Trường học đối diện khó khăn khi F0 tăng nhanh

28/02/2022 - 14:57

PNO - Không chỉ khó khăn về nguồn tiền mua kit test mà thiếu hút nhân sự cũng đang là vấn đề mà các trường phải đối diện khi cả trò và thầy lần lượt… thành F0.

Nguy cơ thiếu kinh phí 

Trước quy định mới yêu cầu tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu gộp (không quá ba người) cho toàn bộ F1, nhiều trường học lo ngại rằng những khó khăn về kinh phí sẽ kéo đến khi mà các F0 được phát hiện trong trường học ngày một nhiều. 

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM), cho rằng, việc xét nghiệm toàn bộ học sinh khi trong lớp xuất hiện F0 là tốn kém và không hiệu quả. “Chúng ta đặt ra tình huống nếu toàn bộ các lớp trong trường học đều có F0 thì nhà trường phải tổ chức test cho toàn bộ học sinh trong trường, khi đó số kit test phải chuẩn bị lên đến vài ngàn cái. Số tiền mua kit test lúc này có thể lên đến cả trăm triệu đồng nhưng chưa chắc đúng thời điểm ủ bệnh để cho ra kết quả chính xác. Nhưng trường hợp F0 xuất hiện trong trường học không chỉ ngày một ngày hai sẽ hết. Nếu kéo dài, tần suất xét nghiệm thường xuyên thì chỉ tính riêng kinh phí mua kit test đã đội lên con số rất lớn”, thầy Phú cho hay.

 

Các trường lo ngại khó khăn về kinh phí, nhân sự khi F0 trong trường học tăng nhanh (ảnh minh họa)
Các trường lo ngại khó khăn về kinh phí, nhân sự khi F0 trong trường học tăng nhanh (ảnh minh họa)

Theo cô Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức), kể từ khi học sinh đi học lại đến nay, trường mới chỉ có 16 F0 rải rác ở khắp các lớp và chưa có lớp nào phải chuyển sang hình thức học trực tuyến. Do tất cả trường hợp F0 này đều ở nhà nên chưa có lớp nào bị xét nghiệm nhanh cả lớp. Tuy nhiên, mỗi ngày, trường vẫn sử dụng một hộp que test nhanh nên trường luôn dặn dò phụ huynh chủ động xét nghiệm nhanh cho học sinh ở nhà, tránh trường hợp học sinh bị rồi vào trường lây cho các bạn. Hiện, trường cũng chỉ còn hai hộp, nhờ đặt chung với y tế địa phương thì chưa có. Còn nếu trường mua que test nhanh ngoài thị trường chắc chắn giá sẽ cao hơn và kinh phí phòng, chống dịch sẽ bị đội lên cao. 

Đồng quan điểm này, người đứng đầu trường có đến hơn 3.000 học sinh, thầy Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1), chia sẻ: Kinh phí phòng, chống dịch của trường rất cao nhưng rất may mắn là có sự hỗ trợ của phụ huynh và các nhà tài trợ để mua kit test, khử khuẩn… nên trường vẫn còn nguồn để sử dụng khi cần. Hơn nữa, mỗi lớp có sĩ số chỉ từ 30 - 35 em nên khi xuất hiện F0 thì cũng không tốn quá nhiều kit test. Trường cũng đề nghị phụ huynh theo dõi sức khỏe của con tại nhà, khi các em có triệu chứng thì thực hiện xét nghiệm nhanh ngay nên cũng góp phần giảm áp lực cho trường. Hiện, trường đang bàn với ban đại diện cha mẹ học sinh, có thể tiến tới xã hội hóa, vì nguồn phụ huynh hỗ trợ chỉ là nhất thời, không thể lâu dài được. 

Theo thầy Nguyễn Minh, với quy định mới của thành phố, nếu không có cơ chế cụ thể thì chắc chắn sẽ không có trường nào chịu nổi về kinh phí trong thời gian dài.

Bài toán nhân sự nan giải không kém

Không chỉ cần nguồn kinh phí để đi đường dài mà vấn đề nhân sự cũng đang làm khó các trường. Bởi với giáo viên thì nhiệm vụ chống dịch vẫn là… ngoài chuyên môn. 

Hiệu trưởng một trường tiểu học công lập ở Q.Tân Bình dẫn chứng: Khi xuất hiện F0 trong trường học thì cơ sở giáo dục phải thông báo ngay cho trạm y tế cấp xã, xử lý trường hợp F0, xác định và xử lý người tiếp xúc gần F1.

Trong đó, y tế cấp xã hay cơ sở y tế phối hợp với cơ sở giáo dục tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu gộp cho toàn bộ F1, học sinh và giáo viên của lớp có F0. Hiện tại, F0 ngoài cộng đồng có xu hướng tăng mạnh, bên trong các cơ sở giáo dục cũng không ngoại lệ, trường nào cũng phát sinh ca F0. Lực lượng y tế địa phương cũng sẽ quá tải, nhiều khi không đủ nhân lực để hỗ trợ cơ sở giáo dục… Không có sự hỗ trợ của y tế, hiệu trưởng thường kiêm luôn vị trí trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch của trường, phải trực tiếp triển khai mọi công tác, từ khoanh vùng F0, tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu gộp cho học sinh… Đây không thuộc chuyên môn của giáo viên nên chắc chắn sẽ rất khó khăn. Hơn nữa, không phải cơ sở giáo dục nào cũng có nhân viên y tế chuyên trách, nhiều trường chỉ có nhân viên kiêm nhiệm công tác y tế. Do đó, các cơ sở giáo dục sẽ rất khó khăn khi mà nhân lực không đảm bảo.

Thêm một vấn đề nhân sự mà các trường đang lo ngại đó là hiện nay có nhiều nhân viên y tế cũng đang điều trị F0 và số lượng giáo viên trở thành F0 cũng không phải ít. Nếu học sinh bị F0 thì có thể nghỉ học dễ dàng nhưng một giáo viên bị F0 thì có thể ảnh hưởng đến thời khóa biểu nhiều lớp học, nguồn giáo viên để dự phòng thay thế cũng không có nhiều. 

Đó là chưa kể trong tình huống phát sinh F0 trong trường, ban chỉ đạo phòng, chống dịch sẽ kích hoạt quy trình xử lý, có nhiều giáo viên trong ban chỉ đạo phải bỏ lớp đang dạy để thực hiện công tác xử lý F0, khoanh vùng F1, hướng dẫn học sinh, phụ huynh theo dõi sức khỏe… nên những lớp học này buộc phải phân công người quản lý chứ không có giáo viên giảng dạy thay ngay tức thì. Cho nên, nếu giải quyết được vấn đề nhân lực y tế hỗ trợ nhà trường các bước thực hiện theo đúng văn bản của UBND TPHCM đưa ra thì các cơ sở giáo dục sẽ đảm bảo thực hiện các công tác còn lại. Ngược lại thì các trường sẽ rất khó khăn, chật vật trong thời gian tới. 

Phúc Trần

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI