Trị mất ngủ bằng đông y

05/03/2020 - 07:01

PNO - Rối loạn giấc ngủ là căn bệnh thời đại, khi áp lực công việc, cuộc sống ngày càng nhiều.

Thống kê gần đây cho thấy tỷ lệ người bị mất ngủ đến khám tại các cơ sở chuyên khoa thần kinh chiếm 10-20%. May mắn, gần đây y học cổ truyền đã có những thành công trong điều trị căn bệnh này.  

Trắng đêm đếm cừu, kiến

48 tuổi, nhưng chị Nguyễn Thu P., ở TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai có thâm niên mất ngủ hơn mười năm. Từ khi bị đau dạ dày, những cơn đau hành hạ nên giấc ngủ chị cứ chập chờn và đến 3g sáng thì không ngủ lại được. Cách đây một năm, chị P. mổ trực tràng, sau đó bị mất ngủ nặng hơn. Từ đếm cừu chị chuyển qua đếm kiến đến mỏi miệng, váng đầu vẫn không ngủ được. Chị đến Bệnh viện (BV) Đồng Nai khám, bác sĩ chẩn đoán “bị chứng âu lo, trầm cảm nhẹ”. Bác sĩ kê thuốc uống thì chị ngủ được, nhưng khi ngủ dậy người rất mệt và lờ đờ. Cộng thêm thuốc trị đau dạ dày mạn tính làm chị thức trắng cả đêm lẫn ngày.

Bệnh nhân mất ngủ được điều trị bằng phương pháp châm cứu tại Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Bệnh nhân mất ngủ được điều trị bằng phương pháp châm cứu tại Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Không chỉ người lớn tuổi, mà người trẻ cũng rơi vào tình trạng mất ngủ kéo dài. Anh Minh T., 25 tuổi, kể câu chuyện mất ngủ của mình: “Tôi bị mất ngủ tới nay đã bảy tháng. Bắt đầu từ khi tôi tương tư một cô bạn, cộng thêm stress trong cuộc sống nên tôi mất ngủ triền miên. Những ngày đầu mất ngủ tôi thấy mệt mỏi, đờ đẫn, giờ thành quen không còn mệt mỏi nữa, nhưng đầu óc thì căng thẳng, chậm chạp, u mê, rất là bực dọc”.

Mất ngủ tuy không ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, nhưng thực sự là nỗi ám ảnh của người bệnh. Theo thạc sĩ - bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh, Đơn vị Rối loạn giấc ngủ, Khoa Thăm dò chức năng hô hấp BV Đại học Y Dược TP.HCM, mất ngủ liên tục sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, từ đó dễ kéo theo tâm lý sợ hãi, hoang mang, thậm chí suy kiệt, trầm cảm. 

Trị mất ngủ bằng thảo dược, châm cứu

Theo các chuyên gia, bệnh mất ngủ có thể điều trị bằng nhiều phương pháp như vệ sinh giấc ngủ (thức giấc cùng một giờ hằng ngày, không dùng các chất kích thích thần kinh...), điều trị bằng thuốc hóa dược, thảo dược, liệu pháp tâm lý hành vi, thiền định, luyện khí công, yoga, tập dưỡng sinh, châm cứu... Gần đây, y học cổ truyền đã có những thành công trong điều trị căn bệnh mà nhiều bệnh nhân đặt tên là “bệnh quái thai”.  

Khoa Y học cổ truyền BV Đại học Y Dược TP.HCM vừa điều trị cho chị P. - người đã mất ngủ nhiều năm, phải sử dụng an thần trong thời gian dài dẫn đến trầm cảm, suy giảm trí nhớ. Các bác sĩ đã khám và điều trị bằng phương pháp châm cứu kết hợp thuốc đông y, xoa bóp. Sau hai liệu trình kéo dài một tháng, chị P. vào giấc tốt, ngủ được trung bình 5 giờ mỗi đêm và chỉ còn ác mộng vào cuối giấc. Sau đó, chị tiếp tục liệu trình điều trị. Kết quả sau ba tháng, điều kỳ diệu đã đến, chị P. không còn bị mất ngủ, sức khỏe và tinh thần ngày càng tốt hơn.

Còn anh Cao Văn P., 22 tuổi, ở Q.10, TP.HCM bị mất ngủ suốt một tháng, khó vào giấc, chỉ ngủ được 4 giờ/đêm, giấc ngủ không sâu, tỉnh giấc khó ngủ lại, nhiều đêm thức trắng kèm đau đầu vào buổi sáng. Sau khi đến khám tại Khoa Y học cổ truyền BV Đại học Y Dược TP.HCM, anh P. được điều trị bằng phương pháp châm cứu kết hợp thuốc đông y. Sau liệu trình kéo dài hai tuần, anh P. dễ ngủ hơn, trung bình ngủ mỗi đêm 5 giờ và giảm đau đầu. Tiếp tục điều trị thêm ba liệu trình, anh P. ngủ được trung bình 6 giờ mỗi đêm, giấc ngủ sâu và không còn bị đau đầu. Thỉnh thoảng, anh P. thức giấc giữa đêm nhưng cũng dễ ngủ lại. Hiện anh đang tiếp tục điều trị bằng việc kết hợp thuốc và châm cứu.

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trịnh Thị Diệu Thường, Trưởng khoa Y học cổ truyền Đại học Y Dược, Trưởng cơ sở 3 BV Đại học Y Dược TP.HCM, khuyến cáo, mất ngủ là bệnh lý ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh, có thể là khởi đầu của một bệnh lý thực tổn. Nguyên nhân gây bệnh có thể xuất phát từ những rối loạn tâm thần như trầm cảm, stress, rối loạn lo âu, các nguyên nhân thực thể khác như đau cấp và mạn tính (đau khớp, viêm loét dạ dày tá tràng...), lạm dụng thuốc và các chất kích thích… 

Đôi khi người bệnh mắc chứng mất ngủ mà không có bất cứ nguyên nhân cụ thể về bệnh tâm thần hay bệnh thực thể nào. Vì vậy, khi bị mất ngủ, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị, tránh lạm dụng các loại thuốc ngủ, thuốc an thần khiến bệnh trầm trọng hơn.

Thu xếp giấc ngủ tốt 

Để dễ đi vào giấc ngủ và chất lượng giấc ngủ tốt, về dinh dưỡng, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả có nhiều vitamin, khoáng chất, uống sữa nóng trước khi đi ngủ và hạn chế các chất kích thích như bia, rượu, cà phê. Về luyện tập, nên cố gắng duy trì tập thể dục mỗi ngày 10-15 phút, không nên tập luyện trong vòng 2 giờ trước khi ngủ.

Nên thu xếp giấc ngủ tốt bằng cách bố trí phòng ngủ yên tĩnh, ánh sáng vừa phải và tạo thói quen đi ngủ, thức dậy vào một giờ cố định. Trước khi ngủ nên ngâm chân bằng nước ấm, không nên sử dụng điện thoại di động trong vòng 1 giờ trước khi ngủ, không nên xem các chương trình truyền hình hoặc bộ phim gây cảm giác sợ hãi. 

Không nên ngủ trưa quá lâu, chỉ nên ngủ 15-20 phút để tránh mất ngủ vào ban đêm. Nếu gặp tình trạng mất ngủ kéo dài nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

ThS-BS Hoàng Đình Hữu Hạnh

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI