Trường học thích ứng linh hoạt với tình trạng F0 tăng nhanh

06/03/2022 - 16:00

PNO - Số ca nhiễm trong từng lớp cứ không ngừng tăng lên, trường học như đang trong tình cảnh bị “thập diện mai phục”. Vừa dạy vừa chống dịch, đảm bảo an toàn cho thầy và trò chưa bao giờ dễ dàng, bây giờ lại càng khó. Nhưng khó không có nghĩa không làm, mỗi trường, tùy vào hoàn cảnh và điều kiện, xoay xở rồi cũng tìm ra giải pháp tình thế riêng phù hợp.

Hà Nội: Nhiều trường dạy trực tuyến 100%

Cô Văn Quỳnh Giao, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.Hà Nội), cho biết, sau Tết Nguyên đán, học sinh được quay lại học trực tiếp nhưng chỉ trong một tuần, số học sinh cũng như cán bộ, nhân viên nhà trường là F0 tăng lên chóng mặt. Có những lớp học chiếm hơn một nửa là F0, F1. Cán bộ, nhân viên nhà trường cũng có đến 50% là F0. “Mặc dù nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng các tình huống, bao gồm cả việc có thể một giáo viên phải dạy cả trực tiếp lẫn online trong cùng một tiết học, tuy nhiên không tránh khỏi mệt mỏi. Chưa kể đến nỗi lo cho sức khỏe học sinh dù các em được tiêm hai mũi. Sau đó, phụ huynh làm đơn xin học trực tuyến nên nhà trường quyết định chuyển sang học trực tuyến 100% để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên”, cô Văn Quỳnh Giao nói.

Học sinh học trực tiếp tại Trường tiểu học An Hội (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Học sinh học trực tiếp tại Trường tiểu học An Hội (quận Gò Vấp, TPHCM)

Còn thầy Nguyễn Công Sở, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Văn Thiêm (quận Long Biên, TP.Hà Nội), cho biết, trường có khoảng 20% học sinh F0, nếu tính cả F1 thì con số sẽ lên 40%. Không chỉ học sinh mà giáo viên bị lây chéo và thành F0 cũng chiếm 16/60 tổng số giáo viên của trường. Hơn thế, có những lớp học sinh đủ điều kiện đi học trực tiếp thì giáo viên F0 và có những lớp giáo viên đủ điều kiện thì lượng học sinh F0 chiếm hơn một nửa. Việc cầm cự kết hợp dạy trực tuyến và trực tiếp không hiệu quả, áp lực cho cả giáo viên và học sinh nên trường quyết định chuyển học trực tuyến 100% từ cuối tháng Hai. Thầy Sở nói: “Dạy theo một hình thức giúp giáo viên có thể quan sát, quản lý học sinh và dễ dàng thiết kế bài giảng hơn, thay vì dạy “chắp vá” vài em đến lớp, còn hầu hết học online”.

Trong khi đó, tại Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) cũng có 20 lớp có số lượng học sinh F0, F1 chiếm trên 50% nên những lớp này chuyển học trực tuyến hoàn toàn. 

Theo ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì (TP.Hà Nội), với tình hình F0 tăng lên nhanh chóng hiện nay, các trường đều đối diện với việc thiếu giáo viên do lượng giáo viên là F0, F1 rất nhiều và theo quy định phải cách ly đủ thời gian mới được đến trường dạy trực tiếp. Nếu thiếu giáo viên do các thầy cô là F1 thì các trường phải linh hoạt chia ca dạy buổi sáng/chiều, chia khối học so le, có khối học thứ Hai, Tư, Sáu và có khối học Ba, Năm, Bảy để đủ giáo viên dạy trực tiếp. Dù khó khăn nhưng các trường THCS trên địa bàn quận vẫn cố gắng duy trì dạy học trực tiếp với số lượng học sinh đến lớp khác nhau. Tất nhiên cũng có những lớp gần nửa học sinh học trực tuyến do thuộc diện F0, F1. Toàn huyện hiện có 4 trường phải dạy trực tuyến do số lượng F0, F1 quá nhiều.

TPHCM: Nhà trường tìm đủ cách để thích nghi

Với tình hình F0 tăng nhanh, không chỉ phải căng mình duy trì hai hình thức giảng dạy và công tác phòng, chống dịch, nhiều trường tại TPHCM cũng phải dự phòng về nhân sự. Với hơn 100 học sinh đã và đang trở thành F0, hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1 chia sẻ: Học sinh nhiễm bệnh sẽ tuân theo quy trình xử lý, cách ly điều trị tại nhà và học online theo chuyên đề trong thời gian chữa bệnh. Còn với giáo viên là F0, nếu không mệt thì sẽ dạy online, nếu mệt sẽ có đồng nghiệp choàng gánh.

Tuy nhiên, để đảm bảo nhân sự trong thời gian dài, trường luôn chia ra làm hai nhóm, kể cả ban giám hiệu. Ban giám hiệu có bốn người thì hai người sẽ trực chiến các bước trực tiếp, hai người còn lại sẽ lo các khâu vòng ngoài để có lỡ nhiễm vẫn không gây xáo động, có người lo việc tiếp. Trường cũng lập tổ các thầy cô là F0 đã khỏi bệnh, có kinh nghiệm sẽ làm các khâu khoanh vùng, hướng dẫn học sinh nghi nhiễm, dời các F1 sang lớp khác… 

Bảo đảm an toàn để học sinh đến trường

Qua khảo sát thực tế, học sinh rất muốn được đi học trực tiếp. Các em mong được đi học tại trường để được tương tác, được thu nhận kiến thức toàn diện hơn và hiệu quả hơn so với học trực tuyến. Hiện nay, có gia đình vẫn e ngại, chưa yên tâm cho con đi học, đó là một thiệt thòi lớn cho học sinh. Vấn đề quan trọng hiện nay là các biến chủng có khả năng đưa đến các diễn tiến tăng nặng như thế nào? Do đó, nếu gia đình nào chưa cho con đi tiêm ngừa đầy đủ theo đúng hướng dẫn thì cố gắng thực hiện sớm. 

Ở góc độ nào đó, chúng ta cần tin tưởng vào hướng dẫn của ngành y tế và sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề của thầy cô giáo, nhân viên y tế trong trường học. Phụ huynh đừng quá hoang mang, lo lắng khi tình trạng F0 tăng mà hãy tự tin đưa con đến trường và tin vào độ an toàn mà nhà trường mang đến cho các em.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM

Còn thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường quốc tế Hoàng Gia (quận 7) cho hay: Trước xu hướng F0 tăng, trường buộc phải “bật chế độ” thay đổi gần như tất tần tật. Mỗi ngày liên tục xịt khuẩn hai lần. Đối với mầm non, nhà ăn tạm thời được dời về từng lớp học. Tất cả giờ sinh hoạt ngoài trời, ra chơi, vào học - ra về đều bố trí lệch giờ; thời khóa biểu giữa các lớp không đồng nhất để tránh tiếp xúc với nhau trong cùng một không gian. Đối với học sinh tiểu học và trung học cũng điều tiết thời khóa biểu để nhà ăn, khu vui chơi, sinh hoạt chung được giãn cách hợp lý. Về giảng dạy, trường kết hợp trực tiếp trên lớp và trực tuyến để các em F0, F1 gần hoặc chưa đến trường được tham gia các giờ học đầy đủ…

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, thông tin: để đảm bảo quyền lợi học tập xuyên suốt cho học sinh, sở chỉ đạo các trường phải duy trì hai hình thức học trực tiếp và trực tuyến. Trong tình huống cụ thể phù hợp với hình thức giảng dạy nào thì ban chỉ đạo phòng, chống dịch của nhà trường và y tế địa phương sẽ chủ động quyết định tùy theo yếu tố dịch tễ. 

Trao đổi vào chiều 3/3, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, cho biết: Qua khảo sát tại các trường từ mầm non đến THPT và trường quốc tế những ngày qua, hiện các biện pháp phòng, chống dịch được tổ chức khá chặt chẽ, quy trình đúng theo hướng dẫn của ngành y tế, giáo dục và đặt mục tiêu an toàn cho học sinh lên hàng đầu. Dù hiện nay có một số trường tăng ca mắc mới, nhưng số trường hợp chuyển nặng hầu như rất thấp. Bên cạnh đó, phản ứng của các trường khi có trường hợp nghi ngờ khá bài bản, kịp thời. Do đó, phụ huynh hãy tin tưởng đưa con em đến trường. 

306 trường ghi nhận ca nghi nhiễm COVID-19

Trả lời báo chí tại buổi họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM chiều 3/3, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết các biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ lây lan từ trẻ em mắc COVID-19 sang người lớn trong gia đình, nhất là người có nguy cơ cao.

Theo đó, Sở đã hướng dẫn trẻ dưới 12 tuổi khi có triệu chứng, cụ thể là sốt, cần được khám tại cơ sở y tế. Khi đến khám, các em sẽ được tầm soát tất cả liên quan COVID-19. Đối với những hộ gia đình không đủ điều kiện để cách ly trẻ nhiễm bệnh với người có nguy cơ cao, sở có lời khuyên nên cho trẻ nhập viện điều trị. Đồng thời, các cơ sở y tế và trường học đã sẵn sàng triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. 

Liên quan đến chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) - cho hay, ngành y tế đã có kế hoạch chuẩn bị và cơ bản đã hoàn tất. Tất cả trẻ trong độ tuổi này đang sinh sống, học tập trên địa bàn TPHCM đều được tiêm. Dự kiến con số này khoảng 970.000 trẻ.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM bên lề buổi họp báo, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, số ca nghi nhiễm COVID-19 tại trường học trong các tuần qua tăng nhanh. Cụ thể, số ca nghi nhiễm tuần lễ từ 22 đến 28/2 tại các trường là 19.499 ca, gồm 1.471 giáo viên và 18.028 học sinh. Con số này tăng khá cao so với tuần trước đó (14 - 21/2) chỉ ghi nhận 7.505 ca và tuần lễ 7 - 13/2 chỉ có 588 ca. Hiện đã có 306 cơ sở giáo dục ghi nhận ca nghi nhiễm. Số học sinh mắc COVID-19 nhập viện từ ngày 21/2 đến 3/3 là 1.159, chiếm tỷ lệ 0,087% trên tổng số ca nhập viện.

Quốc Ngọc

Đại Minh - Quốc Ngọc - Thanh Thanh

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI