Tranh Đông Dương và câu chuyện hồi hương

14/08/2023 - 15:45

PNO - 2 triển lãm lớn của các họa sĩ có liên quan đến Trường Mỹ thuật Đông Dương vừa được tổ chức trong tháng Tám này, khơi lại nguồn cảm hứng đã bị lãng quên trong nhiều thập niên.

Những cuộc gặp gỡ

Một trong số đó là triển lãm Họa duyên tương ngộ, trưng bày tác phẩm của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1923-2023), tổ chức tại bảo tàng Quang San. Trần Phúc Duyên là danh họa xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương, theo thời gian, tác phẩm đã tản mác tại Thụy Sĩ - nơi ông sinh sống trước khi có dịp trở về “quê cha đất tổ”.

Tác phẩm Đám rước ở Chợ Lớn của danh họa Joseph Gilardoni sẽ có mặt tại Mộng Viễn Đông
Tác phẩm Đám rước ở Chợ Lớn của danh họa Joseph Gilardoni sẽ có mặt tại Mộng Viễn Đông

Nối tiếp Hồn Xưa Bến Lạ (Timeless Souls: Beyond the Voyage) kéo dài 4 ngày vào mùa hè năm ngoái, nhà đấu giá Sotheby’s vừa quay trở lại với dự án phi thương mại thứ hai mang tên Mộng Viễn Đông (The Faraway East: of Dreams and Pursuits). Không còn là những tác phẩm của “bộ tứ” Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm, lần này khán giả sẽ được nhìn thấy hơn 50 câu chuyện của các nghệ sĩ người Pháp đã đến hoặc sống tại Đông Dương, có lúc giảng dạy tại ngôi trường trên. Họ gồm hiệu trưởng đầu tiên Victor Tardieu, giảng viên khoa trang trí Joseph Inguimberty và các danh họa Jean-Louis Paguenaud, André Maire, Roger Baudry…

Ace Lê - Giám đốc của Sotheby’s Việt Nam - nói: “Đã gần tới mốc 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương và đây là dịp thích hợp để nhìn lại những đóng góp của lứa họa sĩ Pháp tới Đông Dương, không những để lập nên một kinh viện, mà kéo theo đó còn là cả một trường phái nghệ thuật với một di sản đồ sộ. Cuộc du hành nghệ thuật của họ mang những hoài bão, mơ mộng, quan điểm của mỗi cá nhân cũng như tập thể, thể hiện tầm ảnh hưởng của phương Tây lên dòng chảy mỹ thuật Việt Nam và cả chiều ngược lại”.

Triển lãm Mộng Viễn Đông (The Faraway East: of Dreams and Pursuits) diễn ra 4 ngày: 14/8 (từ 16-20 giờ), 15-16/8 (từ 9-20 giờ) và 17/8 (từ 9-18 giờ) tại Park Hyatt Saigon, số 2 Công Trường Lam Sơn, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM. 

Việt Nam đang là thị trường tiềm năng với các hoạt động kinh doanh nghệ thuật nhộn nhịp, đặt trong bối cảnh nền kinh tế Đông Nam Á phát triển nhanh chóng. Điều này đồng thời phản ánh nhu cầu và sự quan tâm đối với hội họa Việt Nam ngày càng tăng, từ đó không chỉ giới thiệu những tác phẩm quan trọng, mà còn góp phần kết nối lại cộng đồng Việt với di sản phong phú của mình. Đây là xu hướng đang rất phổ biến trên thế giới với làn sóng tìm về bản địa để xác lập danh tính, từ đó xây dựng một hệ sinh thái văn hóa và nghệ thuật địa phương.

Khác với Hồn Xưa Bến Lạ như một “diễn đàn đối thoại văn hóa” giữa cộng đồng và những họa sĩ lớn, có nhiều ảnh hưởng, Mộng Viễn Đông là góc nhìn của những người ngoại quốc đã đến và yêu Đông Dương. Ở đó, mối giao hòa được thể hiện qua sự kết hợp giữa trải nghiệm cá nhân, nỗi hoài hương và niềm ham muốn khám phá một vùng đất mới.

Câu chuyện hồi hương

Cũng như bộ tứ Thứ - Phổ - Lựu - Đàm, các tên tuổi trong triển lãm Mộng Viễn Đông lần này đều là nghệ sĩ mà những ai yêu mỹ thuật Đông Dương đều biết nhưng hiếm khi được xem trực tiếp. Điều này đặt ra vấn đề lớn về việc hồi hương tác phẩm, bởi hầu hết chúng đều thuộc về các bộ sưu tập cá nhân. Để tập hợp và cùng trưng bày, tạo ra câu chuyện riêng là không hề dễ.

Tác phẩm Núi Ba Vì nhìn từ cánh đồng lúa Sơn Tây của danh họa Joseph Inguimberty sẽ được trưng bày tại Mộng Viễn Đông -  Nguồn ảnh: Sotheby’s
Tác phẩm Núi Ba Vì nhìn từ cánh đồng lúa Sơn Tây của danh họa Joseph Inguimberty sẽ được trưng bày tại Mộng Viễn Đông - Nguồn ảnh: Sotheby’s

Thế nhưng bằng các nỗ lực của Nhà nước và các cơ quan quản lý văn hóa, việc hồi hương tác phẩm đang được cải thiện. Trong triển lãm Hồn Xưa Bến Lạ vào năm ngoái, phần nhiều tác phẩm của bộ tứ nổi tiếng đều từ các bộ sưu tập tư nhân và do được bảo chứng bởi danh tiếng của Sotheby’s nên quá trình “mượn” diễn ra tương đối dễ dàng.

Triển lãm Họa duyên tương ngộ vừa rồi cũng là nỗ lực rất đáng khen. Ở đó, nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh (Phạm Lê Collection) đã đóng góp phần lớn để đưa tranh về. Như họ chia sẻ, khi danh họa Trần Phúc Duyên qua đời, do không có người thừa kế nên các tác phẩm được mang ra bán tại triển lãm theo quy định pháp luật nước sở tại. Khi họ gặp và có ý định mua thì tiếc thay tác phẩm đã được bán hết. Điều may mắn nằm ở kích thước tranh quá lớn và không phù hợp với không gian trong nhà, người mua trước đó đã trả lại tranh, giúp cho các tác phẩm của ông về với Việt Nam.

Trước Họa duyên tương ngộ, 8 kiệt tác của danh họa Lê Thị Lựu cũng từng hồi hương khi được gia đình họa sĩ trao tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Để nối tiếp được tiến trình ấy, thiết nghĩ các cơ quan quản lý di sản và quản lý văn hóa cần có những chủ trương nhất quán và đầu tư thêm kinh phí, nguồn lực… để đưa tranh về. Không thể dựa mãi vào các cá nhân đơn lẻ như Phạm Lê Collection với danh họa Trần Phúc Duyên hay ông Nguyễn Thế Hồng mua lại Ấn vàng Hoàng đế chi bảo của vua Minh Mạng gần đây.

Ngô Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI