"True mothers": Góc nhìn rung cảm về bi kịch con nuôi

25/07/2021 - 17:35

PNO - Đề tài con nuôi không xa lạ trên màn ảnh nhưng bộ phim "True Mothers" (tác phẩm được điện ảnh Nhật chọn làm đại diện tham dự giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại mùa giải Oscar năm nay) vẫn có nét mới mẻ vì được nữ đạo diễn Naomi Kawase soi chiếu cảm xúc từ cả hai phía: người cho và người nhận.

True Mothers xoay quanh câu chuyện về cặp vợ chồng hiếm muộn Satoko và Kiyokazu nhận con nuôi thông qua Trung tâm Baby Bato - một cơ quan phi lợi nhuận chuyên kết nối những người mẹ mang thai ngoài ý muốn có nhu cầu cho con với những cặp vợ chồng khó có con. Sau sáu năm, mẹ ruột của đứa trẻ quay lại đòi con…

139 phút phim được kể theo lối phi tuyến tính với 1/3 thời lượng là cuộc sống hiện tại hạnh phúc của vợ chồng Satoko - Kiyokazu bên cậu con trai Asato, xen kẽ những cảnh hồi tưởng hành trình chữa trị hiếm muộn và nhận con nuôi. Về sau, phim chuyển hướng qua câu chuyện về cô học trò Hikari từ lúc yêu đương, mang thai ngoài ý muốn, sinh bé Asato, trưởng thành, rời xa gia đình rồi tìm đến nhà Satoko đòi lại con. 

Nếu coi mỗi bộ phim Nhật là nơi để học hỏi văn hóa ứng xử của người Nhật thì True Mothers đem đến những bài học hay về cách giao tiếp giữa vợ - chồng, giữa cha mẹ - con cái và giữa người lớn với người ít tuổi hơn. Trong phim, như bao cặp vợ chồng hiếm muộn khác, Satoko và Kiyokazu cũng thất vọng, buồn tủi, dằn vặt vì khó có con. Thế nhưng, cả hai không bao giờ bộc lộ cảm xúc tiêu cực đó với bạn đời. Họ tế nhị quan tâm đến cảm nhận của vợ/chồng mình. Như trong tình huống Satoko muốn nhận con nuôi nhưng sợ chồng tự ái nên lẳng lặng lên mạng tìm hiểu về Baby Bato. Nào hay chồng cũng đã âm thầm tìm kiếm thông tin này mà giấu vợ vì sợ cô tổn thương.

Với Asato, vợ chồng họ luôn đối xử đầy tế nhị, đầy yêu thương. Khi nghe cô giáo mách bé xô bạn ngã phải vào viện, cả hai không trách mắng con vì tin con mình không làm vậy. Họ đã đúng vì sau đó cô giáo xác nhận Asato không phải là “thủ phạm”.

Giả sử lúc đó cả hai nóng giận với Asato, tổn thương sẽ xuất hiện trong lòng con trẻ, khiến đứa bé càng mặc cảm với thân phận con nuôi. Sự tử tế nơi vợ chồng Satoko - Kiyokazu còn thể hiện ở đoạn họ đáp trả nhẹ nhàng mà cứng cỏi với Hikari khi cô bạo gan tìm đến tận nhà họ đòi con và tống tiền. Về phía Hikari, khi nghe cha mẹ nuôi của con mình tiết lộ họ luôn nhắc nhở Asato nhớ về mẹ đẻ thì đã cảm thấy xấu hổ và rời đi.

Cách hành xử đầy cảm thông của đôi bên khiến bi kịch cho rồi đòi con được hóa giải thật nhẹ nhàng. Cuối phim, nhìn những giọt nước mắt của Satoko và Hikari khi Satoko dẫn Asato đến trước mặt Hikari, nói: “Asato, đây là mẹ ruột của con”, người xem cảm thấy nhẹ lòng với một cái kết có hậu cho cả hai người mẹ.

Trailer phim True Mothers:

 

 

Đạo diễn Naomi Kawase dùng máy quay cầm tay cho phần lớn các cảnh để tạo hiệu ứng chân thật như một bộ phim tài liệu. Trong phim, hình ảnh ánh sáng mặt trời và cảnh biển xuất hiện khá nhiều như một ngụ ý về sự ấm áp và bao la của tình mẫu tử. Những người mẹ đích thực (như tựa phim) không chỉ là Satoko - người đã nuôi dạy bé Asato - hay Hikari - người mang nặng đẻ đau Asato - mà còn là Asami - Giám đốc của Baby Bato, người đã cưu mang Hikari và nhiều cô gái lầm lỡ khác. 

Satoko đã nuôi dưỡng Asato bằng tình yêu thương của một người mẹ nuôi và mẹ đẻ cộng lại. Hikari vẫn luôn đau đáu hướng về đứa con mà cô đã rứt ruột sinh ra, còn Asami cảm thông với những phụ nữ hiếm muộn và những người mẹ mang thai ngoài ý muốn đã tự nguyện làm cầu nối cho đôi bên. Cuối cùng, đọng lại vẫn là tấm lòng của những người mẹ. 

Hương Nhu

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI