“Trên” hay “dưới”?

26/07/2023 - 18:17

PNO - Dù thế nào, phác đồ luân phiên vẫn là chủ đạo. Ngoài ra, cốt lõi sự việc có lẽ ở cả chữ khéo.

Trong chuyện vợ chồng, tôi rất tâm đắc với tư thế “trên” và nhiều lần yêu cầu nhưng chồng tôi tỏ vẻ miễn cưỡng, sau thì thẳng thừng từ chối. Tôi nhận ra anh ấy cũng rất tâm đắc với tư thế “trên” của mình.

Ng.Thu (TPHCM)

Các tư thế chăn gối chung quy được thiết kế theo 2 vị trí trên - dưới của 2 chủ thể. 

Người trong cuộc chủ ý ngả hẳn về tư thế trên hay dưới do đó là tư thế mang lại khoái cảm nhiều nhất, thậm chí duy nhất cho họ. Sự tâm đắc này thể hiện ở số lần họ ngoéo tay với bạn tình hoặc khéo léo cài cắm trong cuộc vui để có được nó. Nếu đó là vị trí khoái lạc duy nhất thì lắm khi chúng được dùng đi dùng lại đến… lên nước.

Thực lòng, nếu nhận ra người chung chăn chỉ vui vẻ với tư thế nào đó thì bạn đời, dù là các đấng lang quân, chẳng hẹp bụng gì mà không chiều, trừ khi có lý do.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Lý do thứ nhất dễ đoán: tư thế “trên” lại là tâm đắc, thậm chí duy nhất của người kia. Lúc này, giữa vợ chồng đã xảy ra một “xung đột lợi ích” không nhẹ. Đừng quên vợ chồng nên “nhường nhịn” nhau.

Có nhiều cách “nhường nhịn”, chẳng hạn đầu trận thì theo tư thế missionary (nhà truyền giáo), cuối trận thì rider (người cưỡi ngựa) hoặc tuần này ông chiếm thượng phong, tuần sau đến lượt bà. 

Lý do thứ hai mới đáng nói vì đụng chạm đến “cái tôi” của đàn ông. Đơn cử missionary không chỉ mang lại lợi lạc mắt thấy tay nghe như trực diện thân thể, sự biểu cảm và cảm nhận những hồi đáp da thịt của “đối tác” mà còn mang lại vị thế tâm lý của kẻ dẫn dắt, người chiếm hữu.

Thực tế, nhiều đấng mày râu sẵn sàng hy sinh khoái lạc để thỏa mãn tư thế “người trên”. 

Theo bạn kể, tình hình không quá căng bởi 2 bên đang dùng chiêu “đổi phiên”. Vấn đề nằm ở thái độ, khi anh nhà không được vui trong phiên của mình. Trong tình thế đó, chỉ cần vợ chồng thủ thỉ bảo nhau.

Dù thế nào, phác đồ luân phiên vẫn là chủ đạo. Ngoài ra, cốt lõi sự việc có lẽ ở cả chữ khéo. Vì không khéo mà sinh chuyện nhưng rồi chính chữ khéo sẽ giúp sóng yên gió lặng.

Cho nên đừng quên thêm vị khéo vào mọi thang thuốc mà bạn định sắc cho chồng và mình cùng dùng.

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI