Trường ĐH Lao động Xã hội (cơ sở 2) thu hút nhân tài nhưng nhiều tiến sĩ lại ra đi!

25/08/2017 - 09:51

PNO - Về Trường ĐH Lao động Xã hội chẳng được bao lâu, các TS lại chấp nhận trả lại 50 triệu đồng "thu hút nhân tài" và bồi thường thêm 30-90 triệu đồng tùy vào thời gian công tác để được ra đi.

Trên Báo Phụ Nữ ra ngày 21/8 có đăng bài . Sau bài báo, nhiều tiến sĩ (TS) từng là giảng viên và đang là giảng viên của trường đã cung cấp cho chúng tôi thêm nhiều thông tin liên quan. 

Chuyện là ở Trường ĐH Lao động Xã hội (cơ sở 2 tại TP.HCM) nhiều năm qua có chính sách thu hút nhân tài. Theo đó, những TS dưới 50 tuổi, đáp ứng được yêu cầu chuyên môn trường cần, nếu chấp nhận về trường công tác sẽ được nhận 70 triệu đồng (về sau là 50 triệu đồng) gọi là tiền "thu hút nhân tài". Nhiều TS đã hăm hở đầu quân. 

Thế nhưng về Trường ĐH Lao động Xã hội chẳng được bao lâu, các TS lại chấp nhận trả lại 50 triệu đồng "thu hút nhân tài" và bồi thường thêm 30-90 triệu đồng tùy vào thời gian công tác (theo quy chế Chi tiêu nội bộ của trường) để được ra đi. 

Truong DH Lao dong Xa hoi (co so 2) thu hut nhan tai nhung nhieu tien si lai ra di!
Sinh viên Trường ĐH Lao động Xã hội

Đơn cử như TS H.V.C. chỉ sau 3 tháng về trường đã chấp nhận bồi hoàn 140 triệu đồng (50 triệu đồng tiền thu hút nhân tài và 90 triệu đồng tiền phạt) để được... rũ áo. TS Đ.H.G. (phụ trách Phòng Đào tạo, về sau phụ trách Phòng Quan hệ doanh nghiệp và việc làm) về trường vào tháng 6/2016 và “ra đi” sau chưa đầy một năm công tác. 

Trước đó, nhiều TS có chức vụ nhưng cũng ra đi, như TS N.Đ.H.A. - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, TS T.T.T. - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (lên thay TS Đ.H.A.), TS T.M.H. - nhân viên phòng Đào tạo. Còn ở thời điểm hiện tại, TS N.P.L. - Trưởng bộ môn Tâm lý học - Khoa Công tác xã hội, cũng đang xin được “chia tay”. 

“Đáng nói là những nội dung cam kết sau khi về trường rồi chúng tôi mới biết. Nhưng trong cam kết cũng chỉ ghi phải làm việc ít nhất 5 năm chứ không ghi khoản phải bồi thường. Khoản bồi thường được nhà trường ghi trong quy chế chi tiêu nội bộ.

Và trên thực tế thì mức bồi thường cũng chẳng theo căn cứ nào. Cùng thời gian công tác như nhau nhưng có người phải đền 90 triệu, có người đền 50 triệu, nhưng có người chẳng phải đền đồng nào. Khi thu khoản tiền này họ chỉ ghi phiếu thu...” - một TS cho biết.

TS N.P.L. kể, khi về trường, bà có nghe nói đến khoản tiền 50 triệu đồng được nhận theo chính sách thu hút nhân tài. Cho đến khi có quyết định nhận việc chính thức, bà được phòng tổ chức hành chính gọi nhận tiền, đồng thời yêu cầu viết cam kết có nội dung phải bồi thường 70 triệu đồng nếu ra đi trước hạn. Bị đặt vào tình thế “đã rồi” nên bà đành chấp nhận.

Sau một năm giảng dạy tại trường, đến tháng 4/2017, TS N.P.L. xin chuyển công tác thì được nhà trường thông báo bằng miệng rằng: ngoài hoàn trả 50 triệu đồng tiền "thu hút nhân tài" bà còn phải bồi thường 70 triệu đồng. TS N.P.L. yêu cầu phải cung cấp cho bà thông báo về việc bồi thường bằng văn bản để làm căn cứ, nhưng Trường ĐH Lao động Xã hội không đáp ứng. Do vậy sự việc vẫn tiếp tục nhùng nhằng từ nhiều tháng qua.

Mới nhất, Trường ĐH Lao động Xã hội đã cắt lương của TS N.P.L. nhưng vẫn không chịu giải quyết hồ sơ để bà chuyển công tác. “Tôi trở thành người thất nghiệp vì vừa không được nhận lương nhưng lại cũng không được giải quyết hồ sơ để chuyển trường” - TS N.P.L. nói.

Trong một diễn biến khác, ngày 22/8, trường tổ chức cuộc họp triển khai công tác đầu năm và trong cuộc họp này, ông Bùi Anh Thủy - Phó Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở 2 Trường ĐH Lao động Xã hội, đã dùng cụm từ “hội TS ra đi” của trường và nói rằng: “Ai đó đang muốn phá hủy môi trường sư phạm của chúng ta”.

Ông Thủy cũng diễn giải ý rằng: Một người không thích hợp với tổ chức có thể do tổ chức đó quá quy củ nên không theo kịp, hoặc tổ chức đó không được tốt thì việc “ra đi” là bình thường. 

Ông Thủy nói không sai, không phù hợp thì ra đi là chuyện rất bình thường. Nhưng tại sao quá nhiều TS đều “không phù hợp và phải ra đi” dù trước đó họ háo hức về trường để được cống hiến? Liệu rằng công tác tổ chức, quản lý và dùng người của nhà trường đã phù hợp chưa?

Làm gì để khắc phục tình trạng này (theo chúng tôi nắm được, hiện tại một số TS cũng đang chuẩn bị cho việc chia tay)… mới là những vấn đề cần được mổ xẻ. Các TS cũng đặt vấn đề: căn cứ vào đâu để bắt họ bồi thường đến mấy chục triệu đồng? Với những gì đang diễn ra, liệu Trường ĐH Lao động Xã hội có thực sự muốn thu hút nhân tài? 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI