Trạm dừng của những cảnh đời khó khăn

29/04/2023 - 06:32

PNO - Từ năm 2021 đến nay, “Trạm cơm nghĩa tình” đã trở thành điểm dừng chân của những mảnh đời khó khăn, là nơi trở về của những cuộc đời lầm lỡ.

 

Hằng ngày, có rất đông người dân đến “Trạm cơm nghĩa tình” để nhận các phần ăn miễn phí - ẢNH: THÀNH AN
Hằng ngày, có rất đông người dân đến “Trạm cơm nghĩa tình” để nhận các phần ăn miễn phí - Ảnh: Thành An

"Chú ăn thêm lấy sức, con không tính tiền đâu"

“Chú Sáu lấy thêm 1 phần cơm nha, hôm nay có thịt kho trứng bắt cơm lắm. Chú ăn thêm lấy sức, chiều chạy xe. Con không tính tiền đâu” - giọng người phụ nữ cất lên giữa đám đông. Chú Sáu đưa 2 tay đón hộp cơm, 2 mắt đỏ hoe. 

Giữa cái nắng trưa, chú Sáu - người đàn ông chạy xe ôm, khách quen của “Trạm cơm nghĩa tình” - ăn vội hộp cơm miễn phí rồi tranh thủ lao vào cuộc mưu sinh. Nơi đây cho ông không đơn giản là 1 phần cơm no mà còn là những sự quan tâm đầy ắp tình người.

Từ năm 2021 đến nay, “Trạm cơm nghĩa tình” (175 Trần Bình Trọng, quận 5, TPHCM) vẫn mở cửa hằng ngày. Cứ 10g sáng, dòng người đã xếp hàng dài để nhận những suất cơm miễn phí. Mỗi ngày, trạm chuẩn bị khoảng 600 suất cơm, một nửa phát miễn phí cho người nghèo, bệnh nhân ở bệnh viện và một nửa bán giá 10.000 đồng/suất cho người lao động.

Chị Đỗ Thị Tưởng - quản lý trạm cơm - cho biết, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, chị và một số người thân quen hay tổ chức nấu cơm đi phát miễn phí tại các bệnh viện. Cuối năm 2021, khi đại dịch COVID-19 lắng xuống, chị Tưởng và bạn bè đã cùng nhau thành lập “Trạm cơm nghĩa tình” để giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn sau đại dịch. “Tôi muốn lập một trạm cơm để những người có hoàn cảnh khó khăn có thể xem đây là một điểm dừng chân. Tôi cũng muốn trạm cơm của mình sẽ góp phần lan tỏa nghĩa tình của người dân thành phố đến với mọi người” - chị Tưởng chia sẻ.

Vừa trở lại TPHCM, bà Lê Thị Xi (quê huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) đã khệ nệ xách 1 bao gạo 5kg để góp với “Trạm cơm nghĩa tình”. Bà Xi cho biết, bà đi bán vé số dạo. Trạm cơm là điểm dừng chân của bà sau những giờ đi bộ. “Tôi đến ăn cơm, cô Tưởng cứ bảo là khỏi gửi tiền. Tuy nhiên, tôi thấy mình có trách nhiệm góp sức để duy trì nên tôi thường trả 10.000 đồng. Thỉnh thoảng, có ai cho gạo tôi lại mang đến đây góp. Các cô chú ở đây từ chối nhưng tôi vẫn gửi cho bằng được, vì muốn góp sức để tình người ở đây được lan tỏa mãi” - bà Xi tâm sự.

Các “nhân viên” ở “Trạm cơm nghĩa tình” cũng là những người có hoàn cảnh khá đặc biệt. Họ là những người lao động ở quận 5, quận 8 tranh thủ lúc rảnh rỗi buổi tối ghé lại giúp nhặt rau, rửa chén. Trạm duy trì được trong những năm qua là nhờ sự chung tay của các nhà hảo tâm và những tình nguyện viên đặc biệt như vậy.

Nơi để trả ơn đời

Từ sáng sớm, Trần Huyền Trang (24 tuổi, quê Cà Mau) đã bắt đầu công việc thiện nguyện ở “Trạm cơm nghĩa tình”. Chị cho biết đã làm thiện nguyện ở đây từ tháng 11/2022 và đây là cách để chị “trả ơn cuộc đời”.

“Trạm cơm nghĩa tình” là nơi có sự quan tâm, sẻ chia đầy ắp tình người - ẢNH: THÀNH AN
“Trạm cơm nghĩa tình” là nơi có sự quan tâm, sẻ chia đầy ắp tình người - Ảnh: Thành An

Huyền Trang là nạn nhân trong vụ mua bán người thông qua chiêu trò “việc nhẹ lương cao”. Chị kể, giữa năm 2022, khi kinh tế gia đình gặp khó khăn, chị lên mạng thấy thông tin tuyển dụng lao động làm việc ở nước ngoài với mức lương rất cao. Vì muốn cải thiện cuộc sống gia đình, chị đã để chồng và con ở nhà để ra nước ngoài làm việc. Cho đến khi được đưa trái phép qua biên giới, chị mới biết mình đã bị lừa bán sang Lào, rồi đến Myanmar để làm việc trong các quán karaoke có hoạt động mại dâm và không được trả lương. Chủ quán cho biết, nếu muốn về, người nhà phải nộp 350 triệu đồng tiền chuộc.

Ở quê, nghe vợ gọi điện về cầu cứu, anh Đặng Quốc Tịnh đã chạy vay mượn khắp nơi nhưng vẫn không đủ số tiền. Hết cách, anh Tịnh đánh liều lên TPHCM hằng ngày cầm bảng cầu xin sự giúp đỡ của mọi người. Cuối cùng, anh Tịnh được mọi người giới thiệu đến “Trạm cơm nghĩa tình”. Sau khi nghe hoàn cảnh của anh, chị Tưởng cùng một số người tốt bụng đã đứng ra vận động các mạnh thường quân để chuộc vợ anh về nước. 

Về Việt Nam, chị Huyền Trang chọn cách ở lại làm tình nguyện viên, hằng ngày nấu nướng, phát cơm cho các bệnh nhân và những người có hoàn cảnh khó khăn như một cách để trả ơn đời. Chiều đến, Huyền Trang đặt một sạp trái cây nhỏ ở trước trạm cơm để bán kiếm tiền nuôi con. Khi biết anh Tịnh không có việc làm, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ 1 chiếc xe máy để anh chạy xe ôm. “Nhờ các anh chị tốt bụng, nhờ trạm cơm nghĩa tình mà cuộc đời vợ chồng tôi đã bước sang trang mới” - anh Tịnh chia sẻ.

Mới đây, vợ chồng bà Nguyễn Thị Tám (80 tuổi) lặn lội từ Cà Mau lên thăm trạm cơm và ở lại 1 ngày để phụ giúp. Bà Tám là bà ngoại của em M. - nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia hồi cuối năm ngoái. Thời điểm đó, vợ chồng bà Tám đã khóc cạn nước mắt vì thương và lo lắng cho đứa cháu mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Rất may mắn, câu chuyện của bà Tám được các nhà hảo tâm biết và ra tay cứu giúp. Họ đã sang tận Campuchia để chuộc M. về cho ông bà.

“Trạm cơm nghĩa tình” cũng là nơi cưu mang M. trong những ngày mới về Việt Nam. “Dù rất bận rộn việc nhà nhưng tôi vẫn cố gắng lên đây để cảm ơn các nhà hảo tâm và cũng để tận mắt thấy nơi đã cưu mang đứa cháu mình khi nó lầm lỡ. Tôi mong trạm cơm sẽ được duy trì lâu dài để lan tỏa yêu thương” - bà Tám bộc bạch.

Chị Đỗ Thị Tưởng cho biết, trong năm vừa qua, có hàng chục nạn nhân của chiêu trò “việc nhẹ lương cao” đã được những người có tấm lòng “giải cứu”. Các nạn nhân cũng đã được trạm cơm cưu mang khi trở về Việt Nam. 

Với những điều tốt đẹp đã làm được, năm 2022, “Trạm cơm nghĩa tình” đã được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tặng bằng khen, tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”. 

 Thành An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI