Trẻ bị tay chân miệng diễn tiến nhanh, biến chứng nặng

02/06/2023 - 06:15

PNO - Dù bệnh tay chân miệng chỉ mới vào mùa nhưng các bác sĩ rất lo ngại bởi năm nay đã có sự xuất hiện của vi rút EV71. Đây là vi rút có độc lực cao, gây diễn tiến bệnh nhanh, nhiều biến chứng.

 

Bác sĩ Trần Ngọc Hạnh Đan thăm khám bệnh nhi mắc tay chân miệng tại Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM)  - ẢNH: PHẠM AN
Bác sĩ Trần Ngọc Hạnh Đan thăm khám bệnh nhi mắc tay chân miệng tại Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) - Ảnh: Phạm An

Theo Sở Y tế TPHCM, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 157 ca tay chân miệng, tăng 47,1% so với trung bình 4 tuần trước (107 ca). Trong đó, có cả bệnh nhi điều trị nội trú và ngoại trú. Số mắc tích lũy từ đầu năm đến nay là 1.670 ca.

Nhiều ca bệnh nặng hơn

Mấy hôm trước, bé N.S.L. (2 tuổi, ở Bình Dương) bị nóng sốt, loét miệng, tay chân nổi nhiều chấm đỏ nên được người nhà đưa đến bệnh viện địa phương. Bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh tay chân miệng độ 1, hướng dẫn người thân cách chăm sóc, theo dõi bệnh. “Con tôi không sốt cao, cũng không bỏ bú, không quấy khóc.

Tuy nhiên, về uống thuốc được 1 ngày, qua hôm sau bé có cảm giác khó chịu, ngủ bị giật mình, tay chân hơi run. Tôi xem trên mạng thấy nếu bé giật mình, quấy khóc nhiều thì đã nặng, phải đưa đi bệnh viện” - chị Bùi Thị Mỹ Hòa (mẹ của bé L.) chia sẻ.

Nghĩ rằng đi khám cho yên tâm, không ngờ trên đường đi và vừa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), bé có dấu hiệu chuyển nặng nhanh. Lúc này, bệnh tay chân miệng của bé L. đã vào độ 2A. Bệnh diễn tiến quá nhanh, bé không đáp ứng thuốc, ảnh hưởng não, tim mạch phải nhập viện cấp cứu.

Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh của bé đang dần được kiểm soát nhưng vẫn phải theo dõi sát do nhịp tim cao, huyết áp chưa ổn định. Chị Hòa cho biết, có thể bé bị lây bệnh từ bạn ở trường mầm non. Bởi trước đó bé vẫn khỏe mạnh bình thường. Buổi chiều đi học về bé có biểu hiện sốt. Hôm sau thì các triệu chứng của tay chân miệng xuất hiện. 

Khoảng 6 ngày trước, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng cấp cứu 1 bé gái (21 tháng tuổi, ở Bình Phước) bị tay chân miệng rất nặng. Bé được bệnh viện địa phương chuyển đến trong tình trạng sốc, suy hô hấp, trụy tim, rối loạn tri giác… Bác sĩ chẩn đoán bé bị tay chân miệng độ 4, nguy kịch.

Bé được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức nhiễm của bệnh viện. Các bác sĩ đã đặt nội khí quản, điều trị nội khoa, theo dõi sát, bởi khả năng bé phải lọc máu, chạy ECMO rất cao. May mắn, các bác sĩ đã kiểm soát được bệnh và chuyển bé đến Khoa Nhiễm - Thần kinh tiếp tục điều trị. 

Hiện Khoa Nhiễm - Thần kinh của bệnh viện đang điều trị cho khoảng 30 trẻ mắc tay chân miệng. Các ca bệnh nặng bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn, chiếm khoảng 30% số ca nhập viện. Đây là điều đáng lo ngại bởi trẻ có thể đối mặt nguy cơ gặp biến chứng viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim.

Đã xuất hiện chủng vi rút EV71

Hiện nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có thuốc đặc trị hay vắc xin phòng ngừa. Tay chân miệng được chia làm 4 mức độ, trẻ được chăm sóc tại nhà khi ở độ 1. Từ độ 2A trở lên, trẻ phải nhập viện, đề phòng biến chứng. 

Để phòng bệnh, người lớn và trẻ nhỏ nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi ra ngoài. Không mớm thức ăn cho trẻ, hạn chế cho trẻ ăn bốc tay, mút tay, ngậm đồ chơi. Tuyệt đối không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa.

Khi phát hiện trẻ bị tay chân miệng, phụ huynh nên cho trẻ nghỉ học, thông báo với giáo viên, nhà trường để có biện pháp an toàn cho các trẻ khác.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Hạnh Đan - Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 - tại phòng cấp cứu của khoa, có 2 bệnh nhi bị tay chân miệng nặng, biến chứng hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, Khoa Hồi sức tích cực có 2 bé rất nặng độ 4/4 đang được điều trị tích cực.

“Mặc dù số bệnh nhi mắc tay chân miệng chưa cao so với năm trước, nhưng triệu chứng, đặc điểm năm nay rất khác. Năm 2022, đa số bệnh nhi mắc tay chân miệng ở mức độ nhẹ, tỉ lệ biến chứng rất thấp có thể điều trị ngoại trú. Còn năm nay, ngay từ “đầu mùa”, bệnh nhi có tiến triển rất nhanh, mức độ bệnh nặng, có trẻ đã gặp biến chứng” - bác sĩ Trần Ngọc Hạnh Đan cho hay.

Ngay khi trẻ vào thăm khám, nhập viện tăng, các bác sĩ, chuyên gia dịch tễ tại bệnh viện đã nhận thấy sự xuất hiện của chủng vi rút EV71 (tuýp vi rút thuộc nhóm Enterovirus). Đây là chủng vi rút nguy hiểm, có độc lực cao nhất trong các loại vi rút gây bệnh tay chân miệng. Trước đó, có 1 bé đã mắc tay chân miệng chủng này. Đến nay, tuy bệnh được kiểm soát nhưng vẫn chưa thể xuất viện bởi có nguy cơ tổn thương mạch máu ở tim. 

Hiện tại, có 2 bé học chung lớp mẫu giáo nhiễm chủng này đang nằm tại phòng cấp cứu của Khoa Nhiễm - Thần kinh. Diễn tiến dịch tễ của cả 2 bệnh nhi đều giống nhau và rất nặng. “Mặc dù chúng tôi đã trải qua rất nhiều “mùa” tay chân miệng, nhưng vẫn phải hết sức thận trọng và luôn trong tư thế khẩn trương. Nếu không bệnh nhi sẽ rơi vào tình huống không mong muốn, để lại hậu quả xấu như di chứng, thậm chí tử vong” - bác sĩ Trần Ngọc Hạnh Đan nói.

Các bác sĩ khuyến cáo khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ, người nuôi dưỡng cần theo dõi chặt chẽ các triệu chứng của trẻ theo hướng dẫn từ bác sĩ. Nếu trẻ có các triệu chứng bất thường, tăng nặng, diễn tiến cấp tính phải đưa đến bệnh viện ngay để bác sĩ điều trị sớm, ngăn biến chứng khi vi rút tấn công vào hệ thần kinh trung ương. Bởi một khi tay chân miệng gây tổn thương não rất âm thầm, triệu chứng không rõ ràng, lại rất nhanh.

Đặc biệt, người lớn không được tự điều trị bệnh cho trẻ bằng các phương pháp dân gian, bài thuốc truyền miệng hay cho trẻ uống thuốc theo đơn thuốc cũ sẽ rất nguy hiểm. 

Các giai đoạn tiến triển của bệnh tay chân miệng ở trẻ

Giai đoạn ủ bệnh: trẻ không có triệu chứng cụ thể. Ở giai đoạn khởi phát, bệnh có các triệu chứng dễ nhận thấy bao gồm trẻ bị sốt, mệt mỏi, đau họng, quấy khóc, chảy nước bọt nhiều, biếng ăn.

Giai đoạn toàn phát: thường bắt đầu sau 1-2 ngày khởi phát bệnh. Lúc này, trẻ bị phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Các bóng nước có đường kính 2 - 10mm. Nặng hơn, xuất hiện các vết loét ở niêm mạc, má, lợi. Lưỡi xuất hiện các mụn nước dễ bể, tạo thành vết loét trong khoang miệng khiến trẻ đau khi ăn, quấy khóc. Trẻ cũng có thể xuất hiện các mụn nước lở, rộp da trên mông.

Giai đoạn nguy hiểm như rối loạn tri giác, mê sảng, co giật, đi đứng loạng choạng, yếu chân tay… phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI