Trước khi uống say, đừng quên mở app!

12/01/2020 - 17:00

PNO - Nhiều ứng dụng nhanh tay ra mắt dịch vụ “đưa người say về nhà” ngay khi Nghị định phạt nặng những người có nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Nhanh tay “lên app”

Dịch vụ, ứng dụng đưa người say về nhà không còn xa lạ với nhiều quốc gia trên thế giới do chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông rất nặng. Tại Việt Nam, các dịch vụ đưa người say về nhà cũng đã xuất hiện từ vài năm trước. Tuy nhiên, những dịch vụ này thường có quy mô nhỏ, ít được biết đến và sử dụng.

Ngay sau khi Nghị định 100 có hiệu lực và lực lượng Cảnh sát Giao thông ra quân đồng loạt xử lý tình trạng vi phạm nồng độ cồn theo quy định, các ứng dụng, dịch vụ đưa người say về nhà mới “lên ngôi”. Những ngày qua, lượt đặt xe qua app tăng lên rõ rệt. Tần suất gọi xe có vị trí là các nhà hàng, quán nhậu, quán bar, karaoke tăng đột biến. Một số nhà hàng lớn có mật độ gọi xe đạt 30-40 cuốc xe/buổi.

Các ứng dụng chuyên phục vụ người đã uống rượu, bia cũng nở rộ, đầu tư bài bản, quy định rõ ràng hơn. Như nhà phát triển ứng dụng Rada đã nhanh tay ra dịch vụ “Đưa tôi về nhà - tôi say rồi” tích hợp ngay trên ứng dụng này. “Đưa tôi về nhà - tôi say rồi" nằm trong nhóm dịch vụ Cứu hộ giao thông được tích hợp ngay trên ứng dụng Rada. Theo đó, người dùng chỉ cần click và truy cập vào ứng dụng sau khi vừa sử dụng chất cồn. 

Dịch vụ này sẽ đưa người về nhà và đưa phương tiện về bãi đỗ mà vẫn đảm bảo an toàn cho phương tiện và tài sản của khách hàng. Dịch vụ hiện có mức giá 300.000 đồng/lượt (bao gồm cả người và xe) đối với xe máy. Trong khi đó, mức phí đối với ô tô là 500.000 đồng/lượt (bao gồm cả người và xe). 

Không chỉ Rada, những người đã uống rượu, bia có thể chọn sử dụng dịch vụ “Bạn uống tôi lái” của Công ty cổ phần Dịch vụ Bạn uống tôi lái. Theo ông Trần Nhật Trường, Tổng giám đốc công ty Dịch vụ Bạn uống tôi lái, khách hàng thường xuyên của công ty từ khi thành lập năm 2017 đến nay là khoảng 300 người với chu kỳ 1 - 4 lần/tuần.

Để sử dụng, người dùng có thể tải ứng dụng Bạn uống tôi lái từ chợ ứng dụng. Giá dịch vụ sẽ được tính theo giờ công lao động của tài xế, và giá trị cơ bản 1 giờ công là 230.000 đồng (chi phí tối thiểu cho một dịch vụ là 1 giờ). Sau 1 giờ đầu, phí dịch vụ sẽ được cộng dồn theo từng block 15 phút.

Ngoài hai ứng dụng kể trên, trên mạng xã hội cũng xuất hiện một vài nhóm tự phát được lập ra với mục đích kết nối giữa những người có nhu cầu cần tìm tài xế khi đã sử dụng các chất cồn. Các nhóm, cộng đồng này ra đời với mục tiêu kết nối dịch vụ cho người uống rượu cần tìm lái xe và lái xe nhận chở người uống rượu. Theo đó, người có nhu cầu chỉ cần cung cấp thông tin số điện thoại và địa chỉ để tìm người chở hoặc lái xe về.

Điển hình như "Say gọi xế - xế nhận say" là nhóm kết nối giữa người vừa uống rượu bia và tài xế. Theo mô tả của nhóm, đây là mô hình kết nối tương tự như những nhóm tìm người giao hàng: người cần đưa về cung cấp địa chỉ, còn tài xế phải cung cấp số điện thoại và phải có bằng lái xe.

"Nhóm ra đời với mục đích kết nối dịch vụ giữa người uống rượu cần tìm xế chở hoặc lái xe về và ngược lại. Khách uống rượu “nổ” thông tin địa chỉ, số điện thoại; xế nhận bình luận số điện thoại, bằng lái xe. Thông tin kết nối giữa hai bên sẽ được lưu lại trong group để xử lý nếu có phát sinh sự cố trong quá trình vận chuyển phương tiện và hành khách", anh Minh Đức, chủ nhóm, mô tả cách hoạt động.

Tuy nhiên, do nhóm "Say gọi xế" mới lập ra được hơn vài ngày nên các quy định và cách hoạt động vẫn chưa được thống nhất, rõ ràng. Bên cạnh đó, mức phí cho dịch vụ đón và lái xe về cũng chưa được công khai.

Một số công ty chuyên cho thuê xe du lịch cũng bắt đầu đẩy mạnh dịch vụ cho thuê tài xế. Như công ty Con đường Việt, mức giá dịch vụ cho thuê là từ 50.000-85.000 đồng/giờ/tài xế. thường khách hàng sẽ liên hệ với công ty thỏa thuận trước khi đi nhậu và tài xế dựa vào khung giờ để đến đón khách hàng. Trường hợp khách hàng say thì biên bản sẽ được ký dựa trên tên của người đi cùng khách hàng.

Những tài sản có giá trị như ví và điện thoại thường đi kèm người khách, nếu tài sản có giá trị cao buộc phải khai báo trước với công ty. 

Giá dịch vụ tùy thuộc vào khoảng cách mà khách hàng muốn đi và thời điểm khách muốn được đưa về nhà (giờ càng muộn giá càng cao). Theo đó, dịch vụ lái xe cho khách trong tình trạng say rượu với mức giá theo giờ hành chính là 50.000 đồng/giờ. Từ 18g - 22g mức giá là 65.000 đồng/giờ, từ 22g - 7g sáng hôm sau mức giá là 85.000 đồng/giờ. 

Nhà hàng, quán nhậu tham gia đưa người say về nhà

Trước quy định và xử lý vi phạm nghiêm ngặt của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, để giữ khách, gần đây, nhiều nhà hàng, quán nhậu ở TP.HCM cũng tổ chức đưa người say về nhà theo yêu cầu, như là một hình thức khuyến mãi cho khách hàng. Ông Đinh Thành - chủ một quán ăn ở Q.Bình Tân - cho biết, trước những quy định mới cấm người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông, người kinh doanh phải tìm cách đón đầu để không bị sụt giảm doanh thu.

Anh Hoàng Linh, ngụ Q.Thủ Đức, cho biết cuối tuần rồi anh đến một nhà hàng ở P.Tam Bình, Q.Thủ Đức gặp mặt bạn bè. Vui nên uống khá nhiều, khi tàn cuộc anh được nhà hàng bố trí người đưa về, xe gửi lại quán ngày hôm sau đến lấy. Cách phục vụ của nhà hàng này khiến khách rất hài lòng, phí đưa về không đáng kể, chủ yếu lấy tiền xăng xe là chính.

 

Theo chủ nhà hàng này, nhà hàng có hai chiếc xe 7 chỗ và một chiếc xe 4 chỗ để đưa khách say về nhà. Phí gồm tiền xăng cộng tiền công tài xế, dao động từ 100.000 - 200.000 đồng/lần. Nhà hàng có 3 - 5 tài xế túc trực để lái xe đưa khách về nhà; khi nhu cầu khách đông, nhà hàng sẽ huy động các đơn vị đối tác. 

Ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh, cho hay: “Hiện Mai Linh có khoảng 500 chiếc xe 5 chỗ sẵn sàng phục vụ người say với giá thấp hơn 30% giá taxi bình thường. Trong thời gian tới, Mai Linh sẽ kết hợp với các nhà hàng, quán nhậu để triển khai dịch vụ taxi giá rẻ cho người say với phương châm “giá rẻ, an toàn và tiện lợi”. 

Những điều cần lưu ý khi sử dụng dịch vụ đưa người say về nhà

Hàng loạt vấn đề nảy sinh, như lực lượng nào sẽ đưa người say về nhà? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người say có vấn đề về sức khỏe? Người say không nhớ địa chỉ, lúc ấy phải đưa họ về đâu cho an toàn? Hoặc xảy ra cướp rồi thả người say đâu đó hay khách nữ say bị xâm hại tình dục, ai sẽ chịu trách nhiệm, pháp luật quy định gì về việc này…

Hiện các nhóm tài xế, các nhà hàng, quán nhậu tuy triển khai dịch vụ đưa người say về nhà nhưng phần nhiều là tự phát, quy định với tài xế còn lỏng lẻo nên vấn đề đảm bảo an toàn cho khách cũng như tài sản cá nhân của khách vẫn còn nhiều điều phải bàn. Do đó, để bảo vệ chính mình, khi cần sử dụng dịch vụ đưa người say về nhà, trước khi sử dụng bia, rượu, người dùng cần chọn những đơn vị cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, có quy định rõ ràng về trách nhiệm của hai bên, tránh xảy ra mất mát tài sản cũng như đảm bảo bản thân “đi đến nơi, về đến chốn”.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe mô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng. Người điều khiển ô tô sẽ bị phạt từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng nếu nồng độ cồn ở mức cao nhất.

Hoàng Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI