Trang bị kỹ năng sinh tồn để bảo vệ trẻ

12/05/2023 - 06:25

PNO - Kỹ năng sống chính là “liều vắc xin” cho trẻ em trong thế giới nhiều biến động và bất trắc.

Trên trang Facebook cá nhân của mình, chị Trang Jena Nguyễn chia sẻ clip đứa con gái hơn 4 tuổi chơi trò đút đồ ăn cho búp bê. Khi thấy búp bê có vẻ bị “hóc thức ăn”, cô bé liền lật búp bê để làm động tác xử lý. Dẫu chỉ là trò chơi nhưng thao tác nhanh nhẹn và chuẩn xác của cô bé khiến người xem ngạc nhiên, thích thú. Có được điều này là nhờ bé đã tham gia lớp tập huấn kỹ năng sơ cứu từ lúc 5-6 tháng tuổi.

Chị Trang Jena Nguyễn - đồng sáng lập kiêm Phó giám đốc Công ty Survival Skills Vietnam (SSVN) - nơi cung cấp các lớp tập huấn sơ cấp cứu và kỹ năng sinh tồn. Lớp do ông Tony Coffey - chuyên gia sơ cấp cứu, phản ứng nhanh thuộc Hiệp hội Cứu hộ Sydney và Học viện Cứu hộ bang New South Wales (Úc) - trực tiếp giảng dạy. Không chỉ dành cho người lớn, SSVN còn tổ chức các lớp cho trẻ em để rèn luyện kỹ năng ứng phó và thao tác sơ cứu cho nạn nhân gặp các sự cố như bất tỉnh, mất máu, hóc dị vật, phỏng, chó cắn, gãy tay, điện giật, đuối nước, côn trùng cắn...

Học sinh thích thú với các bài học kỹ năng sống
Học sinh thích thú với các bài học kỹ năng sống

Năm 2018, vụ việc đội bóng đá nhí Thái Lan mắc kẹt 18 ngày trong hang động từng gây rúng động dư luận. Một trong những điều khiến thế giới kinh ngạc là 12 em nhỏ ở độ tuổi 11-16 cùng vị huấn luyện viên 25 tuổi đã tồn tại hàng chục ngày trong điều kiện nước ngập đầy hang, tối tăm, lạnh lẽo, côn trùng, không thức ăn... mà vẫn tồn tại, tinh thần ổn định cho đến khi được cứu. Câu chuyện trên cũng là minh chứng cho tầm quan trọng của việc rèn dạy kỹ năng sống cho trẻ.

Trong khi đó, trẻ em Việt Nam rất thiếu hụt các kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Số ca cấp cứu trẻ bị hóc dị vật luôn ở mức cao, không ít trẻ tiểu học vẫn thích nghịch ổ điện, nhiều học sinh bị đuối nước do không biết bơi... Trên thực tế, cha mẹ thường ngăn cản khi thấy con “nghịch dại” mà không mấy khi chỉ bảo, giải thích cặn kẽ về nguy cơ, cách xử trí khi gặp tình huống xấu. Việc chỉ ngăn cấm bằng mệnh lệnh càng khiến trẻ tò mò, muốn thử tiếp mà không nhận được bài học kỹ năng nào.

Những năm gần đây, việc dạy kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh đã được chú trọng hơn. Một số trường mẫu giáo quốc tế, tư thục đào tạo các kỹ năng cho trẻ như bơi lội, mở các loại khóa cửa thông dụng để đối phó với tình huống hỏa hoạn, cách xử trí khi đi lạc và khi tiếp xúc với người lạ, cách nhờ trợ giúp trong tình huống khẩn cấp... Môn kỹ năng sống cũng đã được đưa vào giảng dạy trong các trường công lập. Phổ cập bơi cho học sinh trở thành mục tiêu phấn đấu của ngành giáo dục. 

Tuy vậy, ở không ít nơi, việc giảng dạy các môn này còn mang tính đối phó, hình thức. Vẫn có lớp dạy kỹ năng sống qua... sách vở, “học không đi đôi với hành” nên khó hình thành kỹ năng cho trẻ.

Từ nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra với trẻ trong thời gian qua, đã đến lúc cần nhận thức lại tầm quan trọng của việc dạy kỹ năng sống cho các em, ngay từ lứa tuổi mầm non. Các nhà giáo dục thế giới đều tin rằng, những năm đầu đời, việc hình thành kỹ năng sống cho trẻ quan trọng hơn thành tích học tập trên lớp.

Các bậc cha mẹ cũng phải tập cách “buông tay” để con mình được tự lập, được khám phá thiên nhiên, được tập đối đầu với những hiểm nguy trong cuộc sống. Tất nhiên, cùng với đó, phụ huynh phải từng bước trang bị cho con em mình kiến thức, kỹ năng sống.

Cha mẹ lúc nào cũng mong muốn ấp ủ con trong một môi trường an toàn, thế nhưng, vô số tình huống ngoài tầm kiểm soát có thể xảy đến mà chúng ta không phải lúc nào cũng ở bên để bảo vệ con. Do đó, cách tốt nhất để trẻ sống và vượt qua hiểm nguy chính là trang bị cho con những kỹ năng sống sót quan trọng trong đời. 

Kỹ năng sống chính là “liều vắc xin” cho trẻ em trong thế giới nhiều biến động và bất trắc. Kỹ năng sống cũng giúp các con tự tin xử lý mọi tình huống, biết bảo vệ bản thân, bảo vệ người xung quanh, hạn chế thấp nhất số vụ tai nạn và hậu quả do tai nạn. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI