Trẻ gặp nạn vì dung dịch sát khuẩn

18/04/2020 - 16:35

PNO - Chỉ vì chút lơ là của bố mẹ, nhiều trẻ nhỏ, thậm chí là trẻ sơ sinh đã phải nhập viện vì dung dịch sát khuẩn mùa dịch COVID-19.

Nhỏ cồn 90 độ vào mũi trẻ nhỏ vì tưởng… nước muối

Cầm trên tay lọ nhựa dán nhãn nước muối sinh lý, mẹ của bé B.A. (hai tháng tuổi, TP.Hà Nội) liền nhỏ vào mũi con để vệ sinh hằng ngày. Bất ngờ, ngay sau khi nhỏ, bé khóc thét, mặt ửng đỏ, nước mũi chảy ra lẫn với máu… Chị vội kiểm tra lọ nước trên tay thì phát hiện dung dịch trong lọ là cồn 90 độ.

Để tiện lợi khi sử dụng, chồng chị đã chiết sang lọ nhỏ và bất cẩn không cất kỹ, bóc nhãn, dẫn đến việc sử dụng nhầm cho con trẻ.

Sử dụng dung dịch rửa tay sai cách hay bảo quản không cẩn thận có thể khiến trẻ em gặp họa Ảnh minh họa
Sử dụng dung dịch rửa tay sai cách hay bảo quản không cẩn thận có thể khiến trẻ em gặp họa Ảnh minh họa

Bé B.A. được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, bé được xác định bị tổn thương niêm mạc mũi do cồn 90 độ, gây ra tình trạng xung huyết, chảy nước mũi nhầy lẫn máu. May mắn, bé không bị tổn thương phổi do hít phải cồn. Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Chống độc, Trung tâm Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận không ít ca tai nạn sinh hoạt từ các sản phẩm dung dịch sát khuẩn như cồn 90 độ, nước sát khuẩn tay nhanh, thậm chí xà phòng rửa tay… Đây đều là những dung dịch được sử dụng nhiều trong mùa dịch COVID-19.

Điển hình như trường hợp bệnh nhi N.H.C. (bốn tuổi, TP.Hà Nội). Bệnh nhi đến bệnh viện trong tình trạng ngứa, viêm kết mạc mắt do tiếp xúc trực tiếp với dung dịch sát khuẩn dạng phun sương. Mẹ cháu C. cho hay, để diệt vi khuẩn trong khi dịch COVID-19 đang lây lan, gia đình mua chai xịt khuẩn nhưng do không cất kỹ nên trẻ con lôi ra nghịch, trêu nhau và vô tình xịt thẳng vào mắt của con trai.

Mới đây, bác sĩ Nguyễn Đức Long, Trung tâm Sản nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, thông tin, bệnh viện này đã tiếp nhận bệnh nhi bỏng nghiêm trọng do nghịch cồn dùng để sát khuẩn. Nạn nhân là bé N.T.M. (10 tuổi, tỉnh Phú Thọ), nhập viện trong tình trạng bỏng nặng độ 2 - 3, với khoảng 60% diện tích cơ thể, tổn thương nặng ở bộ phận sinh dục. Trước đó, bố mẹ của M. đã mua cồn 90 độ với mục đích sát khuẩn tay và vật dụng trong nhà. Không may, trong lúc chơi đùa, bé trai hiếu động nghịch lửa với chai cồn khiến ngọn lửa bùng lên, gây bỏng nặng. Sau khi được điều trị chống đau, chống sốc, bệnh nhi được chuyển lên tuyến trên để điều trị chuyên sâu.

Xử trí khi trẻ gặp tai nạn với dung dịch sát khuẩn

Theo bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, khi trẻ tiếp xúc mắt, miệng hay mũi với dung dịch sát khuẩn, bố mẹ thường hay luống cuống để xử lý, từ đó có thể dẫn tới việc làm không đúng cách, khiến tình trạng càng trở nên nghiêm trọng. Bác sĩ Tâm khuyến cáo: trong trường hợp trẻ bị tiếp xúc với dung dịch sát khuẩn ở niêm mạc mắt, cần rửa lại bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Đối với niêm mạc mũi, có thể dùng nước muối sinh lý dạng phun sương để làm sạch niêm mạc mũi, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc nào khác hay sử dụng các dụng cụ hút nước mũi khiến niêm mạc mũi càng bị tổn thương. 

“Nếu trẻ đang khóc dữ dội thì cha mẹ phải dỗ dành, cho trẻ qua cơn kích thích chứ không nên cố phun xịt nước muối. Bởi nếu trẻ hoảng sợ, la khóc có thể dẫn tới nôn trớ, sặc dịch dạ dày cũng như dung dịch sát khuẩn vào phổi khiến tình trạng càng nghiêm trọng”,  bác sĩ Tâm hướng dẫn.

Tương tự, đối với bỏng cồn, khi trẻ bị thương, nhiều người thường thấy gì xung quanh cũng bôi vào như dầu ăn, kem đánh răng, nước hoa… Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định điều này có thể làm vết bỏng nặng thêm hoặc gây nhiễm trùng. Trước hết, nhanh chóng tách nạn nhân khỏi tác nhân gây bỏng, cởi bỏ quần áo đang cháy để dập lửa. Sau đó, nhanh chóng chườm mát vết bỏng, dùng gạc cuốn vào vết bỏng trước khi đưa đi cấp cứu. Bác sĩ Tâm nhấn mạnh, trong trường hợp bố mẹ không biết sơ cứu đúng cách, tốt nhất hãy gọi bác sĩ tư vấn và đưa trẻ tới cơ sở y tế sớm nhất.

Tai nạn rình rập trẻ 
Ngoài các trường hợp gặp nạn bởi dung dịch sát khuẩn, trong thời gian trẻ nghỉ ở nhà tránh dịch, các bệnh viện cũng ghi nhận nhiều tai nạn sinh hoạt trong gia đình. Mới đây, Bệnh viện Nhi trung ương vừa cấp cứu một trường hợp trẻ ba tháng tuổi (TP.Hà Nội) bị sưng nề mắt, viêm kết mạc, da đỏ ửng… mà nguyên nhân là do mẹ bệnh nhi sơ sẩy, làm đổ tinh dầu tràm vào vùng mắt, miệng của con nhỏ.

Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng tiếp nhận hàng loạt ca bệnh, trong đó có trường hợp một bé gái (16 tháng tuổi, tỉnh Phú Thọ) bị ngã ao khi chơi cùng anh trai ở nhà khiến trẻ rơi vào hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn nặng. Trường hợp khác là một bệnh nhi 30 tháng tuổi, ngã cầu thang từ tầng hai khi hiếu động chui đầu qua song chắn cầu thang.

Bác sĩ Nguyễn Đức Long khuyến cáo: trong thời gian trẻ nghỉ ở nhà, phụ huynh tuyệt đối không để trẻ ở một mình. Ở môi trường có nước cần làm rào, nắp đậy chắc chắn, lấp ao hồ không cần thiết. Các bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ té, ngã. Các ổ điện cần phải có hệ thống chống giật, thiết kế cao ngoài tầm với trẻ nhỏ, tránh để các bé chơi với lửa, các vật dụng sắc, nhọn… 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI