Trăm sông đổ về biển

11/04/2021 - 07:05

PNO - Endo Shusaku viết "Bên dòng sông Hằng" ở tuổi 70. Ba năm sau (1996), nhà văn qua đời và "Bên dòng sông Hằng" trở thành tác phẩm cuối cùng của ông.

Cố thủ tướng Jawaharlal Nehru (1889 - 1964) - người cha lập quốc của nước Ấn Độ hiện đại, từng ví sông Hằng là trái tim của tiểu lục địa này. Dòng sông thiêng ấy ôm vào lòng sự sống và cái chết, khởi thủy của toàn bộ nền văn minh nổi tiếng với tôn giáo, sử thi thần linh, những vị thánh sống... Dòng sông thiêng ấy là nơi mỗi năm hàng triệu người tìm đến truy tầm về ngọn nguồn tâm thức, kiếm tìm cảm giác thanh tẩy và cũng là điểm đến cuối cùng đón lấy tro tàn còn lại sau một đời sống dài trên dương thế. 

Nơi dòng sông thiêng ấy, nhà văn Nhật Bản Endo Shusaku cũng đã tìm đến như một lữ khách. Sau đó, quyển tiểu thuyết Bên dòng sông Hằng (Nguyễn Văn Thực dịch, Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành) của ông ra đời, kể câu chuyện những khách hành hương miên viễn bên dòng sông ngàn đời im lặng, ngàn đời thấu suốt. 


Bên dòng sông Hằng là câu chuyện về năm con người xa lạ, gắn với nhau bằng một chuyến du lịch. Mỗi người một quá khứ, mỗi người một mục đích, “chạm nhau” tại đất nước Ấn Độ. Đó là ông Isobe tìm trong lòng sông Hằng bóng hình người vợ đã mất; là Mitsuko kiêu hãnh bước đi giữa thế gian với tâm hồn hoang mang không rõ mục đích cuộc đời; là Ootsu, một linh mục trẻ tuổi băn khoăn bước giữa sương mù trong chính đức tin anh chọn; là ông Kiguchi giấu trong mình nỗi đau của một cựu binh thế chiến; là ông Numanta mang theo niềm tin rằng chú chim ưng ngày xưa đã cứu mạng mình. 

Năm con người, năm câu chuyện, năm số phận khác nhau lần lượt trình hiện bên dòng sông Hằng. Với họ, sông Hằng dường như là kết thúc, nơi trả lời mọi câu hỏi, chấm dứt mọi khổ đau, như năm xưa đức Phật đã chứng ngộ trong dòng sông Ni-liên-thiền - một nhánh của sông Hằng. 

Endo Shusaku viết Bên dòng sông Hằng ở tuổi 70. Ba năm sau (1996), nhà văn qua đời và Bên dòng sông Hằng trở thành tác phẩm cuối cùng của ông. 

Sông Hằng là dòng sông thực và cũng là dòng sông của mộng, của những biểu tượng. Nó gồm nhiều nhánh chia ra từ dòng sông mẹ nhưng nếu nhìn theo một hướng khác, có thể nói những nhánh sông cuộn chảy, hợp nhau về dòng sông mẹ. Trong tiểu thuyết Bên dòng sông Hằng, người đọc có thể thấy suy nghĩ trên thể hiện qua đoạn đối thoại giữa Ootsu với thầy mình: “Con nghĩ là, nói cho đúng hơn, Chúa mang nhiều gương mặt và ngài ẩn mình trong các tôn giáo khác nhau. Con cho là nghĩ như vậy mới có thể đối thoại đích thực”.

Đọc Bên dòng sông Hằng, có thể thấy ở Ootsu thấp thoáng bóng hình của chính nhà văn Endo Shusaku. Ông từng nghiên cứu văn học Công giáo đương đại tại Đại học Lyon, là nhà văn nổi tiếng với các chủ đề về Thiên Chúa, tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tiểu thuyết Trầm mặc (Chinmoku) kể chuyện một nhà truyền giáo Dòng Tên được cử đến Nhật Bản vào thế kỷ XVIII phải chịu đựng sự đàn áp do kỳ thị tôn giáo. Nhưng, Shusaku chọn điểm dừng chân cuối cùng của mình bên sông Hằng - dòng sông mang nhiều ý nghĩa trong văn hóa Phật giáo. Shusaku muốn hướng đến một thứ niềm tin tuyệt đối vượt qua khỏi những định kiến. 

Có thể nói những quan niệm đó là kết tinh tư tưởng của Endo Shusaku trong một đời. Bên dòng sông Hằng cũng là một trong hai tiểu thuyết ông chọn đặt vào quan tài, chôn theo mình. 

Vượt qua những u mặc, Bên dòng sông Hằng là khúc hoan ca khi tìm ra sự tĩnh tại. Sự hoài nghi được xóa sạch, nỗi đau được chữa lành để còn lại đây dòng chảy bất tận của đời sống ẩn mình nơi dòng sông thiêng.

Huỳnh Trọng Khang

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI