Trẻ ra đường, thần chết chực chờ

09/06/2016 - 06:54

PNO - Trẻ em, học sinh bị tai nạn giao thông có xu hướng gia tăng với khoảng 1.900 trẻ em tử vong mỗi năm.

Tre ra duong, than chet chuc cho
Ảnh: CTV

Chiều 3/6, trên quốc lộ 22 hướng từ Hóc Môn về ngã tư An Sương (TP. HCM), một nhóm tám em nam chạy ba chiếc xe máy mặc đồng phục học sinh trường THPT Nguyễn Văn Cừ dàn hàng ba nẹt pô, nói cười inh ỏi. Đến ngã ba đoạn vào chợ Đầu mối nông sản thực phẩm Tân Xuân, một em la to: “không có cảnh sát mày ơi!”. Cả nhóm cười ré, rồ ga, rẽ phải vào hướng chợ, hai trong ba xe móc tay lái nhau, ngã xuống đường. Nhóm học sinh lóc cóc ngồi dậy phủi quần áo ngay trước đầu một chiếc xe tải vừa trờ tới. Tài xế xe tải thề đầu quát: “muốn chết hay sao?”

Đùa với mạng sống trên đường

Trên đường từ Hóc Môn xuôi về Q.Tân Bình, Tân Phú, chốc chốc chúng tôi lại giật mình vì bị những cô cậu nhóc lạng lách, đánh võng, thậm chí bỏ cả hai tay, dàn hàng ba, hàng bốn chuyện trò. Trước siêu thị Aeon Mall, nhiều học sinh tống ba đi xe máy điện, xe đạp điện, xe phân khối lớn, phóng như bay trên đường, vô tư chạy ngược chiều trước mũi ô tô.

Tỉnh lộ 15 dài ngoằng, nhỏ hẹp từ Hóc Môn, xuyên Củ Chi đi Tây Ninh lúc nào cũng nườm nượp ô tô, xe tải. Trên cung đường có nhiều trường tiểu học như Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Đông 2, Tân Thạnh Đông 3, các trường THCS Tân Thạnh Đông, Thiếu Sinh Quân, Phú Hòa Đông, mỗi ngày có hàng ngàn học sinh đi lại, trong đó hơn 1/3 tự đến trường bằng xe đạp, đi bộ. Nhắc đến cung đường này, chúng tôi lại nhớ ánh mắt đau xót, căm phẫn của cô giáo M. ở Trường tiểu học Phước Vĩnh An (H.Củ Chi). Người mẹ ấy mất đứa con trai 15 tuổi trong ngày giáp tết khi cháu đi thăm ngoại trở về bị nhóm thanh niên say rượu lạng lách đụng tử vong.

Ngày 30/5, trên phà Bình Khánh đi Cần Giờ, chúng tôi thót tim khi chứng kiến hai học sinh mặc đồng phục của một trường THCS ở H.Nhà Bè chạy ào lên bờ khi phà còn cách bến gần cả mét. Hai chiếc xe đạp ngã nhào, lơ lửng trước tiếng quát thất thanh của những anh thanh niên xung phong đang điều phà… Cùng ngày, ở bến Doi Lầu, nhìn chiếc đò rời bế n, chở năm người lớn và năm đứa trẻ, chẳng ai mặc áo phao, nghe gió tới, chúng tôi bỗng thấy rùng mình!

Tre ra duong, than chet chuc cho
Nhan nhản học sinh vi phạm giao thông - Ảnh: Zing

Chủ quan để rồi "ôm hận"

Cứ mỗi cuối tuần, trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn từ ngã tư An Sương (Q.12) đến nút giao Bình Thuận (H.Bình Chánh), hàng ngàn lượt xe gắn máy đổ về quê, trong đó, nhiều cặp vợ chồng chở theo con nhỏ và đồ đạc cồng kềnh chạy cạnh làn xe tải. Chú ng tôi chạ y cù ng chiề u một xe máy biển số Tiền Giang của cặp vợ chồng chở theo hai đứa con nhỏ, đứa lớ n chừng năm tuổi ngồi trước, đứa nhỏ khoảng hai tuổi được mẹ bế trên tay đang say ngủ. Đến vòng xoay An Lạc (Q.Bình Tân), chúng tôi bị hút vào vòng xoay cùng lúc một chiếc xe tải bóp còi inh ỏi khiến đứa trẻ đang ngủ giật mình khóc ré. Người mẹ ôm con dỗ dành với động tác hơi mạnh khiến người cầm lái loạng choạng trước mũi chiếc xe tải hơn 30 tấn chạy phía sau.

Trên các tuyến xa lộ Hà Nội, Đồng Văn Cống, Huỳnh Tấn Phát, Trường Chinh… nơi có lưu lượng xe các loại ken dày, luôn có những hình ảnh tương tự như thế mỗi ngày. Điều đáng lo là ý thức bảo vệ con trẻ khi lưu thông trên đường phố của các bậc cha mẹ quá kém, nhiều trẻ không được đội mũ bảo hiểm (MBH), không được thắt đai an toàn, không có người lớn ngồi kèm phía sau… Khi xảy ra va chạm, người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là trẻ em.

Đứng trước cổng siêu thị Aeon Mall (Q.Tân Phú) hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi ghi nhận: cứ 100 lượt phương tiện có chở trẻ em thì khoảng 30 lượt trẻ không được đội MBH dù theo quy định, trẻ từ sáu tuổi trở lên phải đội MBH. Nhiều trường hợp chở ba đến bốn trẻ nhưng phụ huynh cũng “quên” MBH.

Bác sĩ Bùi Văn Đỡ, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết, mỗi tháng khoa Cấp cứu của BV tiếp nhận từ bốn - năm trẻ bị tai nạn giao thông (TNGT). Trường hợp khiến ông đau lòng và không thể quên trong cuộc đời làm nghề là bé gái N.T.A.M. (quê ở tỉnh Bình Phước) đã vĩnh viễn ra đi sau chín tháng chào đời. Trước đó, bố của bé M. chở bé đi “khoe” với họ hàng đứa con đầu lòng của mình. Bé được bố cho ngồi ở phía trước xe gắn máy, vừa chạy vừa giữ. Trên đường, bất ngờ trời mưa to, anh dừng lại mặc vội áo mưa rồi phóng ga đi tiếp, được một đoạn thì bất ngờ vạt sau của áo mưa bị cuốn vào bánh sau xe nên xe bị lật ngược và trượt một đoạn dài. Tai nạn khiến bé M. tử vong do bị chấn thương sọ não.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương - Phó khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, trẻ bị TNGT nhiều nhất là vào mùa hè. Nhiều trẻ lìa đời khi còn nằm trên tay cha mẹ mà lỗi do người lớn quá chủ quan khi đi đường. Phổ biến nhất là việc phụ huynh để bé ngồi sai cách. Mới đây, bé trai H.C.H. (năm tháng tuổi, Q.11) được mẹ mang đai và cho ngồi phía trước xe, mặt quay về mẹ. Khi đang đi trên đường, gặp phải xe buýt dừng bất ngờ, hai mẹ con té nhào. Bé H. bị va đập vào đầu xe, tổn thương cột sống lưng. May mắn là bệnh nhi được cứu sống.

Ngoài ra còn có nhiều trường hợp phụ huynh khi đi xe buýt, xe hơi cho con bú, đút con ăn, xe dừng đột ngột khiến trẻ bị sặc sữa, hóc thức ăn vào đường thở dẫn đến suy hô hấp, tím tái, tử vong. BS Đinh Tấn Phương khuyến cáo, khi tham gia giao thông bằng xe máy, lúc dừng xe, cha mẹ hã y tắt máy xe và rút chìa khóa, không để trẻ ngồi một mình trên xe. Nhiều trường hợp trẻ tự ý mở khóa, rồ ga, xảy ra tai nạn thương tâm, tàn tật suốt đời.

Cha mẹ phải giúp con giữ an toàn tính mạng

Sáng 7/6, sau vụ chìm tàu du lịch ở Đà Nẵng (tối 4/6), ông Trương Tiến Triển - Phó chủ tịch UBND H.Cần Giờ (TP.HCM) đã đích thân ra xã đảo Thạnh An để kiểm tra tất cả các phương tiện giao thông đường thủy. Ông ngao ngán: “Người dân vẫn còn sơ sẩy quá. Sáng nay kiểm tra, thấy một số ghe tàu có áo phao nhưng chủ phương tiện cột chặt, hoặc cất kỹ tới mức tìm không thấy, lúc thấy thì kéo không ra”. Về việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủ y cho trẻ em, ông Triển thừa nhận: “Trước giờ tuyên truyền nhiều lắm, nhưng chủ yếu tuyên truyền chung chứ chưa tuyên truyền cho trẻ. Các em hiếu động, nên sẽ vô cùng nguy hiểm khi tham gia giao thông đường thủ y”.

Những bất cập về hạ tầng giao thông tại H.Củ Chi được ông Nguyễn Việt Dũng - Phó chủ tịch UBND huyện nhìn nhận và cho biết mới đây, tại buổi gặp gỡ Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, UBND huyện tiếp tục kiến nghị lãnh đạo TP xem xét mở rộng các tuyến Tỉnh lộ 15, 9 và 8. Trước mắt để đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông, Sở GTVT đã tận dụng các mép lề đường không bị lấn chiếm để mở rộng thêm.

Để ngăn chặn TNGT ở trẻ em, học sinh, đại tá Nguyễn Hoàng Tuấn - Trưởng công an Q.Tân Phú chia sẻ: “Ngoài việc thường xuyên phối hợp với nhà trường tuyên truyền, phổ biến luật giao thông, khi tuần tra hoặc chốt chặn trên đường, với học sinh, chúng tôi chủ yếu nhắc nhở chứ không lấy hình phạt, mức phạt để răn đe. Tuy nhiên, theo tôi, cần xử phạt đầy đủ, không bỏ sót thì mới đảm bảo việc tuân thủ pháp luật ở đối tượng này. Trên thực tế, không ít phụ huynh khi đóng phạt cho con em mình đã cho rằng “công an ác quá”. Tôi nghĩ thay vì nói câu đó, họ nên coi trọng hơn tính mạng con em mình”.

Đã có không biết bao đám tang, cha mẹ vật vã bên linh cửu con trẻ ngày hôm qua hôm kia còn bi bô. Đường sá xập xệ, xe cộ bạt mạng, chen lấn, coi mạng người như cỏ rác… chính người lớn chứ không ai khác, đã gieo rắc nỗi kinh hoàng đau đớn ấy. Nhưng, có bao giờ họ ngoảnh lại chính mình, nhìn kỹ tại sao như thế, và bao người đã và đang ngược xuôi trên đường kia, có ai nghĩ nếu con mình như thế, thì tại sao, mình phải làm gì , hay chỉ biết đấm ngực, ngửa mặt than trời?

Những cái bẫy tai nạn chực chờ đâu đó, vô hình hay hiển hiện, thảy đều bất trắc và oan nghiệt như nhau, có thể giáng xuống đầu con trẻ bất kỳ lúc nào. Một đứa trẻ chỉ biết đi khi được người lớn dắt dìu lúc chập chững. Sự mạnh mẽ, lành lặn của trẻ chỉ có được khi người lớn lành lặn làm gương, sự lành lặn trong đôi chân và ý thức chấp hành pháp luật, đi kèm chính sách xử phạt nghiêm minh lẫn cơ sở hạ tầng chỉnh chu để người tham gia giao thông yên tâm khi ra đường… Chỉ có thế thì mới hy vọng sáng ra chiều về, không ngẩn ngơ thắt ruột xé tim đứng nhìn những đứa trẻ đáng tuổi cháu con mình quằn quại trên vũng máu.

Mỗi năm, 1.900 trẻ em tử vong vì TNGT

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG) cho biết, trẻ em, học sinh bị TNGT có xu hướng gia tăng với khoảng 1.900 trẻ em tử vong mỗi năm. Theo một nghiên cứu do Ủy ban ATGTQG chủ trì, năm 2013, TP.HCM có 35 trẻ em (dưới 18 tuổi) tử vong trên tổng số 775 người tử vong vì TNGT; năm 2014, số người tử vong giảm còn 702 người, nhưng số trẻ tử vong lên tới 61 trẻ, tức tăng gần gấp hai lần. Đến năm 2015, số người tử vong vì TNGT tại TP.HCM tiếp tục giảm còn 692 người, nhưng số trẻ tử vong vì TNGT đã tăng lên 111 trẻ.

Huyền Anh

Nhóm PV CT-XH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI