Trên đôi cánh của sự tỉnh thức

23/05/2022 - 06:16

PNO - "Kẻ truy tầm thánh tích" (nguyên tác: The book of boy, Võ Hằng Nga dịch, Nhà xuất bản Kim Đồng 2022) xuất bản lần đầu năm 2018 nối tiếp cuộc hành trình khám phá thời Trung cổ bằng văn học.

“Câu chuyện này, cũng giống như câu chuyện kia, bắt đầu bằng một trái táo. Trái táo trong câu chuyện của tôi không chín mọng hấp dẫn mà nhăn nheo già cỗi, quá cao để hái xuống và quá cứng để tự rụng”. Catherine Gilbert Murdock mở đầu câu chuyện như thế.

Ngày xưa, Adam và Eva bị cám dỗ ăn trái táo cấm mà phải rời khỏi vườn địa đàng. Ở đây, hẳn Murdock muốn nói về sự cám dỗ. Kẻ truy tầm thánh tích là câu chuyện về những kẻ bị cám dỗ mù quáng đuổi theo những thánh tích của Thánh Peter. Dù mỗi người một mục đích nhưng tất cả đều tìm thánh tích để tư lợi. 

Trong số đó, có một người bí ẩn tên Secundus, ngày nọ tìm đến Thằng Nhóc. Hắn đã nhìn ra bản chất của cậu và muốn cậu cùng hắn lên đường đi tìm thánh tích. Thế là chú bé mồ côi làm người hầu và kẻ chăn dê bắt đầu dấn thân vào một cuộc phiêu lưu dị thường, trong sự phân tranh giữa khao khát được cứu chuộc và gian nan đi tìm ý nghĩa bản thân. 

Điểm khởi đầu này gợi nhớ đến quyển Nhà giả kim của Paulo Coelho. Câu chuyện chàng chăn cừu Santiago đi tìm kho báu đã quen thuộc với đại chúng. Kẻ truy tầm thánh tích chừng mực hơn trong cách cài cắm thông điệp. 

Tiền đề cho toàn bộ cuộc phiêu lưu này dựa trên một huyền thoại. Chỉ cần tìm được bảy thánh tích (xương sườn, răng, ngón tay, ống chân, tro, sọ, mồ) của thánh Peter, người ta sẽ tìm được chìa khóa biến mọi giấc mơ thành hiện thực. 

Murdock vón toàn bộ tranh giành và bạo tàn vào một năm 1350 đầy biến động. “Dịch hạch cướp đi sinh mạng của một phần ba người dân châu Âu. Chiến tranh lan khắp các nước Anh, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan và Tây Ban Nha; những tốp lính không được trả lương chiếm đóng các thành phố. Như lệ thường, nạn đói hoành hành vì nuôi trồng lương thực thực phẩm vốn đã rất khó khăn mà việc vận chuyển còn gian nan gấp bội” (lời tác giả).

Với bối cảnh đó, thật dễ hình dung vì sao người ta ham muốn đạt được giấc mơ màu nhiệm. Con người muốn tìm ở thánh tích liều thuốc trường sinh, những kẻ tìm báu vật thấy ở thánh tích lợi lộc, cũng có người điên cuồng muốn tìm được chúng vì sự sùng mộ. 

Thằng Nhóc không thuộc dạng nào trong số đó. Cậu bị ép buộc dấn thân vào cuộc truy tầm. Cả đời cậu bị khinh miệt vì là trẻ mồ côi, nhất là vì cái lưng gù của cậu. Không một sự chuẩn bị, trên cuộc hành trình này, cậu sẽ học được nhiều điều, đồng thời cũng dạy người khác nhiều điều. 

Hai nhân vật Thằng Nhóc và Secundus, một kẻ dị dạng ngoại hình, một kẻ tâm hồn sứt sẹo sẽ tìm thấy ở nhau vị thuốc chữa lành cho những tổn thương xưa cũ. Cùng nhau, họ trải qua những nguy hiểm và cùng nhau, họ khám phá ra phần tốt đẹp trong con người mình. Ở đây, ta nhận ra, ngay cả một kẻ ích kỷ vẫn cần bạn đồng hành nếu muốn khởi đầu một hình trình mới. Kẻ suốt đời điên cuồng đi tìm kiếm phép màu không nhận ra phép màu ở ngay cạnh hắn. 

Như một vòng tròn, sau tất cả, Thằng Nhóc trở về điểm bắt đầu, nơi của những cây táo. Nhưng giờ đây, táo không còn là biểu tượng của cám dỗ mà mang ý nghĩa của sự tỉnh thức và trí tuệ như trái táo đã rơi trúng Newton. Chỉ có sự tỉnh thức mới trở thành đôi cánh giải phóng con người, như tác giả đã viết: “Tôi nhìn những cành táo nặng trĩu quả, nhìn bầu trời thu xanh ngắt. Tôi đã trèo lên cây táo này vào tháng Ba. Với rất nhiều nỗ lực, tôi bước tới đầu cành và nhảy xuống, chỉ để thưởng thức cảm giác được bay trong không trung”.

Huỳnh Trọng Khang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI