, D1; Luật kinh tế - 80 - A, A1, D1; Đông phương học - 200 - C, D1; Ngôn ngữ Trung Quốc - 60 - D1, C; Việt Nam học - 60 - C, D1; Ngôn ngữ Anh - 100 - D1.

Truot dai hoc la het duong?Truot dai hoc la het duong?

Truot dai hoc la het duong?Truot dai hoc la het duong?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI